Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nước Mỹ hồi hộp bước vào “Siêu thứ Ba”
Thứ ba: 08:34 ngày 05/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một loạt cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra trong ngày “Siêu thứ Ba” tại Mỹ được cho là sẽ định hình cuộc đua vào Nhà Trắng, khi phản ánh mức độ ảnh hưởng và sự uy tín của các ứng viên Tổng thống, phác họa rõ nét bức tranh của chặng đua cuối cùng.

Theo Reuters, “Siêu Thứ Ba” năm nay rơi vào ngày 5/3, phân bổ 854/2.429 đại biểu của đảng Cộng hòa và 1.429/3.933 đại biểu của đảng Dân chủ cho các ứng cử viên. Trong ngày bầu cử sơ bộ lớn nhất tại Mỹ, cử tri ở 15 bang (Alabama, Alaska, Arkansas, California, Colorado, Maine, Masachusetts, Minnesota, North Carolina, Oklahoma, Tennessee, Texas, Utah, Vermont và Virginia) và vùng lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ sẽ đồng loạt tiến hành bỏ phiếu để bầu chọn ứng cử viên tổng thống và một số cuộc đua quan trọng vào quốc hội. Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu kín sau cuộc họp đảng của phe Dân chủ tại bang Iowa (được tổ chức dưới hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện) cũng sẽ được công bố vào ngày này.

Kết quả “Siêu thứ Ba” sẽ định hình cuộc đua vào Nhà Trắng. Ảnh: Getty

Thuật ngữ “Siêu thứ Ba” được sử dụng lần đầu tiên năm 1988, khi lãnh đạo đảng Cộng hòa tại các bang miền Nam nước Mỹ quyết định tổ chức bỏ phiếu trong cùng một ngày để tạo uy thế cho ứng cử viên bảo thủ mà họ ủng hộ.

Lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sau đó nhận ra rằng việc tổ chức sớm và đồng thời một số lượng lớn các cuộc họp đảng và bầu cử sơ bộ sẽ giúp cử tri xác định đâu là ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của mỗi đảng, qua đó tăng tính đoàn kết và thống nhất trong nội bộ đảng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Trong những kỳ bầu cử tổng thống gần đây, khoảng 30-40% số đại biểu của mỗi chính đảng được phân bổ cho các ứng cử viên riêng trong “Siêu thứ Ba”.

Theo luật bầu cử Mỹ, một ứng cử viên cần có được sự ủng hộ của hơn 50% số đại biểu đại diện cho chính đảng của mình để chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Việc thu được kết quả tốt trong ngày “Siêu thứ Ba” thường là “liều doping” mạnh cho chiến dịch tranh cử của bất kỳ ứng cử viên tổng thống.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, đường đua giữa các ứng cử viên Cộng hòa phần nào gay cấn hơn, do phần lớn các cuộc bỏ phiếu của phe Cộng hòa trong “Siêu thứ Ba” lần này áp dụng cơ chế “được ăn cả”, còn phe Dân chủ sẽ phân bổ đại biểu theo tỷ lệ phiếu bầu mà mỗi ứng cử viên nhận được.

Cụ thể, “Siêu thứ Ba”sẽ quyết định liệu ứng cử viên Donald Trump có đánh bại đối thủ duy nhất còn lại là cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa hay không.

Người chiến thắng sẽ đối đầu với đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024. Trên thực tế, cựu Tổng thống Trump đã giành chiến thắng trong mọi cuộc tranh cử, đề cử của đảng Cộng hòa kể từ đầu năm.

Nếu thất bại trong ngày 5/3, bà Haley nhiều khả năng sẽ bỏ cuộc, khi nữ ứng viên này không còn bất cứ cơ hội nào để lật ngược tình thế. Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, bà Haley đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa dưới hình thức bỏ phiếu kín tổ chức ở thủ đô Washington D.C.

Đây là chiến thắng đầu tiên của bà Haley trước cựu Tổng thống Donald Trump kể từ khi bắt đầu bầu cử sơ bộ tại bang Iowa ngày 15/1 đến nay. Vượt qua những thất bại ban đầu, bà Haley vẫn tỏ rõ sự quyết tâm theo đuổi cuộc đua khốc liệt năm nay, mặc dù không nắm chắc được chiến thắng ở hầu hết các cuộc bầu cử sơ bộ.

Sau thất bại tuần trước tại quê nhà – bang Nam Carolina, cựu đại sứ Mỹ vẫn kiên định cho rằng, cử tri ở những địa phương tiếp theo theo xứng đáng có một sự lựa chọn khác ngoài ông Trump, bất chấp sự áp đảo gần như tuyệt đối của ông trong chiến dịch lần này.

Theo thông lệ các năm, công tác kiểm phiếu bầu của “Siêu Thứ Ba” năm nay sẽ cơ bản được hoàn tất vào rạng sáng 6/3, dù một số bang có thể công bố người chiến thắng ngay trong tối 5/3. "Nếu có một ứng cử viên dẫn đầu rõ ràng vào "Siêu thứ Ba", thường sau ngày này, ứng cử viên đó sẽ tiếp tục là người dẫn đầu và nhiều ứng viên khác sẽ từ bỏ cuộc đua", bà Caitlin Jewitt, phó giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Virginia Tech, nhận định trên Đài Al Jazeera.

Còn theo NY Times, ngay cả khi kết quả bầu cử ở các bang này chưa quyết định ai sẽ giành được suất đề cử của mỗi đảng, nhưng chắc chắn sẽ là cú hích cho hai ứng cử viên sáng giá nhất là ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong một diễn biến có liên quan, chỉ 2 ngày sau “Siêu thứ Ba”, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ trình bày Thông điệp Liên bang trước Quốc hội. Trước đây, việc trình bày Thông điệp Liên bang thường diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. 

Tuy nhiên, thông điệp liên bang năm nay - một nghi thức chính trị hàng đầu của nền chính trị Mỹ thu hút hơn 20 triệu người xem (năm 2023) - sẽ cho phép Tổng thống Biden đưa ra thông điệp chính trị trong chiến dịch tranh cử đang ở vào giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Một số quan chức Nhà Trắng cho biết trong Thông điệp liên bang năm nay, Tổng thống Biden sẽ nêu bật các thành tựu đã đạt được trong 3 năm qua, cũng như khái quát tầm nhìn của ông về tương lai nước Mỹ. Một số vấn đề dự kiến cũng được đề cập là việc giảm chi phí cho người dân, đề xuất tăng thuế đối với giới siêu giàu và các tập đoàn, các biện pháp bảo vệ sức khỏe sinh sản, cũng như ngăn chặn chất ma túy fentanyl.

Nguồn CAND

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục