Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nuôi cá trên ruộng lúa hiệu quả, nhưng vẫn lo
Thứ tư: 05:09 ngày 22/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mô hình nuôi cá kết hợp canh tác lúa được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao, giúp nông dân phần nào gỡ khó trong bài toán cắt giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác.

Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa giúp tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao.

Nhằm tận dụng diện tích canh tác tăng thêm thu nhập, mở lối thoát cho những vùng độc canh cây lúa hướng đến làm giàu cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã triển khai thành công nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Trong đó, mô hình nuôi cá kết hợp canh tác lúa hữu cơ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai áp dụng sản xuất thí điểm tại ấp Phước Long, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, bước đầu cho thấy hiệu quả kép của mô hình, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa cho cá sinh trưởng vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, hạn chế sâu bệnh hại cho lúa, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm năng suất, chất lượng lúa.

Tuy nhiên, sau hai vụ triển khai nuôi, vấn đề đầu ra cho con cá sau thu hoạch vẫn là bài toán khó cho người nông dân. Nhất là khi mô hình được áp dụng rộng rãi, nhiều địa phương cùng trồng lúa và nuôi cá, sản lượng cá vào vụ thu hoạch sẽ tăng lên gấp nhiều lần, thị trường mua bán nhỏ lẻ tại các chợ chắc chắn không thể tiêu thụ hết.

Nuôi cá hiệu quả cao hơn sản xuất lúa

Anh Lâm Thanh Hồng- ngụ ấp Phước Long, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng cho biết, gia đình anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn chuyển giao mô hình nuôi bán thâm canh cá rô đồng kết hợp trồng lúa hữu cơ, trên diện tích khoảng 0,5 ha đất ruộng của gia đình, từ tháng 6.2022 đến nay. Để thực hiện mô hình, anh thuê máy móc mương xung quanh ruộng tạo thành vòng đê bao khép kín và tiến hành gieo sạ lúa.

Tháng 6.2022, anh bắt đầu nhận và thả cá giống vào ruộng, ban đầu, cá được nuôi ươm bằng thức ăn công nghiệp trong vèo xung quanh ruộng. Đến khi lúa đẻ nhánh, cá được thả ra ruộng lúa để ăn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng.

Ngoài việc được hỗ trợ cá giống, thức ăn, gia đình anh Hồng còn được cán bộ Khuyến nông "cầm tay chỉ việc", theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Sau 4 tháng thực hiện mô hình, đàn cá sinh trưởng tốt, sản lượng sau thu hoạch khoảng 2 tấn, thu nhập hơn 80 triệu đồng.

Trong khi đó, nhờ có cá ăn sâu rầy nên cây lúa phát triển rất tốt, ruộng lúa ít cỏ dại, các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của đất, giúp cây lúa sinh trưởng thuận lợi, giảm lượng phân bón đáng kể. Đặc biệt, trong suốt quá trình canh tác, anh không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà cây lúa vẫn không bị sâu rầy phá hoại.

Theo anh Hồng, nếu trước đây chỉ độc canh cây lúa, với 1 ha, trừ chi phí thu nhập không tới 30 triệu đồng/năm, thì nay chỉ tính riêng cá, sau 4 tháng nuôi, với giá khoảng 40.000 đồng/kg anh thu lãi hơn 80 triệu đồng, chưa tính thu nhập từ lúa.

Anh Hồng cho biết, khu vục này được bao bọc bởi dòng sông Vàm Cỏ, địa thế chủ yếu là đất trảng, nên cây lúa được xem là cây trồng chủ lực của người dân bao đời nay, rất thuận lợi khi áp dụng mô hình nuôi cá xen canh với lúa. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, giúp giảm lượng phân bón, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất, tiết kiệm được chi phí thức ăn cho cá. Đồng thời, cho sản phẩm lúa gạo sạch và cá thương phẩm đạt chất lượng cao, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với phương pháp sản xuất lúa thông thường.

Theo anh Hồng, những năm gần đây, giá vật tư tăng cao cùng thời tiết thất thường, dịch bệnh, sâu rầy phát sinh nhiều trên cây lúa khiến sản xuất của bà con ngày càng khó khăn, thu nhập cũng bấp bênh do giá lúa có lúc giảm sâu, nông dân sản xuất không có lãi.

Mô hình nuôi cá kết hợp canh tác lúa được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao, giúp nông dân phần nào gỡ khó trong bài toán cắt giảm chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác.

Anh Lâm Thanh Hồng thu hoạch cá từ mô hình.

Triển vọng từ mô hình canh tác cá - lúa

Ông Trần Thanh Sang- Trưởng Phòng Thông tin tư vấn dịch vụ thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, những năm gần đây, tình hình ô nhiễm nguồn nước và đánh bắt thuỷ sản trái phép khiến nguồn lợi thuỷ sản ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng một hệ thống sản xuất nông nghiệp mới nhằm phá thế độc canh cây lúa là điều rất cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ và cải thiện môi trường sinh thái.

Mô hình canh tác cá - lúa (thả cá giống vào ruộng với cơ cấu thích hợp) là một trong những mô hình sản xuất mới. Ưu điểm của mô hình là sử dụng hiệu quả mặt nước và ruộng lúa thường xuyên ngập nước.

Với mô hình này, cá và lúa hỗ trợ lẫn nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng hoá chất, phân bón nên an toàn cho con người và cho môi trường, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tháng 6.2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát triển khai thực hiện dự án cá - lúa với quy mô 0,5 ha. Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ nông dân 100% giống, 30% thức ăn. Nông dân tham gia dự án được tập huấn, hội thảo nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc và theo dõi quá trình thực hiện mô hình.

Qua thực tế triển khai các dự án cho thấy, mô hình nuôi cá kết hợp trên ruộng lúa đã giúp nông dân tiết giảm chi phí đầu tư rất lớn. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như thời gian vừa qua, người nông dân gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm nông nghiệp chưa tăng tương xứng, thì mô hình cá - lúa đã giúp hạn chế côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc và các bệnh về cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo khoảng 20% diện tích mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, do đây là mô hình mới, chưa tìm được đầu ra ổn định, cá đến lứa thu hoạch phải đem bán lẻ ở các chợ trên địa bàn nên kết quả chưa được như mong đợi.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương nhân rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hoá, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, thân thiện môi trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, tìm kiếm đơn vị thu mua, bao tiêu cá sau thu hoạch, bảo đảm giá trị bền vững để nông dân an tâm phát triển sản xuất.

Minh Dương - Nhật Quang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục