Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ở một vùng đất từng bạt ngàn “rừng mía”: Vì sao nông dân không còn “mặn mà” với cây mía?
Thứ ba: 08:26 ngày 04/08/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại xã Suối Đá, hiện nay nhà máy đường Biên Hoà chỉ còn hợp đồng được 290,5 ha mía, nhà máy Bourbon có 97 ha, trong khi đó diện tích cây mì lên đến 2.275 ha, và 385 ha lúa một vụ, trên diện tích có thể quy hoạch trồng mía.

Cây mía đã được người nông dân ở Suối Đá canh tác từ nhiều năm nay, nhất là những năm đầu mới giải phóng và giai đoạn đầu thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng. Trong thời gian đó, hàng loạt các lò đường bán cơ giới được đầu tư xây dựng, cho đến khi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 3 nhà máy đường hiện đại thì các lò đường này mới “hết thời”. Có thời điểm ở Suối Đá hầu hết diện tích không ngập úng đều được trồng mía, mía bạt ngàn như rừng. Thế nhưng thời “hoàng kim” của cây mía cứ dần lùi xa, vị ngọt của cây trồng này không còn làm cho nông dân “mặn mà” gắn bó như xưa.

Mía trồng đúng kỹ thuật cho năng suất hơn 100 tấn/ha/vụ.

Khi ngành công nghiệp chế biến mía đường Tây Ninh phát triển, để chủ động nguyên liệu, hai nhà máy đường Biên Hoà và Bourbon vừa hỗ trợ người trồng mía giống, phân bón, vốn và bao tiêu sản phẩm, đồng thời đầu tư làm đường giao thông, cầu cống, làm mương tiêu úng… Người dân thấy trồng mía có lợi, nhiều người bỏ các cây trồng khác trồng cây mía, từ chỗ toàn xã chỉ có vài trăm ha, đến năm 2004, xã Suối Đá có diện tích mía lên đến 1.219 ha, cũng trong năm 2004, UBND tỉnh có quyết định giao địa bàn xã Suối Đá cho nhà máy đường Biên Hoà xây dựng vùng nguyên liệu. Từ diện tích hiện có, cộng với dự án đưa cây mía xuống vùng thấp, tổng diện tích địa phương cùng với nhà máy khảo sát, quy hoạch lên đến 1.700 ha. Thế nhưng sự vui mừng cho một vùng nguyên liệu, cung cấp cây trồng ngọt ngào này bỗng dưng tự tan biến ngay trong niên vụ 2004-2005, vì giá mía đang cao ngất, các nhà máy không đủ nguyên liệu, người trồng mía hào hứng mở rộng diện tích, thì hỡi ôi, đến vụ thu hoạch giá bỗng sụt giảm đến mức thảm hại. Đi liền theo đó là bao việc nhiêu khê, phiền toái gây hoang mang cho người trồng mía, muốn có “lệnh” đốn mía phải chi tiền cho “cò”, đốn được mía còn phải chờ dài cổ mới đến lượt thử chữ đường, cân đong.v.v. đến khi lấy được tiền thì lỗ vốn hơn là bỏ mía tại ruộng. 2 Hợp tác xã dịch vụ cây mía cũng đành bó tay, xã viên lỗ vốn không có tiền trả, nợ nần lòng vòng, thưa kiện nhiều nơi, cho tới nay cũng chưa giải quyết xong nợ để làm thủ tục giải thể. Và diện tích cây mía từ hơn 1.200 ha lại giảm xuống chưa tới 400 ha. Thời gian này chỉ những người có hợp đồng với nhà máy, và những người có kinh nghiệm trồng mía mới trụ nổi.

Nhiều người bỏ không trồng mía, cho dù đất ở trong vùng quy hoạch trồng mía. Thế là hàng loạt công trình, dự án do 2 nhà máy đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu đành tạm ngưng. Công trình tiêu úng Bàu Đưng, dự kiến chi phí gần 100 triệu, đang thi công dở dang cũng ngưng ngang, người dân nhiều lần kiến nghị yêu cầu nhà máy phải lấp lại như cũ, vì làm dở dang công trình không có tác dụng tiêu úng mà lại gây ngập úng nặng hơn.

Bỏ cây mía, người dân Suối Đá quay sang cây mì, đồng thời có nhiều người tự ý trồng cao su và mãng cầu trên diện tích cây hằng năm, nhưng không ai xin phép chuyển mục đích sử dụng như Luật Đất đai quy định. Hiện nay xã Suối Đá đã có hơn 100 ha cao su mới trồng và hơn 200 ha mãng cầu. Đây là diện tích chính quyền xã nắm được, còn thực tế diện tích cây trồng sai mục đích sử dụng đất, không xin phép chuyển đổi còn cao hơn rất nhiều.

Tại xã Suối Đá, hiện nay nhà máy đường Biên Hoà chỉ còn hợp đồng được 290,5 ha mía, nhà máy Bourbon có 97 ha, trong khi đó diện tích cây mì lên đến 2.275 ha, và 385 ha lúa một vụ, trên diện tích có thể quy hoạch trồng mía. Ông Nguyễn Văn Tâm ở Phước Bình 2 trồng mía giống K88 ở đất ruộng thấp, cho năng suất hơn 100 tấn/ha/vụ, do biết kỹ thuật chăm sóc, mía gốc đã sang mùa thứ 5 vẫn cho năng suất cao, không phải trồng lại. Những người có kỹ thuật chăm sóc và trồng ở đất thấp như ông Tâm vẫn theo cây mía và có lãi khá cao, có người thu lãi ròng hơn 40 triệu đồng/ha/vụ.

Vừa qua 2 nhà máy đường cùng các ngành chức năng tỉnh, huyện và chính quyền địa phương xã Suối Đá tổ chức bàn bạc, khảo sát lại vùng quy hoạch trồng mía để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng cũng chỉ “dám” quy hoạch khoảng 400 ha trồng mía mới, ở vùng đất thấp. Nghĩa là cộng với gần 400 ha hiện có, đến năm 2015 trên địa bàn Suối Đá cũng chỉ có khoảng 800 ha mía, chiếm khoảng 25% diện tích đất nông nghiệp của xã. Diện tích còn lại hơn 2.000 ha đất trồng cây hằng năm thì đang thả nổi để cho người dân tự ý muốn trồng cây gì cũng được (?!). Thảm cảnh củ mì tươi mất giá, người trồng mì điêu đứng đã xảy ra nhiều lần, hơn nữa trồng mì vừa lợi nhuận thấp, vừa gây cạn kiệt màu mỡ làm hư hỏng đất. Còn việc trồng cây lâu năm như cao su, cây ăn trái nếu cứ thả nổi để người dân tự ý thích cây gì trồng cây nấy, thì chưa biết sẽ cho kết quả tốt hay sẽ để lại hậu quả không lường trước được.

Thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân sản xuất tập trung theo quy hoạch với quy mô lớn để tạo ra nguồn nông sản hàng hoá dồi dào, cần có chính sách cụ thể, bền vững. Mục đích cuối cùng là người nông dân có lợi ích thiết thực trên mảnh ruộng của mình. Mặt khác phải có cơ chế, thiết chế, không thể để mặc nông dân sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Ai cũng thừa biết rằng, ngày nay sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đồng nghĩa với kém thu nhập dẫn tới đói nghèo. Điều này sẽ làm mất đi tính định hướng khi phát triển nền kinh tế thị trường.

NGUYỄN TRẦN VĂN

 

Từ khóa:
Tin liên quan