Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nuôi le le- mô hình mới của nông dân xã Biên Giới
Thứ hai: 07:37 ngày 05/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nhà ông Phạm Ngọc Trước (sinh năm 1955, hội viên Nông dân ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành), chúng tôi gặp khách hàng đang chọn mua le le với giá 500.000 đồng/con về làm giống. Ông Trước nói: “So với các loài khác, le le nuôi mau lớn, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, giá bán cao. Le le thương phẩm hút hàng vì là món ăn bổ dưỡng, được ưa chuộng. Tôi cố gắng phát triển đàn le le với cách chăm sóc riêng”.

Le le được nuôi ở trang trại của ông Trước.

Ngoài công việc chính là phục vụ đờn ca tài tử, ông Trước còn đam mê trồng trọt, chăn nuôi. Sau thời gian nghiên cứu các mô hình chăn nuôi mới, năm 2017, ông quyết định đặt mua 25 con le le về nuôi thử với giá 420.000 đồng/con. Ban đầu, việc nuôi le le gặp khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, nên suốt 2 năm chúng không đẻ trứng. Ông Trước đi học hỏi kinh nghiệm khắp nơi, xuống miền Tây nghiên cứu kỹ thuật nuôi. Qua nhiều lần thất bại, ông tìm ra nguyên nhân khiến le le không sinh sản.

Le le là loài có đặc tính hoang dã cao, môi trường nuôi không phù hợp thì không đẻ trứng. Để giảm bớt tính hoang dã của chúng, ông Trước đặt mua 20 quả trứng le le với giá 50.000 đồng/trứng. Cách làm mới của ông là dùng gà mái để ấp trứng, khéo léo tiếp cận và chăm sóc, làm giảm đặc tính hoang dã của le le. Trứng le le được gà mái ấp khoảng 26 ngày thì nở; 6 - 10 ngày sau, le le con được nuôi riêng.

Ông Trước tâm sự: “Dù là loài sống dưới nước, le le lại đẻ nơi khô ráo, chỗ nuôi phải bảo đảm vệ sinh. Thức ăn không quá cầu kỳ nhưng chỉ sử dụng trong ngày như cám, bèo, lục bình. Nếu hiểu và bảo đảm đầy đủ các yêu cầu, việc nuôi le le vô cùng dễ dàng”.

Dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đặc tính của le le, ông Trước đã bước đầu thành công trong việc cho loài này sinh sản. Người nuôi cần đào ao, xung quanh trồng nhiều cây xanh, cỏ dại như sậy, lục bình, tạo môi trường cho le le sinh sống và đẻ trứng. Trong môi trường bán hoang dã, le le sống khoẻ mạnh, ít bệnh nên không cần dùng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Hiện nay, gia đình ông Trước nuôi 100 con le le khoảng 2 tháng tuổi, 50 con bố mẹ để lấy trứng. Trong một năm, le le đẻ khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần từ 8 - 10 trứng. Le le đã thuần giống cho ăn uống đầy đủ, đẻ nhiều hơn so với giống hoang dã. Sau khi nuôi le le từ 1,5 - 2 tháng, người nuôi có thể bán làm giống; nuôi khoảng 4 tháng thì bán lấy thịt với giá trên 500.000 đồng/con, tuỳ thời điểm.

Dù mô hình nhỏ nhưng nhiều người đã hỏi thăm, tìm đến tận nơi để mua con giống. Ông Trước dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi, đáp ứng nhu cầu mua le le lấy thịt, trứng hoặc làm giống của người dân trong và ngoài tỉnh.

PHƯƠNG THẢO - HÀ QUANG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục