BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nuôi rắn mối, không phải dễ

Cập nhật ngày: 12/11/2012 - 11:20

(BTN)- Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều người làm giàu nhờ nghề nuôi rắn mối. Thấy mô hình này đơn giản, một số nông dân Tây Ninh cũng bắt chước làm theo. Nhưng khi vào nghề rồi mới thấy, muốn nuôi thành công loại bò sát này hoàn toàn không phải dễ.

Mô hình nuôi rắn mối của ông Huỳnh Văn Tải, 50 tuổi, ngụ ấp Xóm Khách, xã Long Giang, huyện Bến Cầu là một ví dụ. Năm 2011, ông Tải xem ti vi thấy ở Đồng Nai có người ăn nên làm ra nhờ nghề nuôi rắn mối. Ông Tải liền làm chuồng trại và liên lạc với trại rắn mối ở Đồng Nai mua 200 con giống về nhà nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, ông nhận thấy những con bò sát này cũng dễ nuôi. Ông Tải cho biết: “Loài này ăn thức ăn đơn giản lắm, như cá tạp để nguyên con hay xay ra trộn với cám hoặc cơm nguội. Cũng có thể cho chúng ăn các loại côn trùng như mối, cào cào, dế”. Thấy rắn mối dễ nuôi, ông Tải ra đồng tìm bắt thêm một số con ngoài thiên nhiên về thả vào chuồng nuôi tiếp. Góp phần tăng số lượng đàn rắn mối trong chuồng lên đáng kể.

Ông Tải cho xem một con rắn mối bị bệnh đẹn ở miệng.

Sau gần một năm chăm sóc, đàn rắn mối của ông đã trưởng thành và tới kỳ sinh sản. Ông mừng lắm, liền đầu tư xây thêm chuồng trại để tách rắn mối mẹ ra ở riêng cho chúng sinh sản. Tuy nhiên, đến lúc này, ông Tải mới thật sự gặp thử thách. Rắn mối con mới nở, chỉ bé xíu như cọng chân nhang. Rắn mối mẹ không nuôi con như các loài động vật khác thường làm. Ông Tải không biết lấy gì làm thức ăn cho đám rắn con, bèn gọi điện thoại hỏi chủ trang trại rắn mối ở Đồng Nai- nơi ông mua con giống- thì họ bảo cho ăn cháo. Ông liền nấu cháo để vào chuồng, nhưng chúng chẳng liếm láp gì. Nghĩ là chủ trại rắn mối giấu nghề, ông Tải tự mài mò tìm cách nuôi đàn rắn mối con. Ông liền đi tìm tổ mối đem về thả vào chuồng, làm thức ăn cho chúng. Nhưng lũ rắn mối con cũng chẳng màng tới. Thậm chí các con mối có càng còn quay lại cắn chết rắn mối con. Sau một tuần bò lung tung khắp chuồng, các chú rắn mối con lần lượt chết vì kiệt sức.

Cứ thế, hết đàn rắn mối con này đến đàn rắn mối con khác chết đi. Đã vậy, các con rắn mối lớn bắt đầu sinh bệnh. Xung quanh miệng chúng nổi nhiều mụt nhỏ như bị đẹn. Chúng bắt đầu ăn uống khó khăn và chết dần. Ông Tải cũng tìm nhiều cách chữa trị, nhưng đến nay chưa có phương thuốc nào hiệu quả. Chán nản quá, ông buông xuôi cho đàn rắn mối của mình muốn ra sao thì ra. Chiều ngày 9.11.2012, khi chúng tôi đến, thấy đàn rắn mối của ông chỉ còn lại khoảng 100 con. ông Tải buồn rầu kể: “Hổm rày, tôi cũng đi dò hỏi một số người nuôi rắn mối nhưng chẳng được gì. Những trang trại lớn thì họ đều giấu nghề, những người mới nuôi thì hầu hết đều lâm vào tình trạng như tôi”.

Ngoài trường hợp của ông Tải, một số người dân ở xã Trường Tây, xã Long Thành Nam (huyện Hoà Thành) cũng đang đầu tư nuôi rắn mối và họ cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Họ đều mong muốn ngành chức năng tập huấn kiến thức về cách thức làm chuồng trại, chăn nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho loài bò sát này. 

Nguyên Bảo Giang