BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ở một nơi được chọn làm thí điểm phát triển “tam nông”

Cập nhật ngày: 02/06/2009 - 07:14

Để đưa Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, đầu năm 2009, UBND huyện Gò Dầu xây dựng và triển khai “Dự án Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn xã Phước Trạch giai đoạn 2009-2013”.

Một ngôi trường ở xã Phước Trạch vừa mới “lầu hoá” để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia

Mục tiêu tổng quát đến năm 2013 của Dự án là: Sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, phát huy hiệu quả và bền vững những tiềm năng của xã trên các lĩnh vực, đẩy mạnh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng nông sản chất lượng và hiệu quả; xây dựng những mô hình sản xuất có hiệu quả cho nông dân áp dụng, gắn công nghiệp hoá, hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp với phong trào kinh tế tập thể để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng hoàn chỉnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, đảm bảo các điều kiện về văn hoá, y tế, thông tin liên lạc hiệu quả, xây dựng xóm ấp văn hoá lành mạnh, duy trì và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc và truyền thống; thực hiện hiệu quả bền vững công tác xoá đói giảm nghèo, khắc phục ô nghiễm môi trường nông thôn, nâng cao trình độ nhận thức và kiến thức sản xuất cho nông dân trong xã, tạo điều kiện cho đa số nông dân tham gia đóng góp phát huy sáng kiến, góp phần và hưởng ứng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn trên toàn xã, đảm bảo đủ nguồn điện sinh hoạt và nguồn nước sạch cho hầu hết dân cư nông thôn, hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu chủ động cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, các tuyến đường chính liên xã, ấp được nhựa hoá, quy hoạch những vùng có điều kiện phù hợp để khai thác hết những lợi thế nông nghiệp của vùng…

Cùng với mục tiêu tổng quát, Dự án còn đề ra kế hoạch và giải pháp thực hiện cụ thể cho 10 lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp; dạy nghề và giảm nghèo; phát triển giáo dục- đào tạo; củng cố và phát triển y tế; đẩy mạnh hoạt động tín dụng, ngân hàng ở nông thôn; phát triển văn hoá; xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển hệ thống truyền thanh phục vụ công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức bộ máy hành chính đến năm 2010; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Kim Liễu, Chủ tịch UBND xã Phước Trạch cho biết, bước đầu thực hiện Dự án xã có rất nhiều thuận lợi. Trước hết, đây là xã điểm của huyện trong việc đưa Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) vào cuộc sống, nên được Huyện uỷ, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Kế đến là các ngành chức năng của huyện có liên quan đến Dự án rất nhiệt tình hỗ trợ. Các ngành đều có kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực của dự án. Đến nay, một số ngành đã triển khai thực hiện theo mục tiêu cụ thể của Dự án, như: Thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục-đào tạo, ngành Giáo dục đã tiến hành xây dựng mới cơ sở vật chất theo hướng “lầu hoá” cùng một lúc hai ngôi trường (Trường tiểu học Phước Trạch và Trường THCS Trần Hưng Đạo) để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay (1.6.2009) một trường đã cơ bản hoàn thành, một trường đang thi công, dự kiến hai trường này sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2009-2010. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nông dân về công tác bảo vệ thực vật, kỹ thuật sản xuất mới theo phương pháp sạ hàng; hỗ trợ không

Đường nối từ quốc lộ 22B ra Cao Sơn Tự sẽ được khởi công nhựa hoá

hoàn lại 20 triệu đồng cho nông dân trang bị máy gặt đập liên hợp để cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa; giúp nông dân gieo tinh miễn phí cho 40 con heo nái theo hướng nạc; chọn 5 ha ruộng để làm khu vực nhân giống lúa phục vụ cho nông dân. Hội Nông dân huyện mở lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thả vườn cho nông dân. Ngành Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn trang bị phương tiện sản xuất. Ngành Văn hoá-Thông tin trang bị bổ sung cho 2 ấp 2 hệ thống âm thanh phục công tác thông tin tuyên truyền. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã đã có các dự án: Xây dựng trụ sở làm việc của xã (dự kiến tháng 9.2009 khởi công xây dựng); dự án bê tông nhựa nóng con đường nối từ quốc lộ 22B ra khu vực Cao Sơn Tự, một đoạn dài 760 mét, với kinh phí dự trù 2,6 tỷ đồng (dự kiến khởi công trong năm 2009); dự án cải tạo, nâng cấp chợ Phước Trạch theo hướng “chợ trật tự an toàn”…

Chủ tịch UBND xã Phước Trạch còn cho biết thêm, sở dĩ huyện chọn xã Phước Trạch làm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về “Tam nông” vì Phước Trạch là xã nghèo nhất của huyện, diện tích đất nhỏ hẹp, hơn 85% hộ dân ở đây sống bằng nghề nông. “Được sự đặc biệt quan tâm của Huyện uỷ, UBND huyện và các ngành chức năng, cùng với sự nhiệt tình công tác của cán bộ, nhân viên và sự đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong xã, không đợi đến năm 2013 mà đến cuối năm 2010, bộ mặt của xã Phước Trạch sẽ có nhiều đổi mới” –Bà Chủ tịch UBND xã Phước Trạch khẳng định như thế.

D.H