BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước thải sinh hoạt- nguyên nhân gây ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông 

Cập nhật ngày: 04/06/2024 - 06:13

BTN - Cùng với hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mà còn là nơi mưu sinh của những cư dân sống dọc hai bên bờ.

Sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có thuỷ trình khoảng hơn 100 km đi qua 6 huyện và thị xã gồm: Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng. Cùng với hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp mà còn là nơi mưu sinh của những cư dân sống dọc hai bên bờ. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, dòng sông này liên tục bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của con người.

Nước sông Vàm Cỏ Đông có màu đen và mùi hôi khó chịu.

Cạn kiệt nguồn thuỷ sản

Từ cuối tháng 4.2024 đến nay, người dân sống dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông từ huyện Châu Thành, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng liên tục phản ánh tình trạng cá tự nhiên trên sông và cá nuôi trong lồng bè đột nhiên nổi đầu chết bất thường.

Bà Huỳnh Thị Phương Nam, hộ nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông, thuộc khu phố 1, thị trấn Gò Dầu cho biết, hơn 10 ngày trước, nước sông đoạn qua khu vực Thị trấn bắt đầu xuất hiện hiện tượng có màu đen kèm theo mùi hôi nồng.

Nhận thấy nước có khả năng ô nhiễm, bà cùng chồng vội vàng khởi động máy sục oxy cho 15 vèo cá vồ đém và tai tượng. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, toàn bộ số cá nuôi của gia đình lần lượt nổi trắng bụng, chết gần hết, ước tính thiệt hại của gia đình bà lên đến hơn 500 triệu đồng.

Nhớ lại thời điểm cá chết, bà Huỳnh Thị Phương Nam không giấu được cảm xúc: “Cá tôi nuôi 7, 8 tháng hết rồi, còn có mấy ngày nữa chuẩn bị xuất bán mà giờ chết kiểu này, bao nhiêu vốn liếng của hai vợ chồng tôi tích góp đều hết theo đàn cá. Giờ còn nợ nần không biết lấy gì trả, làm sao có vốn mà tái đàn nuôi lại?”.

Như Báo Tây Ninh đã thông tin, từ giữa tháng 5 đến nay, tình trạng cá chết liên tục xảy ra trên nhiều đoạn sông Vàm Cỏ Đông. Hiện nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn tại khu vực cầu An Phước, thuộc ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng.

Theo người dân, cá chết nhiều vào khoảng 3 ngày trở lại đây, chủ yếu là cá tự nhiên trên sông Vàm Cỏ Đông. Điều đáng nói là cách đây hơn 10 ngày, cũng trên đoạn sông này, nhiều hộ nuôi cá lồng bè cũng phản ánh tình trạng cá chết hàng loạt.

Theo người dân, nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra, nguy cơ những năm tới, nguồn lợi thuỷ sản trên sông sẽ chẳng còn.

Nước thải sinh hoạt là nguyên nhân chính

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 17 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền hơn 6,2 tỷ đồng, trong đó rút giấy phép môi trường đối với một doanh nghiệp.

Ngoài chịu ảnh hưởng từ việc các nhà máy xả thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, sông Vàm Cỏ Đông còn đang phải “gánh” một lượng lớn nước và chất thải chưa qua xử lý từ các khu dân cư, kể cả nước từ các trung tâm y tế và trung tâm thương mại, chợ...

Các cơ sở, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng, quán ăn tại khu đô thị, khu dân cư và các hộ chăn nuôi, giết mổ… hầu hết vẫn đổ nước chưa được xử lý ra sông. Cùng với đó là lục bình trên sông phát triển dày đặc phủ kín mặt sông làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng nhu cầu oxy hoá học (COD) và nhu cầu oxy sinh học (BOD) để oxy hoá nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao (các hợp chất nitơ, phốt pho…), làm gia tăng phân huỷ kỵ khí dẫn đến mùi và màu nước sông thay đổi.

Đơn cử tại kênh Gò Kén thuộc phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành. Kênh này trực tiếp tiếp nhận nước thải sinh hoạt của thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông từ nhiều năm qua. Theo phản ánh của người dân, tuyến kênh Gò Kén bị ô nhiễm trầm trọng, nước trên kênh lúc nào cũng một màu đen, bốc mùi hôi thối hết sức khó chịu.

Khu vực cống nước thải của chợ Gò Dầu ra sông Vàm Cỏ Đông đầy rác.

Theo Sở TN&MT, qua phản ánh của người dân, Sở đã khảo sát, xác minh thông tin thực tế tại một số nơi như: rạch Trưởng Chừa và rạch Bình Tranh (thuộc thị xã Trảng Bàng); khu vực cảng Bến Kéo, xã Long Thành Nam; cầu Rạch Rễ Giữa, khu vực điểm tập kết lục bình bến Huỳnh Vương, xã Trường Đông, thuộc thị xã Hoà Thành; cầu Gò Chai (huyện Châu Thành); đoạn sông cầu Bến Đình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu và ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Kết quả khảo sát ghi nhận nước sông chuyển màu đen và có mùi như phản ánh là có nhưng chỉ xảy ra cục bộ từng đoạn sông, không liên tục.

Hiện tượng này thường xảy ra hằng năm vào cuối mùa khô (khoảng tháng 4, 5), nhất là những năm nắng hạn kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm không loại trừ nguyên nhân một số doanh nghiệp lén lút xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra sông Vàm Cỏ Đông khi trời mưa lớn. Tuy nhiên, lưu vực sông Vàm Cỏ Đông trải dài qua nhiều khu dân cư, trong đó có nhiều khu vực tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của thị xã Hoà Thành, thị trấn Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Châu Thành, thành phố Tây Ninh.

“Theo thống kê của Sở TN&MT, mỗi ngày lưu vực sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh phải tiếp nhận gần 50.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, trong đó có khoảng 2.977 cơ sở, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn, sửa xe… với tổng lượng nước thải phát sinh là 8.000 m3/ngày/đêm xả trực tiếp ra môi trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông có thay đổi bất thường như thời gian qua”- ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết.

Theo ông Trần Minh Sơn, để giám sát diễn biến chất lượng môi trường, hằng năm, Sở TN&MT thực hiện quan trắc thành phần môi trường đất, nước, không khí trên địa bàn tỉnh nói chung và lưu vực sông Vàm Cỏ Đông nói riêng; trong đó, lưu vực sông Vàm Cỏ Đông từ thượng nguồn đến hạ nguồn tại 32 vị trí (tăng so với năm 2022 là 12 vị trí, năm 2023 là 1 vị trí), đặc biệt chú trọng đến khu vực sông, suối tiếp nhận các nguồn thải.

Tỉnh đã đầu tư lắp đặt 4 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục tại các vị trí: cầu Thái Hoà, cầu Gò Chai, cầu Gò Dầu, rạch Trưởng Chừa để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông hằng ngày và truyền dữ liệu trực tiếp về Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, Bộ TN&MT theo quy định.

Bè cá nuôi của gia đình bà Huỳnh Thị Phương Nam trống không.

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Vàm Cỏ Đông trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2024 tại các vị trí cử tri phản ánh như: cảng Bến Kéo- thị xã Hoà Thành; cầu Gò Chai, cống Kiểu- huyện Châu Thành; rạch Trưởng Chừa- thị xã Trảng Bàng; cầu Gò Dầu, cầu Bến Đình- huyện Gò Dầu (các vị trí này tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các đô thị chưa qua xử lý đổ ra) so sánh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT) cho thấy có 17/21 thông số đạt giới hạn cho phép; 4/21 thông số không đạt giới hạn cho phép, cụ thể: Amoni vượt 2 lần, Nitrit vượt 1,5 lần, hàm lượng oxy hoá học (COD) vượt 1,5 lần, hàm lượng oxy hoà tan (DO) thấp hơn 1,1 - 3 lần.

Nếu so sánh cùng kỳ năm 2023, kết quả quan trắc cho thấy môi trường nước sông Vàm Cỏ Đông có chất lượng tốt hơn. Nhìn chung, những năm gần đây, chất lượng nước sông Vàm Cỏ Đông liên tục được cải thiện qua các năm. Tuy nhiên, vào thời điểm mùa khô khoảng tháng 4, 5, chất lượng nước sông có suy giảm và sẽ được cải thiện khi chính thức bước vào mùa mưa.

Minh Dương