Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nuôi cá lóc bông, ít vốn, dễ “ăn”
Thứ sáu: 07:44 ngày 17/07/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều nông dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng bắt đầu phát triển nghề nuôi cá lóc bông trong những chiếc lồng bè nhỏ gọn, ít vốn, dễ nuôi nhưng có hiệu quả kinh tế.

Anh Tuấn đang cho các lóc bông ăn

Hiện nay nhiều nông dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng bắt đầu phát triển nghề nuôi cá lóc bông trong những chiếc lồng bè nhỏ gọn và nuôi cá lóc lai trong những chiếc “vèo” mành mành khá đơn giản, ít vốn, dễ nuôi nhưng mang lại hiệu quả kinh tế tương đối khá.

Người đầu tiên áp dụng cách nuôi này là anh Nguyễn Văn Tuấn 42 tuổi, nhà ở ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ. Anh Tuấn sống bằng nghề đánh bắt cá, thường chỉ là cá tạp, giá bán khoảng 1.000 - 1.500 đồng/kg, có lúc rớt xuống khoảng 700 đồng/kg, thậm chí có lần phải đổ bỏ vì không ai thèm mua. Thấy bán cá tạp rẻ quá, hoặc bỏ đi thì thật lãng phí, anh nghĩ nếu dùng làm thực phẩm nuôi cá lóc thì chắc là hiệu quả kinh tế hơn. Khi biết ở Long An nhiều người nuôi cá lóc bông trong lồng bè nhỏ có hiệu quả, thế là anh sang tỉnh bạn học “nghề”. Năm 2007, anh Tuấn mua lại một chiếc lồng bè cũ và thử nuôi 1.000 con cá lóc bông giống. Năm đầu tiên do chưa có kinh nghiệm, cá bị hao hụt gần phân nửa. Sau 8 tháng nuôi anh bán bè cá được 15 triệu đồng (giá bán 25.000 đồng/kg). Nhờ không phải mua thức ăn cho cá (thức ăn là cá tạp do anh đánh bắt), nên trừ hết các chi phí anh còn lãi được 8 triệu đồng. Sang năm 2008, anh Tuấn mua cây bạch đàn về tự đóng lồng với kích cỡ: dài 2,5 mét, ngang 1,8 mét và sâu 2,5 mét và mua 4 chiếc thùng phuy về làm phao. Tổng cộng tiền làm lồng bè khoảng 6 triệu đồng. Rút kinh nghệm lần nuôi trước, đợt nuôi thứ hai, cá ít hao hụt và giá bán cá cũng tăng lên được 27.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí anh Tuấn còn lãi được trên 20 triệu đồng. Hiện nay anh Tuấn đang nuôi 3 lồng bè, với hơn 7.000 con cá lóc bông.

Do thời gian nuôi cá lóc bông khá dài (khoảng 8 tháng, khi cá đạt trọng lượng từ 800 gam đến 1,5 kg mới bán), để lấy “ngắn nuôi dài”, bên cạnh lồng bè nuôi cá lóc bông, anh Tuấn còn làm một “vèo” nuôi cá lóc lai. Anh Tuấn cho biết, nuôi cá lóc lai trong vèo thật đơn giản. Vèo như một chiếc mùng bằng nilon lật ngược. Với kích cỡ dài 2m, ngang 1,5m, sâu 2,4m, mỗi đợt thả nuôi được 2.000 con. Thức ăn cho cá lóc lai cũng là các loại cá tạp, nhưng thời gian thu hoạch rất ngắn. Cá giống mua về (cỡ bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, chiều dài cá con khoảng 3 phân) thả nuôi chừng 50 -60 ngày thì cá đạt trọng lượng từ 200-250 gam/con là “xuất vèo”. Nếu để cá lớn hơn nữa rất khó bán. Từ khi bắt đầu nuôi cá lóc lai trong vèo đến nay anh Tuấn đã “xuất vèo” được 7 lần. Bình quân mỗi lần anh thu lãi được 4 triệu đồng.

Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình mình, mà anh Tuấn rất nhiệt tình hướng dẫn bà con khu vực cùng phát triển nghề nuôi cá như anh. Không chỉ hướng dẫn cách nuôi mà anh Tuấn sẵn sàng giúp không công cho nhiều hộ đóng bè, mua cá giống. Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của anh Tuấn, mà hiện nay có khoảng 40 hộ dân ở ấp Phước Lập và nhiều hộ dân khác sống dọc bên bờ sông Vàm Cỏ Đông của xã Phước Chỉ và các địa phương lân cận phát triển nghề nuôi cá lóc bông và cá lóc lai.

Sống được bằng “nghề” mới, nhưng những người nuôi cá lóc lồng bè vẫn cứ phập phồng lo âu, sợ nguồn nước sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm. Bỗng dưng có một ngày, nhà máy nào đó “chơi ác” thải chất độc hại thẳng ra sông, chắc chắn vốn liếng của người nuôi cá lóc lồng bè cũng trôi theo dòng nước.

N.H

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục