Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nước Mỹ 17 năm sau đại họa 11-9
Thứ ba: 16:02 ngày 11/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
17 năm nhìn lại, sự kiện 11-9 vẫn là một ký ức kinh hoàng và nỗi đau dai dẳng của nước Mỹ.

Hôm nay, tròn 17 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới New York cũng như nhiều địa điểm quan trọng khác của nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Đây là vụ tấn công tấn công đẫm máu nhất do một thế lực bên ngoài tiến hành trên đất Mỹ, khiến gần 3.000 người thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương. 17 năm nhìn lại, sự kiện 11-9 vẫn là một ký ức kinh hoàng và nỗi đau dai dẳng của nước Mỹ.

Tòa tháp đôi WTC. niềm tự hào của nước Mỹ bị tấn công ngày 11-9-2001.

Nước Mỹ chào thế kỷ XXI với một cơn địa chấn kinh hoàng. 19 kẻ khủng bố khống chế 4 chiếc máy bay, biến chúng thành vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC), Lầu Năm Góc đã trở thành mục tiêu của vụ tấn công. 

Trong khi đó, một chiếc máy bay rơi xuống một cánh đồng ở Pennsylvania, mục tiêu của nó được cho là tòa nhà Quốc hội hoặc Nhà Trắng. Nếu xét về phương diện kinh tế, tính tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là sự kiện “hao người, tốn của” bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Nói cách khác, vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Tòa tháp đôi là trụ sở của hơn 400 doanh nghiệp, trong đó có những công ty tài chính hàng đầu nước Mỹ và cả thế giới. Vụ tấn công khiến sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian dài. 8 tỷ USD bỗng chốc trở thành đống đổ nát và khói bụi khi hai chiếc máy bay đánh sập các tòa nhà. 

Tờ New York Times ước tính, 8 tỷ USD là giá trị của tòa tháp đôi cùng 2 chiếc phi cơ. Ngoài ra, công trình này sập xuống gây thiệt hại khoảng 14 tỷ USD cho toàn bộ thành phố New York. Nếu tính tất cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thiết bị, chi phí chữa trị người bị thương hay mất mát với những người thiệt mạng cũng như khoản tiền cho dọn dẹp và các hoạt động khắc phục hậu quả khác lên tới 58,8 tỷ USD. 

11-9 dù đã ở lại quá khứ 17 năm nhưng sẽ vẫn in hằn trong ký ức của người dân Mỹ.

Cùng với đó, ngân sách dành cho an ninh nội địa của Mỹ cũng tăng vọt. Ngoài ra, vụ khủng bố và các yếu tố khác tạo ra những khoản nợ lớn cũng như lạm phát mạnh ở thị trường nhà ở và bất động sản. Hệ quả của nó là đợt khủng hoảng tài chính cuối năm 2007, đầu năm 2008 khi thị trường nhà ở, ngành ngân hàng và hệ thống tài chính Mỹ đồng loạt sụp đổ.

Trong vòng 230 ngày sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, các lực lượng chức năng vẫn miệt mài và tích cực triển khai việc tìm kiếm cứu nạn. Vụ khủng bố đẫm máu này còn khiến 1.300 trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Theo ước tính, số người ở New York bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương do vụ khủng bố ngày 11-9 lên đến 422.000 người. 

New York vực dậy và vẫn là một trung tâm tài chính, thương mại lớn nhất thế giới, 17 năm sau thảm họa.

Mặc dù đã xảy ra cách đây 17 năm nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ vẫn để lại quá nhiều hệ lụy về sức khỏe. Theo một nghiên cứu được công bố khoảng một năm sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11-9, nhiều nạn nhân bị mắc cái gọi là “Ho Trung tâm thương mại thế giới”. 

Còn mới đây theo New York Post, gần 10.000 người mắc ung thư, trong số này có 420 người đã qua đời, vì hít phải bụi độc do vụ khủng bố này gây ra. Cụ thể, Chương trình Sức khỏe của WTC đã có cuộc khảo sát và đưa ra kết luận đã có ít nhất 9.795 người nhiễm ung thư. Con số này tiếp tục tăng theo cấp số nhân kể từ khi chương trình tại bệnh viện Mount Sinai này được khởi động năm 2013. 

Năm 2015, con số bệnh nhân ung thư liên quan tới vụ khủng bố 11-9 là 3.204 người, trong khi năm ngoái con số này đã vọt lên tới 8.188 ca. Bác sĩ Michael Crane, Giám đốc y tế thuộc Chương trình Sức khỏe WTC cho biết trung tâm của ông nhận 15 đến 20 ca bệnh mỗi tuần, đồng thời nhấn mạnh 17 năm sau thảm kịch, số lượng người lớn tuổi cần tới hỗ trợ y tế đã tăng lên. Những người mắc bệnh đầu tiên có xu hướng phải hứng chịu căn bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư da, đồng thời hứng chịu nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn. 

Ông John Feal, thuộc Quỹ Feal Good, một quỹ chuyên vận động cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ 11-9 cho biết “vụ 11-9 vẫn đang giết người. Đáng buồn là cộng đồng những người hùng, những nạn nhân sống sót vốn đã mong manh lại đang sụt giảm từng ngày”.

Theo nhiều chuyên gia, 11-9-2001 vừa là bi kịch nhưng cũng là cú huých mạnh vào Washington, thúc giục chính quyền Mỹ phải thực hiện điều chỉnh bộ máy chính quyền với quy mô lớn nhất kể từ nửa thế kỷ qua để tuyên chiến với khủng bố. Phải kể đến như việc thành lập Bộ An ninh Nội địa, Bộ chỉ huy miền Bắc, Giám đốc tình báo quốc gia, Lực lượng đặc biệt chống khủng bố,… với quy mô lực lượng và kinh phí lần lượt tăng lên đáng kể so với trước. 

Không dừng lại ở đó, nhiều biện pháp, phương tiện đảm bảo an ninh đường không, đường biển, nội địa, an ninh mạng được phát triển, tổ chức chặt chẽ, nhằm hình thành “phòng tuyến” vững chắc bảo vệ nước Mỹ, v.v. Nhờ đó, Mỹ đã ngăn chặn được nhiều âm mưu khủng bố và về cơ bản, đến nay, không để xảy ra những vụ khủng bố tương tự.

Năm 2018 đánh dấu 17 năm kể từ khi vụ tấn công khủng bố xảy ra, New York đã mạnh mẽ vươn dậy sau nỗi đau và vẫn là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất không chỉ của Mỹ mà còn của cả thế giới. 

Một trung tâm thương mại thế giới chọc trời khác đã được xây dựng nhưng ở một khu vực khác, còn nơi từng tọa lạc hai tòa tháp WTC cũ đã trở thành một khu tưởng niệm đặc biệt của New York, để nhắc nhở rằng người dân thành phố cũng như nước Mỹ sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đã làm thay đổi cục diện đất nước cũng như kéo theo hàng loạt hệ lụy, bao gồm cả cuộc chiến chống lại khủng bố hay vũng lầy Afghanistan mà Mỹ vẫn chưa thoát ra được. 

17 năm và 3 đời Tổng thống, sau Afghanistan, Iraq, Mỹ Một lần nữa bị cuốn vào xung đột ở Trung Đông thông qua chiến dịch không kích ngăn chặn IS. Theo thống kê, các hoạt động quân sự chống IS của Mỹ ngốn tới 11 triệu USD/ngày, tương đương 4,75 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 8-2014 tới tháng 10-2015. Còn theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, được trang RT của Nga trích dẫn, từ ngày 11-9-2001, cuộc chiến chống khủng bố đã tiêu tốn khoảng 1,46 nghìn tỷ USD.

Nguồn Báo CAND

Tin cùng chuyên mục