Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân:
Ô nhiễm môi trường do thiếu đường tiêu thoát nước thải
Thứ hai: 11:04 ngày 01/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hàng chục năm qua, nước thải sinh hoạt của dân cư khu vực phía trên ngã ba Mít Một được xả ra con mương ven quốc lộ 22B (thuộc ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành). Sau đó, nước thải được đổ xuống ao nước rộng khoảng 1,5 ha nằm ven quốc lộ rồi đổ ra cánh đồng phía sau. Từ đây, nước thải hoà với nước tự nhiên đổ ra rạch Tây Ninh đoạn gần cầu Nổi.

Nước thải đen ngòm, nặng mùi trong mương tạm do ông Ng đào cạnh nhà ông Tâm.

Tuy nhiên, đến trước Tết Kỷ Hợi vừa qua, ao nước này được bán cho chủ mới và được san lấp cao ngang mặt đường quốc lộ 22B. Cạnh đó là nhà của một hộ dân, có vị trí thấp hơn mặt đường quốc lộ 22B và gần miệng cống xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư phía trên đổ xuống. Ngay sau khi ao nước bị lấp không lâu, do không còn nơi chứa nên sau một cơn mưa, nước thải cùng nước mưa từ phía trên đổ xuống đây đã tràn vào nhà hộ dân trên.

“Nước bẩn tràn ngập nhà tôi hơn nửa mét và bốc mùi hôi thối kinh khủng khiến mọi người khổ sở vô cùng. Sau đó, khi chúng tôi phản ánh thì chủ mới của ao nước vừa được san lấp cho đào tạm một con mương nhỏ dẫn nước thải vòng ra phía sau khu đất này rồi xả ra cánh đồng. Tuy nhiên, do con mương này cao hơn đoạn mương dẫn nước thải ven quốc lộ 22B ở phía trước nhà tôi nên nước thải đọng thành vũng sâu, đen ngòm, nặng mùi và đầy rác rưởi, ruồi, muỗi. Chúng tôi đã liên tục gửi đơn kêu cứu đến UBND xã Hiệp Tân, cơ quan chức năng huyện Hoà Thành và cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh nhưng đã lâu rồi mà vẫn chưa được giải quyết”- ông Nguyễn Thành Tâm, một trong những người ngụ ở căn nhà cạnh ao nước bức xúc cho biết. Ông Tâm và các thành viên trong gia đình cho rằng, chính do việc lấp ao nhưng không chừa đường thoát nước đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trước nhà họ.

Theo ghi nhận của người viết từ một tuần trước, nước thải và rác rưởi đọng trước mương sâu nhà ông Tâm như một cái ao nhỏ, đen ngòm và nặng mùi. Trong khi đó, mương dẫn nước tạm được ông N.V.Ng (người mua và san lấp ao) đào khá nông so với đoạn trước nhà ông Tâm nên một lượng lớn nước thải ứ đọng lại ở đây. Phần nước thải còn lại được dẫn ra phía sau khu đất vừa được san lấp và đổ ra cánh đồng sen cạnh đó. Do không được giải quyết kịp thời, hộ ông Tâm đã cắm bảng “Nước ngập, ô nhiễm nặng” ngay cạnh quốc lộ 22B để gây sự chú ý của chính quyền địa phương, ngành chức năng và công luận.

Người viết trao đổi qua điện thoại với một cán bộ lãnh đạo UBND huyện Hoà Thành thì ông cho biết chưa nhận được báo cáo của ngành chức năng huyện và UBND xã Hiệp Tân về vụ việc trên. “Tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo vụ việc, và sẽ làm việc với cơ quan báo chí sau khi đã nắm rõ vấn đề”, vị cán bộ này nói. Ngay sau đó, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoà Thành và lãnh đạo UBND xã Hiệp Tân đã xuống hiện trường mời ông Ng làm việc, bàn giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây.

Mương nước ở cánh đồng đã bị bồi lấp đầy.

Ông Ng cho biết, việc ông san lấp ao nước là hợp pháp “không hề gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này”, bởi chỉ san lấp trên đất của mình. Ông Ng cho rằng cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đầu tư hệ thống cống dẫn nước thải từ khu vực Mít Một xuống rạch Tây Ninh đoạn qua cầu Nổi.

“Trước phản ánh của hộ nhà ông Tâm và tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây, tôi đã chịu thiệt thòi khi phải đào mương dẫn nước thải đi qua đất của mình. Tôi cũng phải tốn kém khá nhiều tiền đặt mua cống dẫn nước dự định lắp đặt để đưa nước thải từ khu dân cư Mít Một ra cánh đồng phía sau. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc với UBND xã Hiệp Tân, đến nay, UBND xã vẫn chưa hỗ trợ tôi việc định vị nơi đặt cống cũng như giải toả mặt bằng do một số hộ dân lấn chiếm để thi công”, ông Ng cho biết.

Đến ngày 26.3, ông Ng cho biết thêm, để nước thải không còn đọng thành ao trước mương sâu nhà ông Tâm, đã hỗ trợ hộ này 3 xe đất giúp gia đình ông Tâm san lấp một phần con mương trước nhà để nước thải chảy ra phía sau. Hiện gia đình ông Tâm đang lấp mương và đã giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm so với trước.

Cũng theo ông Ng, ở phía sau cánh đồng sen có con mương nên nước thải được dẫn ra đây rồi chảy ra rạch Tây Ninh. Do con mương hẹp và bị bồi lắng nên nước thải tràn ra ruộng của người dân khiến họ bức xúc, yêu cầu ông chấm dứt việc xả nước thải ra ruộng. Ông Ng phải năn nỉ, thuyết phục mãi chủ ruộng mới đồng ý cho nước thải chảy ra đây, bởi đây là “lối thoát” duy nhất của nguồn nước thải sinh hoạt từ phía trên đổ xuống.

Ông Lâm Tiến Thành - Chủ tịch UBND xã Hiệp Tân cho biết “đã làm việc với hai bên” về việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như đã nêu. Cạnh nhà ông Tâm có con đường công cộng đi vào nhà một số hộ dân phía sau quốc lộ 22B, trong đó có những đoạn bị người dân lân chiếm. UBND xã dự định sẽ lắp đặt cống dẫn nước thải dọc theo con đường này ra đến cuối khu đất của ông Ng rồi cho nước thải đổ ra mương nước phía sau khu đất trên. Sắp tới, UBND xã sẽ làm việc với các hộ dân lấn chiếm đất công, yêu cầu họ trả mặt bằng để thi công đặt cống.

Thực tế cho thấy, con mương ở cánh đồng phía sau quốc lộ 22B (hướng Bắc) đã bị bùn đất bồi lắng lấp đầy và bị cỏ che kín, không thể dẫn nước thải ra rạch Tây Ninh. Do đó, hầu như toàn bộ nước thải từ khu vực Mít Một đều đổ ra cánh đồng này. Hiện chưa có đánh giá cụ thể nào từ chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng về việc nước thải rất bẩn đổ ra đây có làm ô nhiễm môi trường tự nhiên hay không, hoặc có gây tác hại gì không. Việc để nước thải sinh hoạt đô thị chưa qua xử lý đạt chuẩn đổ trực tiếp ra đồng là không ổn và không phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Thiết nghĩ, đây chỉ là vấn đề nhỏ, rất mong cơ quan chức năng huyện Hoà Thành và UBND xã Hiệp Tân giải quyết, để người dân không còn bức xúc. Sắp tới, nếu cống dẫn nước thải không sớm được lắp đặt thì khi mùa mưa đến, việc thi công sẽ khó khăn hơn, đồng thời tình trạng ùn ứ nước thải gây ô nhiễm môi trường trước nhà dân có thể sẽ không được giải quyết xong.

Một vấn đề nữa là việc đặt cống dẫn nước ra đồng không phải là giải pháp duy nhất. UBND xã Hiệp Tân, cơ quan chức năng huyện Hoà Thành cần kiến nghị cơ quan chức năng cấp tỉnh làm việc với cơ quan quản lý quốc lộ 22B về việc thiết kế, lắp đặt cống dẫn nước thải đoạn từ ngã ba Mít Một đến cầu Nổi. Có như vậy, vấn đề về môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra ở khu vực này mới được xử lý căn cơ.

BẢO TÂM

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục