BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi chó thả rông, hiểm hoạ khó lường 

Cập nhật ngày: 14/05/2018 - 06:09

BTN - Hiện nay ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, nhiều gia đình có thói quen nuôi chó để giữ nhà nhưng không nhốt mà thả chạy rông, để chúng phóng uế bừa bãi, cắn người, thậm chí là tác nhân của các vụ tai nạn giao thông.

Chó thả rông ngoài đường hiểm họa khó lường.

Mặc dù chính quyền địa phương đã cảnh báo nhưng tình trạng vi phạm vẫn không giảm

Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó, kể cả nuôi chó trong khu chung cư. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người, đặc biệt là chó đã mắc bệnh dại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí đến tính mạng của người khác.

Trên địa bàn huyện Châu Thành đã xảy ra khá nhiều trường hợp bị chó cắn. Ðiển hình ngày 30.4 vừa qua, bà K.T.H (59 tuổi) ở ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, khi đến nhà người bạn ấp Bình Phong, xã Thái Bình, lúc mới xuống xe chuẩn bị vào cổng nhà thì bị chó thả rông ngoài đường cắn vào chân, khiến bà phải đi tiêm ngừa.

Ông N.H.T, ngụ ấp Bình Phong, vào ngày 1.5, ông chạy xe mô tô trên đường Trưng Nữ Vương gần khu chung cư Bình Phong thì tông vào hai con chó đang đuổi nhau, khiến ông bị ngã xe, may mắn là ông chạy chậm nên chỉ xây xát nhẹ.

Gần đây nhất vào chiều ngày 9.5.2018, ông N.V.H tổ 6, khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành đưa cháu nội hơn 3 tuổi đi dạo chơi thì bị một bầy chó thả rông 3 con, cắn cả hai ông cháu….

Tuy hậu quả của việc để chó thả rông xảy ra không ít nhưng việc xử lý lại gặp không ít khó khăn. Vừa qua Trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành phối hợp với đội bắt chó của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức bắt chó chạy rông đợt 1.2018, qua đó, lập biên bản vi phạm hành chính 3 trường hợp tại khu phố 1, 2 và 4 thị trấn Châu Thành và thanh lý 8 trường hợp chó vô chủ với tổng số tiền gần 2 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Châu Thành, trong quá trình thực hiện bắt chó chạy rông, tuy có lực lượng Công an đi theo hỗ trợ nhưng vì không được trang bị camera lúc thi hành nhiệm vụ, khi xử phạt đã gây tranh cãi giữa người dân với đội bắt chó. Nhiều trường hợp người dân không đến Trạm để nộp phạt nên gây khó khăn trong việc thanh lý

Quang Hà

Ðiều 4, Thông tư số 48 ngày 4.8.2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật, như: phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan Thú y. Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm đối với chó dữ và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường phố làm mất vệ sinh nơi công cộng.

Ðối với trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư, hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm, theo Quy định tại Ðiều 7 Nghị định số 73 ngày 12.7.2010 của Chính phủ, người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000đ. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác, thì bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Nghị định số 90/2017/NÐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có mức phạt từ 600.000 đến 800.000đ đối với các hành vi: không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc tiêm phòng. Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi chó ra nơi công cộng. Cũng theo Nghị định này, Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó.