Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ô nhiễm đô thị làm tăng tỉ lệ bệnh hô hấp
Thứ sáu: 09:52 ngày 21/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhận định đó được đưa ra trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 với chuyên đề môi trường đô thị vừa được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố chiều 20-7.


Lãnh đạo Tổng cục Môi trường chủ trì công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016- Ảnh: TUẤN PHÙNG.

Không khí, nguồn nước đều ô nhiễm

Các vấn đề liên quan đến môi trường không khí, nước, đất và xử lý chất thải rắn được đề cập trong báo cáo do ông Hoàng Dương Tùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, trình bày tại lễ công bố đều cho bức tranh khá ảm đạm về môi trường đô thị.

Đối với không khí, báo cáo nhận định các đô thị lớn ở nước ta đều đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nổi cộm nhất là ô nhiễm không khí do bụi, chưa có dấu hiệu giảm trong năm năm gần đây.

Đối với bụi thô, nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam từ 2 - 3 lần. Loại bụi này thường tập trung cao ở những trục đường giao thông của đô thị lớn, nhất là đô thị loại đặc biệt và loại 1.

Các khu dân cư nằm trong các đô thị có mật độ giao thông lớn, đặc biệt là Hà Nội, có mức độ ô nhiễm bụi cũng vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Riêng thành phần bụi mịn lơ lửng trong không khí có khả năng phát tán xa, đi sâu vào phổi hơn, giá trị đo tại nhiều trạm vượt ngưỡng trung bình năm trong quy chuẩn Việt Nam.

Tại khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM, số ngày trong năm có nồng độ bụi mịn vượt ngưỡng cho phép chiếm tỉ lệ 20%...

Theo ông Tùng, các tác nhân gây ô nhiễm không khí trong đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chủ yếu do hoạt động giao thông, nhất là xe cá nhân tăng quá nhanh phát thải nhiều, do hoạt động xây dựng chưa được kiểm soát tốt cùng với các xí nghiệp vẫn trong nội ô…

Với nguồn nước trong đô thị, báo cáo cho biết nguồn nước ngầm tại một số đô thị đang suy giảm về trữ lượng, mực nước xuống thấp.

Trong khi đó, nước thải sinh hoạt chỉ được xử lý với tỉ lệ thấp đang làm ô nhiễm hệ thống sông hồ, kênh rạch trong nội ô. Đây là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Tình trạng nguồn nước dưới đất, nước mặt bị ô nhiễm dẫn tới chất lượng nước cấp cho nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn quy định.

Công nghệ xử lý nước tại một số nhà máy nước chưa đồng bộ, tình hình xả nước thải không xử lý ra sông hồ, hàng vạn lỗ khoan mạch nông đang là nguồn gây ô nhiễm cho tầng chứa nước đang khai thác.

Hai nhà máy nước ở TP Phủ Lý, Hà Nam lấy nước mặt sông Đáy bị ô nhiễm khiến chất lượng nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn là amoni, pecmanganat, độ đục và mùi…

Trẻ bị bệnh do ô nhiễm không khí tăng cao

Báo cáo nhận định tại Việt Nam, ô nhiễm bụi tại các đô thị tiếp tục duy trì ở mức độ cao đã gây ra những tác động xấu tới sức khỏe người dân.

Trung bình mỗi năm có hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp do chất lượng không khí. Số người mắc các bệnh hô hấp chiếm 3-4% tổng dân số.

Trong đó, tỉ lệ người bị bệnh hô hấp ở các đô thị phát triển như TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng thường cao hơn khá nhiều so với các đô thị ít phát triển.

Các báo cáo, nghiên cứu trong những năm gần đây cũng cho thấy các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao. Nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, ung thư và các dị tật bẩm sinh.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, trong khi tỉ lệ trẻ mắc bệnh ký sinh trùng, nhiễm trùng nhập viện giảm thì bệnh lý hô hấp ở trẻ em ngày một tăng và chiếm 40-50% số bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, tiếng ồn cũng được nhận định gây ra tình trạng xung đột giữa doanh nghiệp gây ô nhiễm và người dân.

Xung đột căng thẳng thường do các nhà máy ở lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất ximăng, chế biến thủy hải sản, các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa chất độc hại.

Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp

Theo ông Nguyễn Văn Tài, tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện nay mức độ ô nhiễm và suy thoái môi trường vẫn gia tăng.

Dự báo đến năm 2020 tầm nhìn 2030 sự gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm môi trường sống có chậm lại nhưng vẫn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài đến sau năm 2025-2030 rồi mới chậm lại và giảm xuống.

Trong đó, nổi lên vấn đề lớn nhất là mức độ đô thị hóa chưa cao nhưng tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, tỉ lệ nước thải, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt bị ô nhiễm và thu hẹp diện tích và nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường khác.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, vấn đề cần giải quyết trong bài toán ô nhiễm môi trường là ngoài ý thức, nỗ lực của các địa phương, vai trò cơ quan quản lý các cấp còn có vấn đề định hướng phát triển, mô hình phát triển đô thị, quy hoạch, xử lý môi trường cụ thể…

Đồng thời phải  tính đến và áp dụng những giải pháp rất mạnh trong bối cảnh năng lực nền kinh tế, khả năng chi trả của người dân, năng lực quản lý của chính quyền, các bộ ngành chưa theo kịp tốc độ phát triển và các vấn đề phát sinh.

Ông Tài ví dụ tỉ lệ xử lý nước thải đô thị nước ta hiện nay chỉ đạt 11-12% là rất thấp dẫn đến nước mặt trong các đô thị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều ao hồ, dòng sông trở thành nơi chứa nước thải như các sông, kênh trong nội thành Hà Nội, TP.HCM.

Trong khi đó, phí xử lý nước thải sinh hoạt chỉ tính trên 10% giá cung cấp nước sạch. Còn những nước như Ba Lan tính phí xử lý nước thải sinh hoạt cao gấp 4 lần giá nước sạch.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh