Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo UBND xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, gần 1 tuần nay, nước trên sông Vàm Cỏ Đông (đoạn qua địa bàn xã) đột nhiên chuyển sang màu đen kèm theo mùi hôi bất thường, nhiều loài thuỷ sản tự nhiên trên sông và cá nuôi của người dân chết hàng loạt, đến thời điểm hiện tại, ước tính tổng thiệt hại đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
Cá nuôi trong bè cá của người dân tại thị trấn Gò Dầu bị chết nghi do nguồn nước ô nhiễm.
Cá chết hàng loạt
Ông Nguyễn Tấn Khoa, ngụ ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ cho biết, sáng 18.5, ông quan sát thấy nước trên sông Vàm Cỏ Đông đột ngột chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc, nên dự định làm hồ bằng bạt để di dời số cá nuôi trong các vèo trên sông lên bờ. Tuy nhiên, chỉ vài chục phút sau, toàn bộ số cá trong 7 vèo của nhà ông lần lượt ngửa trắng bụng, chết không còn một con, ông Khoa phải vớt bỏ ở hố sau nhà.
Theo ông Khoa, trong số 7 vèo cá, gồm 6.000 con cá lăng hồng vĩ khoảng 15 ngày tuổi, giá con giống lúc mua về thả nuôi là 35.000 đồng/con; 60 kg cá rô khoảng 4 tháng tuổi; 60.000 cá chốt trâu khoảng 7 tháng tuổi và 2.000 con cá lóc khoảng 2 năm- gần đến ngày bán, ước tính tổng thiệt hại của gia đình ông là 450 triệu đồng.
Cũng trong ngày 18.5, gia đình ông Nguyễn Phước Hải (ngụ tổ 4, ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ) phát hiện toàn bộ số cá trong 3 vèo nuôi trên sông Vàm Cỏ Đông (gồm 6.000 con cá lóc thương phẩm, 2 vèo cá rô và 1 ao cá diêu hồng) nổi đầu chết, dù gia đình vớt cá đem lên hồ sục oxy vẫn không thể cứu được. Theo ông Hải, ước tính số vốn gia đình ông đã bỏ ra đầu tư cho đàn cá tính đến thời điểm hiện tại là gần 60 triệu đồng.
Ông Lê Văn Ngân- Trưởng ấp Phước Hội cho biết, không những cá nuôi trong các vèo trên sông của người dân bị chết mà trong những ngày qua, cá tự nhiên trên sông cũng nổi đầu chết rất nhiều, nhưng do mặt sông có nhiều lục bình nên hiện tại chỉ thấy vài con cá chết sình, nổi lên mặt nước. Theo ông Ngân, ngoài tình trạng cá chết, trên địa bàn ấp có hai hộ chăn nuôi vịt sử dụng nguồn nước sông, chỉ trong hai ngày (19-20.5) đã có hơn 300 con bị chết.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đo các chỉ số của nước sông Vàm Cỏ Đông, khu vực xảy ra tình trạng cá chết tại ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ.
Theo UBND xã Phước Chỉ, qua thống kê ban đầu, trên địa bàn hai ấp Phước Hội và Phước Trung có khoảng 7 hộ nuôi cá trong vèo trên sông Vàm Cỏ Đông có cá bị chết. Cụ thể, tại ấp Phước Hội có 4 hộ, ước tính thiệt hại gần 700 triệu đồng; ấp Phước Trung có 3 hộ, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND xã đã cử cán bộ đến các hộ dân nuôi cá nắm tình hình, báo cáo cấp trên; đồng thời, liên tục cập nhật thông tin liên quan đến môi trường nước, khuyến cáo các hộ dân thu hoạch cá sớm, di dời cá vào ao trú ẩn.
Nhiều vèo cá nuôi bị thiệt hại vì nguồn nước sông bị ô nhiễm.
Sáng 21.5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng đến nhà các hộ dân bị thiệt hại do cá chết để kiểm tra thực tế; tiến hành kiểm tra nhiệt độ, độ trong, PH, DO, màu và mùi của nước để tìm nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết.
Cần tìm nguyên nhân
Những năm qua, “điệp khúc” nước sông Vàm Cỏ Đông đột ngột đổi màu, bốc mùi hôi và làm cá chết hàng loạt liên tục diễn ra khiến các hộ dân sống bằng nghề cá dọc dòng sông này lại nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa về.
Theo ông Nguyễn Tấn Khoa, mỗi lứa cá thả nuôi trong bè là cả gia tài của nông dân. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, nước sông ô nhiễm làm cá chết, khiến gia đình ông rơi vào cảnh nợ nần.
Ông L.V.H, nhà tại khu vực chân cầu Gò Chai, thuộc ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) cho biết, gia đình ông không có ruộng canh tác nên từ xưa đến nay đều sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Trước đây, số lượng cá trên sông còn nhiều, nguồn thu nhập từ đánh bắt cá giúp gia đình ông sống thoải mái. Nhiều năm gần đây, cứ đến thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa là nước sông lại bị ô nhiễm, làm cá, tôm nổi đầu chết, khiến ông hết sức xót xa.
Cá chết nổi trên mặt sông Vàm Cỏ Đông.
Theo nhiều hộ dân sống dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, tình trạng nước sông bị ô nhiễm gần như năm nào cũng diễn ra, kèm theo đó là hiện tượng cá chết, nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Các hộ dân đều cho rằng, nước sông ô nhiễm là do nước thải từ các nhà máy chế biến nông sản cố tình xả ra sông.
Ông V.T.H (nuôi cá bè tại thị trấn Gò Dầu) thẳng thắn: “Chúng tôi muốn cơ quan chức năng xác định rõ thủ phạm gây ô nhiễm, nếu doanh nghiệp nào cố tình xả lén nước thải xuống sông thì ngành chức năng phải truy tìm và xử lý nghiêm khắc, buộc họ phải bồi thường cho người dân. Chứ để tình trạng nước sông ô nhiễm hoài thì không chỉ cá nuôi bè, mà cá tự nhiên cũng không thể nào sống nổi”.
Rõ ràng, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông trong những năm gần đây liên tục ô nhiễm, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các nguồn gây ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng này, khiến nguồn lợi thuỷ sản trên dòng sông ngày càng cạn kiệt.
Minh Dương