BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương:

Nước nào tăng tuổi nghỉ hưu cũng gặp phải sự phản ứng của người lao động 

Cập nhật ngày: 22/10/2019 - 23:11

BTN - Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khoẻ trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo quy định nguyên tắc là trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thoả thuận với người lao động.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại một kỳ họp của Quốc hội (ảnh do Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh cung cấp).

PV: Thưa ông, cho đến hôm nay, quy định tuổi nghỉ hưu vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Việc tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến sức khoẻ, môi trường làm việc của từng ngành nghề, chưa kể, tăng tuổi nghỉ hưu khiến cho lực lượng lao động trẻ khó tìm việc làm. Nhưng mặt khác cũng có thông tin rằng, nước ta đang thiếu lao động, có doanh nghiệp cần lao động nhưng tuyển không được. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Vừa qua, Báo Tây Ninh đã đăng tải ý kiến của giới công nhân, đại diện tổ chức Công đoàn về một số nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo.

Số báo này, Báo Tây Ninh trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Trịnh Ngọc Phương (ảnh)- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh.

Ông Trịnh Ngọc Phương: Tôi cho rằng những vấn đề phóng viên đặt ra đều đúng cả. Trong nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với cử tri, lắng nghe ý kiến người lao động, hầu hết đều không đồng tình các phương án trong dự thảo. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu là “điểm nóng”, là vấn đề hết sức nhạy cảm, tất cả các nước trên thế giới khi tăng tuổi nghỉ hưu đều vấp phải sự phản ứng của người lao động.

Thực tế người lao động Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu, do đó, cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu lao động trẻ trong lúc đất nước đang tinh giản biên chế. Là ĐBQH, chúng tôi hết sức quan tâm và kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hợp lý, tăng tuổi nhưng không gây sự phản ứng, mất đồng thuận với người lao động. Điều quan trọng nhất trong tăng tuổi nghỉ hưu là tạo cơ sở, niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi luật ban hành. Đặc biệt, không quy định chung việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho mọi đối tượng, mà phải có danh mục ngành nghề tăng, giảm tuổi hưu ban hành kèm theo luật.

Do còn có ý kiến khác nhau, hơn nữa đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, tại kỳ họp thứ 8 này, Uỷ ban Thường vụ Quốc  hội trình Quốc hội hai phương án quy định về tuổi nghỉ hưu tại Khoản 2 Điều 169 để xem xét, cho ý kiến. Phương án 1 (phương án Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi) và phương án 2 (phương án quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình).

Tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm, đến nay, tất cả các điều kiện về kinh tế - xã hội, điều kiện lao động, sức khoẻ, tuổi thọ bình quân, về yêu cầu phát triển đất nước đã thay đổi nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đã đến thời điểm chín muồi. Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thị trường lao động và cũng là nhu cầu thực tế của Việt Nam.

“Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ dàng, các nước khi thực hiện đều vấp phải sự không đồng tình, nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển bền vững của quốc gia thì rút cuộc họ đều quyết định theo hướng đó”.

Tôi thấy, phương án 1, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của “người làm công ăn lương”, đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong Luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành. Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau (như đã nêu ở trên) trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam, sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ luỵ cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng.

Đối với phương án 2, bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tuỳ vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng.

Tuy nhiên, phương án này chỉ ghi chung về tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định. Như vậy, có thể sẽ dẫn đến phức tạp, khó khăn hơn khi thực hiện các quy định nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài, người lao động không xác định được việc mình sẽ nghỉ hưu vào thời điểm nào.

PV: Điều 92 của dự thảo sửa đổi quy định căn cứ xác định, điều chỉnh lương tối thiểu dựa trên 5 yếu tố, trong đó có quy định dựa vào khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một số ý kiến từ giới lao động và tổ chức Công đoàn đề nghị bỏ quy định này, vì khó định lượng, dẫn đến khó đạt được sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo ông, quy định như trong dự thảo là có cơ sở không?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Thực tế cho thấy trong quá trình soạn thảo cũng như trong những lần tiếp xúc cử tri có rất nhiều đại biểu cũng băn khoăn, tuy nhiên lần soạn thảo này đã đưa vào những ý rút ra từ thực tiễn. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương mà người lao động thực nhận hiện nay ở các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 60%-70% nhu cầu sống tối thiểu của họ.

Do đó, lần sửa đổi này, Chính phủ chủ trương dựa trên nguyên tắc: Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động; bình đẳng về tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp; thiết lập cơ chế bảo vệ người lao động thông qua các quy định chặt chẽ về cơ chế trả lương cho người lao động. Theo đó, dự luật quy định rõ các loại lương tối thiểu, gồm: lương tối thiểu vùng, ngành cùng các yếu tố xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định: mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng vì nhu cầu sống gồm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần. Trong khi, nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Quá trình soạn thảo, có ý kiến đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng bảo đảm “mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”; và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất.

Do vậy, dự thảo Luật hiện đang thể hiện theo phương án trên được quy định tại Điều 91, 92- với khái niệm rõ ràng và mang đậm tính nhân văn cũng như cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đến đời sống người dân, đó là: “Mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”, đồng thời, giữ lại quy định hiện hành việc Chính phủ quyết định, công bố mức lương tối thiểu.  Đó cũng chính là cơ sở mà dự thảo đưa ra 5 yếu tố để xác định mức lương tối thiểu được điều chỉnh.

PV: Liên quan đến số giờ làm việc trong ngày và tổng số giờ làm thêm (tăng ca), dự thảo quy định một số ngành nghề có thể làm thêm đến 400 giờ một năm (hiện tại 200 giờ). Người lao động cho rằng, nếu tăng giờ làm thêm lên 400 giờ một năm có thể dẫn đến không bảo đảm sức khoẻ cho người lao động. Nhưng cũng có một thực tế khác, nhiều người muốn làm thêm để cải thiện thu nhập. Ông tán thành phương án tăng giờ làm thêm không, vì sao?

Ông Trịnh Ngọc Phương: Tôi tán thành phương án làm thêm giờ, ngoài lý do rất nhiều người muốn làm thêm để tăng thu nhập, tôi xin thông tin thêm một số vấn đề để làm rõ và rộng đường dư luận. Theo các số liệu mà tôi được biết, hiện nay so với các quốc gia khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Thái Lan: 36 giờ/tuần; Malaysia: 104 giờ/tháng; Lào: 45 giờ/tháng; Campuchia và Philippines: Không khống chế).

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng biết được nhiều ý kiến đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thoả thuận về giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, có ý kiến cho rằng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành đang khống chế số giờ làm thêm thấp hơn tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua hàng cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thuỷ sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hàng, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng. Quy định về làm thêm giờ cho thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng), vì việc quy định làm thêm giờ theo tháng sẽ cứng nhắc, không linh hoạt, chưa phù hợp với thực tế chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu, phụ thuộc vào mùa vụ kinh doanh như: gia công hàng hoá xuất khẩu, chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu).

Từ thực tế đó, tôi nghĩ rằng Chính phủ đề xuất làm thêm giờ là hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi, việc mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và theo hướng áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hoá mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hoà các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khoẻ của người lao động”.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khoẻ trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo quy định nguyên tắc là trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thoả thuận với người lao động.

Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Được biết dự thảo lần này bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, nhằm bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động.

VIỆT ĐÔNG