Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cho dù Căn cứ Trà Vong của Tỉnh uỷ chỉ tồn tại khoảng 4 năm (1948-1951) nhưng đấy là một trang “lịch sử bằng vàng” của miền đất từng được coi là “miền phên giậu cho thành Gia Định” (sử triều Nguyễn).
Câu hỏi này chính thức được đặt ra trong cuộc hội thảo xác định vị trí Căn cứ Tỉnh uỷ tại rừng Trà Vong từ năm 1948 đến năm 1950, do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Tân Biên tổ chức vào ngày 17.10.2023. Cuộc họp này có sự tham dự của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh cùng các nhân chứng lịch sử là các cán bộ lão thành từng biết ít nhiều về Căn cứ Trà Vong.
Ký hoạ Võ Đồng Minh.
Đây quả là một việc làm hay, có trách nhiệm với lịch sử của miền đất Tây Ninh “trung dũng - kiên cường”. Dẫu muộn, vì đã sau 75 năm (1948-2023), nhưng vẫn còn hơn là không. Bởi nó đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người yêu mến đất Tây Ninh. Cho dù Căn cứ Trà Vong của Tỉnh uỷ chỉ tồn tại khoảng 4 năm (1948-1951) nhưng đấy là một trang “lịch sử bằng vàng” của miền đất từng được coi là “miền phên giậu cho thành Gia Định” (sử triều Nguyễn).
Nhưng trước khi xem xét đến nội dung và kết luận cuộc hội thảo, mời bạn đọc xem lại vài hình ảnh về căn cứ địa ở huyện Tân Biên- nơi kế thừa cả về cơ sở và truyền thống anh hùng của Căn cứ Trà Vong. Đây có thể là những hình ảnh độc nhất mô tả những cánh rừng kháng chiến, do hoạ sĩ Võ Đồng Minh vẽ ký hoạ trực tiếp tại hiện trường. Đấy là bức vẽ ngày 7.3.1962, với dòng ghi chú: “Đồng bào bỏ vùng địch ra vùng giải phóng ở suối Ky”. Bức tranh mô tả một góc của làng rừng vùng giải phóng. Dưới tán rừng cây cổ thụ là những nếp nhà tranh trên cột chống đơn sơ. Vài cảnh sinh hoạt như cầm cuốc đi làm, người lớn chơi với trẻ em bên một bầy gà (trống và mái) lao xao tìm mồi. Bố cục rất đẹp, ý tưởng rất hay! Chỉ tiếc là hoạ sĩ đã không tiếp tục từ phác thảo ấy để dựng nên một tác phẩm mỹ thuật để đời. Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ để cho lớp hậu thế chúng ta kinh ngạc.
Một bức khác, là bức vẽ ngày 5.3.1964 với ghi chú: “Căn cứ C105 chuyển về rừng ngành ngạnh Trà Vông”. Một rừng cây với cả một thân cây cong vắt. Rừng cao vợi giăng thành. Lọt thỏm vào không gian kỳ vĩ thâm nghiêm ấy là một ngôi nhà lợp lá trong căn cứ. Có cả chiến hào và cây gỗ làm cầu bắc qua. C105 là tiền thân của Huyện uỷ Tân Biên. Do vậy, rất có thể C105 cũng đã kế thừa một phần nào của Căn cứ Trà Vong ngày trước. Cho dù có liên quan trực tiếp hay không, thì các bức ký hoạ Võ Đồng Minh cũng đã cho ta thấy rõ một hiện thực về những cánh rừng huyện Tân Biên thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy, chiến khu Trà Vong vẫn còn đó dưới tán rừng. Mới hơn 10 năm trôi qua. Và những người kháng chiến Tây Ninh vẫn phải “điều lắng” trong thời gian chính quyền Sài Gòn tăng cường “chiến tranh một phía” khủng bố người kháng chiến.
Đền thờ Quan lớn Trà Vong bên suối Trà Vong
Trở lại cuộc hội thảo. Phần tài liệu phục vụ được chuẩn bị đầy đủ và chi tiết. Đấy là các đoạn trích trong các cuốn sử Tây Ninh và huyện Tân Biên. Đặc biệt là cuốn “Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường” (Ban Tổng kết chiến tranh- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ năm 1990) và “30 năm đấu tranh xây dựng và bảo vệ Căn cứ địa Cách mạng của BCH Đảng bộ huyện Tân Biên” (Ban Tổng kết chiến tranh huyện Tân Biên, năm 1986). Sách này cho biết: “lúc bấy giờ (trước năm 1948) Tỉnh uỷ, Uỷ ban và một số cơ quan tỉnh đóng ở Phước Chỉ, vùng này rất tốt cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm nhưng lại không tiện cho việc điều hành các mặt công tác vì ở quá xa trung tâm của tỉnh/ Trước tình hình này, Tỉnh uỷ quyết định xây dựng căn cứ địa ở nơi có điều kiện thuận lợi nhất để làm chỗ đứng chân hoạt động. Khu vực Trà Vong xã Thạnh Bình được chọn làm trung tâm Căn cứ…”.
Trên thực tế, theo dõi từ các sử liệu khác cho thấy, sau khi Pháp tái chiếm Tây Ninh, lực lượng võ trang non trẻ của cách mạng Tây Ninh thời kỳ đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã đánh trận đầu thắng lợi tại bàu Cá Trê trên đất xã Thanh Điền. Sau đó, quân Pháp phản công quyết liệt, khiến bộ đội Tư Đẩu rút sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông lập chiến khu Tầm Đinh trên đất Ninh Điền. Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh- đứng đầu là Chủ tịch Dương Minh Châu- cũng chọn nơi này làm căn cứ. Ông đã anh dũng hy sinh tại đây vào ngày 7.2.1947. Các lực lượng khác của cách mạng Tây Ninh cũng phân tán ở nhiều nơi như Phước Chỉ, Bời Lời… Sách Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường viết: “Căn cứ Bời Lời (Trảng Bàng) không đủ sức dung nạp, không trung tâm… Căn cứ địa phải đặt ở phía Đông Bắc tỉnh, vùng Trà Vong… Đứng chân tại căn cứ địa Trà Vong, mặt nhìn vào thị xã, Toà thánh đầu não địch, hai tay một bên ôm vùng Trảng Bàng và Hóc Môn, Đức Hoà; một tay ôm vùng Châu Thành là kho người, kho của, cả từ Đồng Tháp rút lên. Sau lưng căn cứ địa là cả rừng già bạt ngàn hiểm trở ăn lên tận Đông Nam Căm Pu Chia và Bình Long, Phước Long. Từ nhận định ấy, Tỉnh uỷ quyết định xây dựng căn cứ địa Trà Vong…”.
Ngoài những yếu tố địa chính trị, có lẽ vẫn còn nguyên nhân sâu xa khác để lựa chọn Trà Vong. Đấy là truyền thống đấu tranh bất khuất của người dân bản địa. Ngày nay, hai tiếng Trà Vong đã trở nên biểu tượng của ý chí độc lập tự cường và tinh thần nghĩa khí trên một vùng non nước Tây Ninh. Là bởi vào giữa thế kỷ 18 (1749) đã có hai anh em Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ dẫn theo dân binh từ làng Nhật Tảo (nay thuộc tỉnh Long An) lên Trà Vong khai hoang, mở đất. Đánh giặc bảo vệ dân lành, các ông đều đã hy sinh vì nghĩa lớn. Ngày sau, nhân dân nhiều vùng thuộc các huyện Châu Thành, Tân Biên và thành phố Tây Ninh đều lập miếu, dinh thờ và tôn xưng các ngài là “Quan lớn Trà Vong”. Đến khi giặc Pháp chiếm Tây Ninh lần thứ nhất (1862), nhiều lực lượng bất tuân lệnh triều đình, giương cờ chống Pháp cũng chọn vùng quanh Trà Vong làm căn cứ. Tiêu biểu nhất là liên quân Trương Quyền và Pu Kôm Pô: “Ngày 2.7 (1866) tại Trà Vang (Vong) Tây Ninh, xảy ra một trận ác chiến giữa quân khởi nghĩa Khmer Việt và quân Pháp… 12 giờ trưa trận giáp chiến bắt đầu ở giữa một cánh đồng nhỏ trong rừng. Địch bị tổn thất nặng, rút về Tây Ninh, thì chúng bị hơn 300 nghĩa quân đón đường phục kích. Đêm ấy, nghĩa quân Khmer - Việt tràn vào tận phố Tây Ninh mà đánh đốt phá cơ quan của địch và nhà cửa những kẻ tay sai…” (Trần Văn Giàu- tác phẩm Chống xâm lăng, 2001).
Kế thừa truyền thống anh dũng ấy, nên cả 3 lần quân Pháp càn quét, đánh phá chiến khu Trà Vong của Tỉnh uỷ Tây Ninh trong 3 năm 1948-1950 đều bị quân ta đánh cho thất bại nặng nề. Nhạc sĩ Xuân Hồng- lúc ấy là một chiến sĩ trẻ của huyện Châu Thành- đã sáng tác bài Chiến khu Trà Vong nổi tiếng với giai điệu, tiết tấu hào sảng: “Đây đất Trà Vong muôn thu còn ghi dấu/ Đấy là nơi quân Pháp chết đau thương/ rừng Trà Vong xanh xanh/ Suối Trà Vong trong trong/ dân Trà Vong vững mạnh/ Quân Trà Vong oai hùng…”.
Trần Vũ
(còn tiếp)