Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi heo hương kết hợp du lịch sinh thái 

Cập nhật ngày: 31/01/2024 - 08:43

BTNO - Heo hương là giống heo bản địa quý hiếm, có nguồn gốc từ một số địa phương vùng núi phía Bắc. Giống heo này có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, tuy vóc dáng nhỏ, trưởng thành không quá 50kg nhưng thịt heo hương có giá trị kinh tế cao, giá trên thị trường từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Hiện giống heo này đang được Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Diệp Lâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu gây đàn và nhân rộng.

Nuôi heo hương tại HTX nông nghiệp Diệp Lâm.

HTX nông nghiệp Diệp Lâm được thành lập từ năm 2021 với 8 thành viên. Diện tích sản xuất gồm 12 ha đất nông nghiệp, trong đó có 3.000 gốc dừa xiêm được trồng từng lô, xen giữa là những mương nước. Trước đây, HTX thử nghiệm nuôi gà ta, vịt, dê… và hiện đang phát triển đàn heo hương. Mục tiêu của HTX là cung cấp, phân phối nguồn giống heo này cho địa phương, bên cạnh đó, tận dụng thời gian nhàn rỗi ở nông thôn để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Anh Lê Văn Rô- Giám đốc HTX cho biết, cách đây 2 năm, trong một dịp tình cờ tham quan, thấy giống heo hương có nguồn gốc từ tỉnh Cao Bằng, anh tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm rồi nhập về nuôi thử nghiệm. Nhận thấy giống heo này có thể phát triển ở Tây Ninh, anh bắt đầu nhân rộng. Từ vài cặp heo giống ban đầu, đến nay, HTX có hơn 100 con.

Anh Rô chia sẻ: “HTX phát triển chăn nuôi theo hướng sạch, thức ăn chủ yếu là rau xanh, cơm nấu trộn với cám gạo, đặc biệt không dùng cám công nghiệp hay chất tăng trọng. Chuồng trại được xử lý cẩn thận, bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời gian nuôi khoảng 6 tháng, gấp đôi so với nuôi công nghiệp, trọng lượng heo từ 40-50kg/con. Thịt heo thơm, giòn, đặc biệt giống heo này được gọi là “heo hương” bởi thịt có mùi thơm nhẹ, rất đặc trưng”.

Thức ăn cho heo hương chủ yếu là rau xanh, cơm nấu trộn với cám gạo.

HTX định hướng phát triển chăn nuôi kết hợp với du lịch sinh thái. Do đó, diện tích được chia thành 2 khu vực: khu B để chăn nuôi; khu A làm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, khu sinh thái... Ngoài ra, HTX còn nuôi cá cho khách câu giải trí; nuôi ốc bươu đen vừa bán ra thị trường, vừa làm món đặc sản cho thực khách ghé thăm. Để vào khu du lịch sinh thái, du khách có thể di chuyển bằng đường bộ hoặc trải nghiệm bằng đường thuỷ. Việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi và du lịch sinh thái nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, từ đó, HTX từng bước đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ du khách trong và ngoài huyện.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi Thuận cho biết, mô hình nuôi heo hương tại HTX nông nghiệp Diệp Lâm phát triển tốt, tăng đàn nhanh, con giống và heo thương phẩm được xuất bán đến thị trường TP. Hồ Chí Minh. Hội Nông dân xã đã phối hợp các ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho thành viên HTX. Đối với khu du lịch sinh thái, tuy mới được hình thành nhưng có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trúc Ly – Yến Nhi