BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi con một mình

Cập nhật ngày: 25/07/2009 - 06:21

Chồng mất, con còn nhỏ dại. Nén nỗi đau vào lòng, các chị một mình gánh lên vai trách nhiệm vừa lo kinh tế gia đình, vừa nuôi dạy con cái trưởng thành. Đối mặt với cuộc sống nghèo khó, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được nên các chị dường như đã quên luôn (hoặc là không dám nghĩ đến) việc tìm cho mình một bờ vai để nương tựa. Mục tiêu của các chị là phải cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Chị Thuỷ với công việc hằng ngày.

May mắn, khi chúng tôi đến, chị Phạm Thị Bích Thuỷ, sinh năm 1966, ở khu phố 2, thị trấn Châu Thành vẫn còn ở nhà. Căn nhà tình thương do Hội Nông dân tặng gia đình chị năm 2008 thật gọn gàng, sạch đẹp. Chị Thuỷ khoe: “Căn nhà này là cả niềm mơ ước của mẹ con tôi, sau gần 10 năm được ba mẹ tôi cưu mang, đùm bọc”.

Chồng chị Thuỷ đã chết cách nay 13 năm do bị bệnh hiểm nghèo. Khi đó chị Thuỷ mới 30 tuổi, không có nghề nghiệp lại còn đeo mang hai đứa con nhỏ. Thấy con gái và cháu ngoại sống khổ sở trong căn chòi nhỏ giữa khu rừng tràm, thỉnh thoảng lại bị kẻ xấu đến quấy rối nên ba mẹ chị Thuỷ đã đưa cả mấy mẹ con về nhà mình. Ngày ngày chị Thuỷ đi mót củi, đi giẫy cỏ mướn để có tiền nuôi con ăn học. Gia đình thuộc hộ nghèo tiêu chuẩn Trung ương nên những năm qua, các con chị Thuỷ được nhà trường miễn giảm học phí. Đỡ được phần nào gánh nặng chị cố gắng làm lụng, lo chi tiêu hằng ngày cho gia đình. Gần hai năm nay, chị Thuỷ xin vào làm công cho một cơ sở sản xuất hủ tiếu ở gần nhà. Công việc của chị bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, mỗi tháng chị được trả 600.000 đồng tiền công. Chị tranh thủ đất trống xung quanh nhà trồng thêm rau muống, mỗi ngày cũng kiếm thêm được hai, ba chục ngàn đồng.

Cuộc sống thiếu thốn, ăn uống kham khổ nhưng hai đứa con của chị Thuỷ vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Hiện cô con gái lớn đang là sinh viên năm thứ ba của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đứa con nhỏ vừa học xong lớp 12. Chị Thuỷ tâm sự: “Đời tôi đã khổ thì phải ráng chịu. Tôi không có tiền của gì để cho con thì thà ăn cháo ăn rau, dành tiền cho con ăn học để sau này tụi nó có nghề nghiệp ổn định, cho đỡ khổ hơn đời mình”. Cũng may là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nghèo vay vốn học tập nên chị Thuỷ cũng đỡ gánh nặng về chi phí ăn học của các con. Tuy vậy, mỗi tháng, chị vẫn phải dành hết tiền công làm mướn ở lò hủ tiếu gửi thêm cho con. Các khoản tiền chi tiêu hằng ngày ở nhà thì phải nhờ vào đám rau muống, đủ cho hai mẹ con chị rau cháo qua ngày. Chị bảo: “Công việc vất vả, nhiều khi cũng mệt mỏi lắm, suốt ngày hết ở lò hủ tiếu lại quay qua chăm sóc đám rau muống. Nhưng mỗi cuối tháng biết các con cần tiền là mình lại phải lo làm, đâu còn thời gian rảnh để nghĩ đến chuyện bước thêm bước nữa. Ba mẹ giờ cũng đã già yếu, trên 80 tuổi cả rồi, nên mình phải cố gắng làm nhiều hơn nữa”.

Cùng cảnh ngộ như chị Thuỷ còn có chị Nông Thị Lan, sinh năm 1958, ở ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Căn nhà vách đất, mái tôn của gia đình chị Lan nằm lọt thỏm giữa đám cao su. Nhà nhỏ, đơn sơ nhưng gọn gàng, ngăn nắp nhờ có bàn tay vén khéo của chị. Chị Lan vốn là người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng. Chị Lan theo chồng vào Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1985. Chồng chị Lan là bệnh binh, đã qua đời cách đây 10 năm, để lại cho chị ba đứa con nhỏ dại. Dẫu quen dầm mưa dãi nắng, chịu đựng công việc nặng nhọc của nhà nông nhưng gánh nặng nuôi dạy ba đứa con thơ đã làm cho chị Lan nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Lúc ấy, chị chỉ nghĩ: “cố gắng lo cho con ăn học được tới đâu hay tới đó. Vậy mà đến bây giờ, đứa con trai đầu và con gái út của chị đã là sinh viên đại học, con gái thứ hai cũng đã tốt nghiệp trung cấp kế toán, hiện đang làm việc tại UBND xã Phước Ninh. Hỏi chị Lan kinh nhgiệm vượt khó, chị cười tươi và bảo: “Cũng chẳng biết sao mà tôi vượt qua được cái nghèo, cái khổ để lo cho mấy đứa nhỏ ăn học đến hôm nay. Lúc ông xã mất, nhà chỉ có vài mẫu đất trồng mì. Vừa trồng mì, tôi vừa đi làm mướn, làm thuê đủ việc, rồi chăn nuôi gà thêm. Mấy năm đó, nhờ mì có giá nên tôi cũng có tiền chút đỉnh, mượn thêm vốn, mướn thêm đất, tôi mở rộng việc trồng trọt, chăn nuôi. Tiền tích góp được, một phần tôi dành đầu tư vào trồng cao su, một phần lo chi phí học hành cho các con…”

Gần 10 năm vất vả lao động, chị Lan đã tích góp, trồng được hai mẫu cao su. Cao su của chị vừa khai thác mủ được mấy tháng qua. Đây là nguồn thu nhập chính hiện nay của gia đình, giúp chị Lan cảm thấy an tâm lo cho các con ăn học. Chị bảo “Có bao nhiêu tiền dành dụm được là lo tiền trường, tiền ăn cho các con. Căn nhà cất nay đã hơn chục năm, xuống cấp lắm rồi mà vẫn chưa có tiền sửa lại được”. Trải qua bao vất vả, khó nhọc, đến bây giờ chị Lan vẫn chưa được nghỉ ngơi nhưng chị vẫn rất vui vì thấy các con học hành đến nơi, đến chốn. Chị nói: “Có bao nhiêu việc cần phải lo, phải nghĩ đối với một người mẹ đơn thân muốn chăm lo cho con nên người, còn thời gian đâu để nghĩ đến những chuyện khác hả em..”

Hiện nay, cuộc sống của gia đình chị Thuỷ, chị Lan tuy vẫn còn khó khăn nhưng con cái của các chị đã được học hành đến nơi, đến chốn. Đó là phần thưởng quý giá dành cho nghị lực vượt khó mà các chị đã trải qua. Gia đình các chị đã được bình chọn tham dự Hội nghị biểu dương Gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh năm 2009 sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới đây.

KIM NGÂN