Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ở một nơi từng hứng chịu bom Napal của Mỹ:  “Ấp cạnh chùa” và hồi ức chiến tranh
Thứ hai: 05:01 ngày 30/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó chỉ là một ấp nhỏ, nằm ngay góc Đông Nam khu nội ô Toà Thánh Cao Đài, nhân dân hầu hết là từ những nơi khác tụ tập về đây sinh sống.

Đó chỉ là một ấp nhỏ, nằm ngay góc Đông Nam khu nội ô Toà Thánh Cao Đài, nhân dân hầu hết là từ những nơi khác tụ tập về đây sinh sống.

Vị trí của ấp Long Mỹ, xã Long Thành ngày trước (nay là xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) gần như là “vùng ruột” của khu vực Toà Thánh - Long Hoa, khu vực mà suốt mấy mươi năm chiến tranh gần như không hề bị ảnh hưởng bom đạn. Vậy mà riêng ấp Long Mỹ đã phải gánh chịu một cơn bão lửa của quân giặc trút xuống, thiêu rụi cả xóm ấp vào đầu năm 1968. Trong ký ức của những người lớn tuổi, đó là hình ảnh duy nhất của chiến tranh còn đọng lại cho đến bây giờ.

Lịch sử Tiểu đoàn 14, đơn vị anh hùng của LLVT Tây Ninh còn ghi về trận đánh ở Long Mỹ như sau: “(Chiến dịch mùa xuân Mậu Thân)… đơn vị chuyển về phía Nam, tiến công chi khu Phú Khương (khuôn viên Trường THPT Lý Thường Kiệt ngày nay). Một bộ phận quân nguỵ ở đây ngoan cố chống trả. Nửa chừng trận đánh, tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Riêng bị thương nặng ngoài hàng rào. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng đồng chí nói với anh em: “Các đồng chí hãy nhảy qua người tôi xông lên!”. Tiểu đoàn không chiếm được hoàn toàn chi khu, sáng hôm sau lui về Long Mỹ. Ấp Long Mỹ, nơi tiểu đoàn trú quân, trở thành một trận địa nóng bỏng khi quân Mỹ đem bộ binh, xe tăng, máy bay đến đánh phá. Tiểu đoàn đã kiên cường bám trụ, đánh bật tất cả các đợt tiến công của địch, làm chủ cả ngày lẫn đêm, tiêu diệt 300 tên Mỹ, bắn hư 15 xe tăng M113 và M118, bắn rớt 6 máy bay.

Bà Phạm Thị Út bên ngôi nhà khang trang hôm nay ở khu vực bị Mỹ dội bom Napal năm 1968

Phú Khương là vùng trung tâm tôn giáo Cao Đài, từ năm 1945 đến 1968, nhân dân chưa hề trông thấy bộ đội cách mạng. Khi được tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 thấy bộ đội giải phóng thiệt hiền lành, dễ thương, rất quý trọng nhân dân. Một lần máy bay địch đến bắn phá dữ dội, chính trị viên tiểu đoàn Trần Quốc Đại ngồi dưới hầm thấy một cụ già loay hoay ở trên. Không do dự đồng chí nhảy lên để nhường hầm trú ẩn của mình cho cụ. Đồng chí chẳng may bị một mảnh bom găm vào đùi. Cụ già được nhường hầm là một vị chức sắc đạo Cao Đài, vô cùng cảm động trước tấm gương vì dân quên mình của đồng chí Trần Quốc Đại. Gặp ai cụ cũng không quên tỏ lời thán phục. Một số bà con bị thương, anh em bộ đội kịp thời băng bó, chăm sóc như người ruột thịt. Từ đó ảnh hưởng của bộ đội cách mạng càng lan rộng trong nhân dân…”.

Mới đó mà trận đánh năm xưa đã 44 năm và ngày ấp Long Mỹ cùng toàn tỉnh, toàn miền Nam hoàn toàn giải phóng đã 37 năm. Chừng ấy thời gian đã làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Ngày nay ở đây không còn một chút dấu tích gì của chiến tranh. Còn lúc bấy giờ hàng trăm căn nhà cùng vườn tược đã bị cháy rụi bởi sức công phá của những quả “bom dầu” theo cách gọi của người dân. Đã qua rồi những năm tháng đau khổ, nghèo khó đến tột cùng cuộc sống vì đã trắng tay sau khi tài sản đã bị thiêu rụi trong chiến tranh. “Sau khi nhà bị Mỹ dội bom dầu cháy sạch, cả gia đình chúng tôi một mẹ goá mới hơn ba mươi tuổi phải nuôi dạy chăm sóc bốn đứa con nhỏ dại, trong tay không có lấy một đồng vốn, tôi đã làm đủ mọi việc cực nhọc để gia đình có hai bữa cơm, các con được đến trường”. Bà Phạm Thị Út hiện đang sống trên mảnh đất năm xưa đã kể cho chúng tôi nghe như vậy. Có điều căn nhà nghèo nàn ngày xưa của bà bây giờ đã là ngôi nhà tường khang trang.

Tìm gặp Bí thư và Trưởng ấp Long Mỹ, nhắc lại chuyện chiến tranh xảy ra ngày xưa trên đất này trong ký ức của các vị không còn nhớ gì nhiều ngoài hình ảnh loáng thoáng khói lửa, đạn bom năm xưa, bởi lúc ấy các vị hãy còn nhỏ. Có điều, qua đó chúng tôi được biết cả ấp Long Mỹ ngày nay không có hộ đói, số hộ nghèo đến năm 2011 chỉ còn 93 hộ, chiếm tỷ lệ 6,4% trong tổng số 1.447 hộ dân ấp với gần 6.400 nhân khẩu. Nếu như ngày xưa Long Mỹ là ấp nghèo nhất huyện, toàn ấp không có lấy một ngôi nhà tường, thì bây giờ đã có 1.052 nhà tường, 395 nhà tôn, không còn nhà tranh lá tạm bợ, về mức sống có 421 hộ giàu, 913 hộ khá.

Chia tay cán bộ cơ sở, rời khỏi nơi từng là bãi chiến trường đổ nát một thời mà lòng tràn ngập những niềm vui với bao đổi thay trong cuộc sống. Giá trị những năm tháng sống trong thanh bình được tăng lên gấp bội phần, những đau thương mất mát dần đi vào quên lãng và xoá dần trong tâm trí những người đang nỗ lực dựng xây cuộc sống no ấm hôm nay.

NGHIÊM KHÁNH

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục