Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật
Thứ ba: 08:36 ngày 17/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhóm nhà khoa học Trung Quốc đã mang đến sự sống cho hai heo con được cấy tế bào gốc của khỉ từ khi còn trong bụng mẹ.

Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Tế bào gốc Bắc Kinh, kết quả công bố trên tạp chí New Scientist ngày 6/12. 

Theo báo cáo, dù mang DNA ngoại lai, hai heo con phát triển bình thường trong bụng mẹ tới khi chào đời. Trước đó, các nhà khoa học đã biến đổi gene tế bào của khỉ, thêm protein huỳnh quang để dễ dàng theo dõi và tiêm vào phôi lợn. Trong số hơn 4.000 phôi thai, chỉ hai trường hợp ra đời, mang hai bộ DNA (hiện tượng Chimera). 

Các nhà khoa học đã tạo ra heo con mang tế bào gốc của khỉ. Ảnh: Pixabay.

Nhóm tác giả của nghiên cứu phát biểu: "Chúng tôi tin công trình này tạo điều kiện cho sự phát triển của việc cấy ghép nội tạng giữa các loại động vật khác nhau (xenogeneic)". 

Dù được được đánh giá là thành công, tất cả heo con đã chết trong vòng một tuần sau khi sinh ra trong phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. 

Đây không phải thử nghiệm "nuôi" nội tạng con người trong cơ thể động vật đầu tiên trên thế giới.

Nhiều năm liền, các nhà khoa học nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép ở nhiều quốc gia. Một trong những biện pháp tiềm năng đang được thử nghiệm đó là phát triển các cơ quan quan trọng của con người bên trong cơ thể động vật.

Kỹ thuật này đạt được những bước tiến quan trọng trong thời gian gần đây. 

Phôi thai chuột mang tế bào gốc của người. Ảnh: Science Pictures

Cuối tháng 7/2019, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận nghiên cứu cấy ghép tế bào con người vào phôi thai chuột của Đại học Tokyo và Đại học Stanford. Nhà khoa học Hiromitsu Nakauchi, người đứng đầu công trình cho biết, mục tiêu cuối cùng là tạo ra các cơ quan có thể dùng cho cơ thể người. 

Đây là lần đầu tiên, chính phủ Nhật Bản cho phép nuôi cấy phát triển phôi thai "lai tạo" giữa động vật và con người đến khi chào đời.

Vào tháng 3 năm nay, Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm phát triển các phôi thai dạng này sau 14 ngày tuổi hoặc cấy vào tử cung thay thế. Viện Y tế Quốc gia cũng từ chối tài trợ cho những công trình nghiên cứu tương tự kể từ năm 2015. 

Tháng 8, nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha, đứng đầu là Giáo sư Juan Carlos Izpisúa Belmonte thuộc Viện Salk đã tạo ra chú khỉ mang tế bào của người. Ban đầu, các nhà khoa học biến đổi gene phôi khỉ, sau đó tiêm tế bào gốc của người. 

Giáo sư Juan Carlos Izpisúa Belmonte. Ảnh: El Pais

Tháng 2/2018, các nhà khoa học tại Mỹ đã thành công tạo ra loài cừu mang 0,01% tế bào của người. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu đều được dừng lại trước khi con non ra đời. 

Đích đến cuối cùng của các nhà khoa học là phát triển nội tạng phù hợp về mặt di truyền với con người trong cơ thể động vật. Cách tiếp cận về cơ bản giống nhau, đều dựa trên việc sử dụng tế bào của người trưởng thành, biến chúng thành tế bào gốc, cấy vào phôi thai của loài khác và đưa vào tử cung thay thế.

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra tranh cãi về mặt đạo đức. Tế bào gốc của con người có khả năng tự tái tạo, cho phép chúng tồn tại ở cơ thể động vật có vú khác và phát triển thành cơ quan. Tuy nhiên tỷ lệ tế bào biến đổi gene và phôi thai phát triển khỏe mạnh là rất thấp, tỷ lệ tử vong lại cao. Nhiều nhà khoa học cũng lo ngại, tế bào gốc của con người có thể phát triển vượt ra ngoài cơ quan nội tạng được nuôi cấy, ảnh hưởng đến não bộ của động vật thay thế. 

Nguồn VNE (Theo New Scientist, El Pais, Nature, Science Alert)

Tin cùng chuyên mục