BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi chim hoang dã tại nhà

Cập nhật ngày: 05/11/2009 - 10:51
HTML clipboard

Chim quốc và chim cu đất là hai loại chim hoang dã rất khó tính. Bắt được, đem về nhà nuôi sống và thuần hoá chúng là cả một kỳ công nói chi là nhân giống. Thế nhưng ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành có một người đã nuôi được hai loại chim này và cho chúng sinh sản. Đó là ông Trương Văn Tắc, 65 tuổi, sĩ quan quân đội về hưu.

Một buổi chiều đến thăm gia đình ông Tắc, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những “tiếng gọi đồng quê” vang vọng. Trên những chiếc lồng quanh nhà, tiếng cu “gù” rôm rả. Ở một góc sân, tiếng quốc thúc giục gọi hè. Từ phía sau vườn, bìm bịp kêu inh ỏi. Xen kẽ trong những âm thanh ấy còn có tiếng cúm núm, tiếng gà rừng và tiếng chim đa đa văng vẳng, xa xa.

Từ thời trai trẻ, ông Tắc cũng như các anh em khác trong gia đình ông đều có chung một thú vui là nghe chim gáy. Mỗi khi rảnh rỗi, ông cùng mấy anh em rủ nhau đi gác chim, đánh gà rừng. Nhiều khi đi đến hai ba ngày liền (đem theo gạo, thức ăn) mới trở về nhà một lần. Có lần cũng được vài ba “chiến lợi phẩm”, nhưng cũng có chuyến trở về tay không. Khi bẫy được chú chim nào có tiếng “gù”, tiếng gáy hay, ông Tắc đều để lại nuôi.

Qua thời gian hơn 30 năm gắn bó với thú tiêu khiển nói trên, ông Tắc nhận ra, trong thiên nhiên hiện nay số lượng chim cu đất và chim quốc đã giảm đi rõ rệt. Không muốn mất giống hai loài chim này, hai năm qua ông đã âm thầm nuôi “thử nghiệm”, cho chúng sinh sản tại nhà mình. Ông làm một cái chuồng bằng lưới kẽm khá rộng, trong đó trồng cây xanh cho giống như ngoài môi trường tự nhiên, để thức ăn, nước uống và những vật dụng cần thiết vào chuồng.

Đối với cu đất, ông tuyển hai con bố, mẹ có tiếng gáy hay thả vào cho chúng ở chung. Sau khi “kết duyên”, chúng cùng nhau xây tổ và cho ra đời hai “cu tí” rất dễ thương.

Sau lứa đầu thành công, ông Tắc tăng cường khẩu phần ăn và tiếp tục cho chim bố mẹ sinh sản lứa thứ hai và lại có thêm hai “cu tí” nữa. Sau 6 tháng , 4 chú cu con đều trưởng thành, ông tuyển chọn lại 2 chú cu trống nuôi “nâng cao” để chúng có giọng gáy hay như bố, mẹ và vẫn có thể đưa ra ngoài thiên nhiên dùng làm cu mồi được.

Ông Tắc thú vị nói: “Từ xưa tới nay, cha ông mình cứ cho rằng cu đất rất khó sinh sản ở nhà và không thể nào đem những chú cu sinh trong môi trường “nhân tạo” ra gác ở ngoài được nên tôi muốn làm thử. Qua thực tế cho thấy, nếu mình biết cách nuôi thì chúng vẫn có thể sinh sản thành công và dùng làm cu mồi được”.

Một con cu hoang dã muốn nuôi và tập cho đến khi trở thành cu mồi phải mất thời gian 7 – 8 năm. Còn cu sinh sản tại nhà chỉ cần 1 năm là đã có thể đem ra ngoài thiên nhiên làm mồi đánh bẫy. Đây là một bước thành công mà bản thân ông Tắc cũng không ngờ tới.

Sau khi cho sinh sản thành công loài cu đất, ông Tắc chuyển sang nuôi thử nghiệm chim quốc. Cũng với cách tạo môi trường sinh sống gần giống với thiên nhiên hoang dã, ông đã cho ra đời hai lứa chim quốc tại nhà mình. Ông nhận xét: “Chim quốc có bộ lông đẹp, tiếng hót hay và thịt rất ngon. Hằng năm, chúng thường di cư từ các tỉnh miền Tây về đây trú đông nên chúng rất dễ trở thành mục tiêu săn bắt của nhiều người. Vì vậy tôi muốn cho sinh sản để bảo tồn nòi giống cho chúng”.

Hiện tại, ông Tắc còn 4 con quốc đã trưởng thành. Hơn một năm nay ông đã ngưng không cho chim quốc sinh sản nữa, vì “không còn đủ chỗ để nuôi”. Ông nói mình không có ý định nuôi số lượng nhiều để bán.

  Ông Tắc cho biết mật độ sinh sản của chim cu đất và chim quốc khá cao. Hằng năm, khi lúa ngoài đồng chín là chúng bắt đầu đẻ. Chúng đẻ khá nhanh, lứa đầu vừa biết bay là chúng lại lót rơm chuẩn bị làm tổ mới.

Nuôi chim hoang dã là một thú vui có thể gọi là tao nhã và khá hấp dẫn. Tuy vậy, điều đáng lưu ý là cần phải quan tâm đến vấn đề phòng ngừa dịch bệnh khi tiếp xúc với loại động vật “chim trời cá nước” này, để loại trừ nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.

ĐẠi Dương