Thời điểm này, hầu như tất cả các trường học
trong tỉnh đều đang rộn rịp chuẩn bị chào đón Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ít
ai biết được, gần ba tuần lễ nay ở vùng quê xa thuộc khu vực cánh Tây của huyện
Trảng Bàng, có những ngôi trường ven bờ sông Vàm Cỏ Đông vẫn đang im lìm cửa
đóng.
Theo chân đoàn khảo sát của Sở Giáo dục và Đào
tạo do Phó Giám đốc Dương Văn Sáu làm trưởng đoàn, chúng tôi vượt qua đoạn đường
đất đỏ gập ghềnh, đến bến đò Lộc Giang của huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Cẩn thận
mặc chiếc áo phao do ông Hồ Văn Hoà, Quyền trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
huyện Trảng Bàng đưa cho, chúng tôi hồi hộp leo lên chiếc ghe nhỏ băng sông Vàm
Cỏ Đông, rẽ vào con lạch Rạch Chùa để đến với Trường tiểu học Trung Lập thuộc
địa bàn xã Phước Chỉ. Thầy giáo Nguyễn Văn Xứ, hiệu trưởng nhà trường nhấc băng
cây cầu khỉ cho chiếc ghe nhỏ của chúng tôi vượt qua để ghé vào sân trường lênh
láng nước.
|
Nhấc cầu lên, ghe mới qua được |
Thầy Xứ cho biết, học sinh của Trường tiểu học
Trung Lập nằm rải rác xung quanh với bán kính khoảng hơn 4 cây số. Mùa khô, các
em có thể men theo bờ ruộng tới trường. Mùa nước nổi như hiện giờ, chỉ có một
phương tiện duy nhất là tự chèo xuồng mà đi hoặc quá giang xuồng của thầy cô,
bạn bè để đến lớp.
Gọi là trường nhưng ngôi trường Trung Lập chỉ có
10 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 với tổng cộng 44 học sinh. Đông nhất là lớp 1A có 10
em, lớp 4B và 3B mỗi lớp chỉ có 2 em- vẫn chưa phải là ít nhất vì còn có lớp 5B
chỉ duy nhất một em. Tất cả các em đều là con em nông dân nghèo.
Ngược dòng hơn 5km, rẽ trái theo lạch gần một
cây số, lại cặp theo con mương nhỏ hơn 500 mét nữa, chúng tôi tới Trường tiểu
học Phước Hội. Trường tiểu học Phước Hội có hai điểm trường cách nhau gần 3km,
có tất cả 71 học sinh chia thành 10 lớp. Cô giáo Cao Thị Lan, Hiệu trưởng nhà
trường cho biết, trường có 3 học sinh là con em gia đình thuộc diện hộ nghèo
theo chuẩn Trung ương và gần chục em thuộc diện nghèo địa phương. Trường cũng có
được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm thông qua những phần quà, những
suất học bổng nho nhỏ, góp phần chia sẻ khó khăn với nhà trường, đồng thời động
viên, khuyến khích các em học sinh đến lớp.
Rời khỏi Trường tiểu học Phước Hội, chiếc ghe
đưa đoàn đi lại cắt dòng nước đỏ ngầu ngược sông cập đảo An Thới. Chúng tôi rời
ghe lội bộ vào Trường THCS An Thới, một trong những điểm sáng của ngành giáo dục
huyện Trảng Bàng. Đất lành chim đậu, hòn đảo An Thới với diện tích 552 héc ta
nằm giữa bốn bề sông rạch đã nhiều đời nay đón dân tứ xứ về cư ngụ. Hai năm
trước, đảo có tới 478 hộ dân, 1.307 nhân khẩu. Hai ngôi trường tiểu học và trung
học cơ sở trên đảo từ lâu đã là niềm tin cậy của phụ huynh học sinh gửi gắm con
em mình. Trường THCS An Thới có 6 lớp học với 200 học sinh. 16 thầy cô giáo của
trường đều đạt chuẩn sư phạm, trong đó 11 người đã tốt nghiệp đại học. Bên cạnh
nguồn kinh phí của Nhà nước, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hoá để phát
triển giáo dục và được các nhà hảo tâm tích cực hỗ trợ. Một thư viện, một phòng
thực hành trên máy vi tính, gần 50 bộ bàn ghế, hơn 10 triệu đồng tiền học bổng
từ đầu năm học tới giờ đã giúp thầy và trò nhà trường có điều kiện nâng cao chất
lượng dạy và học.
Ấy thế mà hôm nay, Trường THCS An Thới chỉ còn
vỏn vẹn 4 lớp với 83 học sinh. Trước đây con số 11 phòng học không đủ để sử
dụng, bây giờ lại trở nên thừa thãi. Nguyên nhân là do dự án Khu công nghiệp
Bourbon-An Hoà đang khởi động, hơn 200 hộ dân phải di dời, số học sinh cũng “hao
hụt” theo. Thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Răng đang băn khoăn về việc tổ chức mô hình
nào cho ngôi trường mới với số học sinh ít ỏi còn lại, nếu không thành quả công
tác phổ cập tiểu học và trung học cơ sở địa phương đã duy trì tốt thời gian qua
có nguy cơ không giữ được do học sinh bỏ học.
|
Trường tiểu học Trung Lập |
Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà
nước, tất cả các trường học bên sông Vàm Cỏ Đông đều được nâng nền cao hơn cả
mét so với mặt nước nên không có phòng học nào bị ngập. Tuy nhiên, đường đến
trường hầu hết là các bờ ruộng nhỏ, mùa này nước ngập sâu năm, sáu tấc nên phụ
huynh không dám cho con em tới trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo Trảng Bàng đã
cho 4 trường tiểu học Phước Giang, Phước Hội, Trung Lập, Vàm Trảng và Trường
THCS An Thới nghỉ học. Tổng số học sinh phải nghỉ học là 414 em. Sau một tuần
lễ, Trường THCS An Thới đã tổ chức đi học lại bình thường. Riêng các trường tiểu
học trên vẫn phải cho học trò nghỉ.
Theo ông Dương Văn Sáu, do học sinh tiểu học tập
trung đến trường từ giữa tháng tám, đồng thời biên chế năm học có một tuần dự
trữ, nên nếu nghỉ kéo dài các trường có thể tổ chức cho các em học bù vào ngày
cuối tuần, như vậy kế hoạch thời gian năm vẫn đảm bảo. Phòng Giáo dục và Đào tạo
Trảng Bàng đã kịp thời phối hợp với gia đình học sinh và chính quyền địa phương
tổ chức cho các em nghỉ học an toàn, đặc biệt tăng cường tuyên truyền cho giáo
viên, học sinh khi tham gia di chuyển bằng phương tiện ghe, xuồng trong mùa ngập
nước phải trang bị đầy đủ áo phao, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản
cho giáo viên và học sinh. Các trường học đã tổ chức tốt việc trực bảo quản cơ
sở vật chất khi nước ngập nên không có thiệt hại gì đáng kể về cơ sở vật chất.
Sau khi nước rút, các trường sẽ hoạt động lại và có kế hoạch giảng dạy để đảm
bảo chương trình chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.
Duy Anh