Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ở rể…
2010-12-13 11:08:00

Xuất phát từ quan hệ hôn nhân mua bán - “trai mua, gái bán” đối với những gia đình nghèo khó, xưa kia người con trai Thái có thể ở rể tạm hay ở rể đời cho nhà gái.

Dân tộc Thái xưa kia có tục lệ ở rể. Chàng trai Thái khi đến tuổi lấy vợ (trước đây là 13-14 tuổi), nay mười tám, đôi mươi sẽ tự đi tìm người con gái mà mình ưng ý hoặc nếu không thì có thể bố mẹ chàng trai “nhắm cho” một cô mà họ ưng ý. Bố mẹ chàng trai nhờ một ông Mối (Phòlam) đến nhà cô gái để làm mối. Nếu gia đình cô gái ưng ý, chàng trai sẽ bắt đầu cuộc đời ở rể.

Chọn ngày lành, tháng tốt, bố mẹ chàng trai chuẩn bị sính lễ để chàng trai đến nhà cô gái ở rể. Lễ vật gồm: một chiếc áo, một con gà mổ sẵn, một gói cơm, một chai rượu và một cái “Tôống bai” - cái đựng vía (khoắn) được làm bằng một sợ dây mây một đầu được cuộn xoắn lại. “Tôống bai” theo quan niệm của người Thái, đặc biệt là người Thái đen thì vật này để cho vía chú rể trú ngụ ở đó. Ông Mối sẽ là người trực tiếp đưa chàng trai đến nhà cô gái. Sau khi kiểm xong lễ vật, nhà gái đưa lễ vật lên bàn thờ để báo cho tổ tiên biết nhà đã có chàng rể. Trong thời gian ở rể chàng trai được đối xử như một thành viên mới của gia đình. Công làm việc của chàng rể hàng năm được quy ra bạc trắng hoặc hiện vật cưới sau này. Tùy từng gia đình mà thời gian ở rể có thể vài tháng, 2 - 3 năm hay 8 - 12 năm hoặc thậm chí ở rể luôn nhà gái. Ở rể sẽ hỗ trợ cho đám cưới của nhà trai và nhà trai sẽ được giảm nhẹ được phí tổn. Nếu ở rể đời, nhà gái phải chủ động hôn nhân và phí tổn đám cưới.

Chàng trai trong thời gian ở rể đều phải trải qua thử thách và do vậy anh ta phải chăm chỉ lao động làm việc. Chàng được cùng ăn với cả gia đình, nhưng chưa được ngủ cùng cô gái mà phải ngủ ở vị trí dành cho khách, người Thái gọi là khơi. Nhà sàn của người Thái ngoài các buồng thông thường, ở hai phía đầu hồi còn có hai phần được sử dụng với từng mục đích khác nhau, một đầu là khan dùng để làm công việc bếp núc. Đây là phần đầu hồi ở phía sau, để nước và làm bếp, nơi này thường là chỗ sinh hoạt của phụ nữ. Khơi (trong tiếng Thái là rể, lục khơi là con rể) là phần đầu hồi nhà ở phía trước, phía cầu thang chính lên nhà. Khơi là phần dùng để gia đình tiếp khách và nếu gia đình có chàng rể đang trong giai đoạn thử thách thì sẽ ngủ ở đây.

Sau thời gian ở rể, có thể chỉ vài tháng hoặc kéo dài cho đến khi chàng rể được nhà cô gái chấp nhận, để đôi uyên ương được ngủ chung với nhau thì hai gia đình phải tiến hành làm lễ tăng cẩu (búi tóc), chính thức công nhận vợ chồng. Ở người phụ nữ Thái đen, việc búi tóc từ thời điểm này được coi như là một dấu hiệu thông tin cho mọi người biết là người phụ nữ này đã có chồng.

Để làm lễ tăng cẩu, nhà trai phải mang tới nhà gái một số lễ vật. Lễ tăng cẩu được thực hiện ở gian gần bếp, có chuẩn bị sẵn một chậu nước lá thơm. Đại diện phía nhà trai gội đầu, chải tóc và búi tóc cho cô gái. Tóc được búi lên, cuộn lại bằng dây xà tích bạc và cài một chiếc trâm bạc để giữ cho tóc không bị sổ ra. Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp “khắp toóc”, nói lên hoàn cảnh của gia đình cô gái và chàng trai, đồng thời thêm lời chúc và lời dặn dò đôi trai gái.

Sau lễ tăng cẩu, về nguyên tắc, lễ cưới có thể được tổ chức bất kỳ lúc nào mà hai gia đình muốn. Sau đó, chàng trai và cô gái được ngủ chung với nhau và cũng từ đó cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng.

Chàng trai Thái có thể ở rể vài năm, thậm chí cho đên khi đôi vợ chồng đã có con thì mới thu xếp về ở bên nhà chồng, hoặc có thể ở luôn nhà vợ. Tuy nhiên, hiện nay hầu như người Thái không còn duy trì tục lệ ở rể, trừ trường hợp gia đình bên gái khó khăn quá…

K.D (st)

Từ khóa:
Tin liên quan