BAOTAYNINH.VN trên Google News

Oai hùng Đội SBC

Cập nhật ngày: 19/05/2016 - 09:11

Con nghiện gây án bị CSHSĐN bắt ẢNH: DIỆP ĐỨC MINH

Trả lời PV Báo Thanh Niên, đại tá Mai Văn Tấn, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP.HCM, người từng là thành viên Đội săn bắt cướp (SBC) những ngày đầu thành lập, nói: Thời điểm sau giải phóng, ra đường là gặp cướp giật; tài sản bị cướp chủ yếu là đồng hồ, dây chuyền, túi xách... Vì thế SBC ra đời để trấn áp. Đội SBC được thành lập năm 1978, với khoảng 30 cán bộ chiến sĩ, trực thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là SBC. Lúc đó, đội được trang bị phương tiện chủ yếu là Honda 67, còng, súng. Những tên tuổi trở thành “huyền thoại” SBC như: đội trưởng Phan Thanh (tức Ba Tung), Lý Đại Bàng... Sau này, Đội SBC đổi thành Đội 3 có nhiệm vụ chống xã hội đen, cướp và cướp giật nhưng cướp giật lại diễn biến phức tạp nên đổi thành Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) có nhiệm vụ phòng chống cướp, cướp giật tài sản cho đến nay.

Ông đánh giá thế nào về tội phạm cướp giật lúc đó và hiện nay?
Cướp giật lúc đó hoạt động băng nhóm, chuyên nghiệp, giỏi võ, có trang bị vũ khí, sẵn sàng nổ súng chống trả lại lực lượng SBC. Một số băng cướp giật nổi đình nổi đám thời đó là: băng Hải “chùa”, băng Hoàng “Cần Thơ”...; mỗi băng khoảng 7 - 8 tên. Trong đó băng Hải “chùa” dữ dằn nhất, SBC nhiều lần chạm trán, đấu súng. Sau này Hải “chùa” bị công an tỉnh bắn hạ.

Còn bây giờ cướp “trẻ hóa”, liều lĩnh, táo tợn, khi bị truy đuổi bọn chúng có thể dùng hung khí, dao, ớt bột chống trả. Chưa kể, kẻ cướp hiện nay là con nghiện rất nhiều. Cướp trước đây dễ nhận diện vì chúng chủ yếu gây án vào sáng sớm, đường vắng... Bây giờ chúng tinh quái hơn - ngụy trang mặc áo quần lịch sự trà trộn vào đám đông gây án bất kể lúc nào; nhiều kẻ cướp giật đóng giả cặp tình nhân, ăn mặc lịch sự, chạy trên đường, gặp “con mồi” là ra tay nên dễ làm người ta mất cảnh giác.

Có ý kiến cho rằng trước đây lực lượng SBC được nhiều “đặc quyền” hơn CSHSĐN bây giờ khiến tội phạm phải dè chừng. Đây có phải là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng chiến đấu của lực lượng CSHSĐN khiến cướp vẫn lộng hành?

Lúc đó, SBC chỉ có nhiệm vụ duy nhất là SBC, nên chuyên sâu. Ngoài ra, công tác tuyển chọn lực lượng SBC rất kỹ lưỡng, ai cũng phải giỏi võ thuật, chạy xe, bắn súng; không hội đủ các tiêu chuẩn thì không được đứng trong hàng ngũ SBC.

Trước đây, ngoài thẻ ngành CAND, SBC được Ban Giám đốc Công an TP.HCM cấp thêm một thẻ in chữ đỏ lớn SBC. Thẻ này ghi rõ, SBC được sử dụng vũ khí đặc biệt (bắn đạn thật; còn bây giờ bắn đạn cao su - PV); được sử dụng tốc độ xe ngoài quy định; được vượt đèn đỏ, lưu thông vào đường cấm, ngược chiều khi cần thiết... Thời đó, chúng tôi chỉ cần đưa thẻ SBC ra là được người trong ngành và ngoài ngành tích cực hỗ trợ nên mọi việc được giải quyết nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bắt cướp. Mũ kết của lực lượng SBC có in chữ SBC để phân biệt với lực lượng khác.

Sau này, CSHSĐN lúc tôi điều hành không được cấp thẻ SBC, các “đặc quyền” trên dĩ nhiên không còn nữa. Nếu truy đuổi tên cướp giật chạy ngược chiều thì lực lượng CSHSĐN buộc phải bám theo nhưng chẳng may đụng người đi đường thì chiến sĩ đó sẽ bị quy trách nhiệm... Vì vậy, vô tình làm hạn chế “đặc quyền” của lực lượng CSHSĐN, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh với tội phạm cướp giật diễn biến phức tạp như hiện nay.

Tại một số cuộc họp vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhiều lần yêu cầu việc lập lại Đội SBC. Theo ông thì tác động của việc này đối với xã hội như thế nào?
Với nạn cướp giật như hiện nay, theo tôi, cần tổ chức, củng cố lại Đội SBC để trấn áp cướp giật trên đường phố. Bởi bản thân tên gọi của Đội CSHSĐN không thấy rõ được nhiệm vụ chính của mình là bắt cướp. Tên gọi SBC không chỉ thấy rõ nhiệm vụ mà còn tác động đến tâm lý của tội phạm. Đội SBC hồi xưa, kể cả sau này khi tội phạm nghe đến là đều phải khiếp sợ. Ngoài ra còn được nhiều người dân biết đến, ái mộ, tin yêu. Đây là yếu tố rất thuận lợi khi truy bắt cướp, người dân hỗ trợ nhiều thứ. Khi đã được người dân tin tưởng thì họ sẵn sàng cung cấp thông tin tội phạm cướp giật ẩn nấp... Đội SBC đúng nghĩa là khắc tinh của tội phạm một thời.

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên thường trực HĐND TP.HCM, việc thành lập lực lượng SBC là cần thiết, để bảo vệ sự bình yên TP. Tuy nhiên, phòng chống tội phạm ngoài nhiệm vụ của cơ quan công an thì cần phải có nhiều lực lượng tham gia. Đó chính là lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, thậm chí là cả người dân. Nếu toàn dân cùng chung tay phòng chống tội phạm thì cướp giật, trộm cắp không thể có đất sống.

Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng nên sớm tái lập lực lượng SBC, vì mô hình trấn áp tội phạm này đã có từ lâu, mang lại hiệu quả rõ rệt. Để xây dựng lại Đội SBC hùng mạnh, đáp ứng với tình hình hiện nay thì phải có trang thiết bị, kinh phí đào tạo, lương và các khoản phụ cấp cho anh em... HĐND TP nên sớm ra nghị quyết cho phép thành lập và hoạt động của SBC. Cơ quan thẩm quyền nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết về vật chất, con người và cơ sở pháp lý.

Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đánh giá dù Công an TP đã có Đội CSHSĐN chuyên bắt cướp nhưng thực tế với nạn trộm cắp, cướp giật ở TP hiện nay cần phải tổ chức lại lực lượng này chuyên nghiệp hơn. Thậm chí cần phải tách lực lượng CSHSĐN thành một bộ phận SBC chuyên nghiệp, giỏi võ, xử lý tình huống tốt, được trang bị đầy đủ phương tiện... “Mới đây khi họp, lãnh đạo Công an TP nói lực lượng CSHSĐN mỏng giờ thêm lực lượng cũng khó. Tôi nói với anh Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP, cho phép tăng lực lượng CSHSĐN hiện nay lên gấp đôi, từ 200 người hiện có lên 400 người. Công an TP không sợ thiếu người, miễn là phải truy quét hết trộm cướp”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trung Hiếu

Lái Honda 67 chạy 100 km/giờ, bay qua quật ngã tên cướp
Với nhiều người dân TP.HCM, hình ảnh những chiến sĩ SBC dũng cảm truy đuổi cướp những năm đầu sau giải phóng còn in đậm dấu ấn. Sự dũng cảm, mưu trí của các anh đã góp phần mang lại bình yên cho thành phố.

Đại tá Lê Thanh Liêm, Phó cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an (cựu thành viên của Đội SBC), nhớ lại sau giải phóng, ANTT trên địa bàn TP.HCM hết sức phức tạp. Từ 1975 - 1978, TP xảy ra 45.000 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 1.400 vụ cướp làm gần 170 người bị bắn chết, khoảng 200 người bị thương, tài sản bị cướp gồm: hơn 1.200 lượng vàng, gần 70 viên kim cương, 15 ô tô, 370 xe máy, 460 đồng hồ... Năm 1978, Công an TP thành lập Đội SBC để truy quét tội phạm cướp, cướp giật... SBC đã tham gia triệt phá nhiều băng cướp khét tiếng như băng cướp Võ Tùng Hội gồm 33 tên, sử dụng 14 khẩu súng, 3 ô tô, 20 xe máy, gây ra gần 100 vụ cướp, bắn chết 2 người, bắn bị thương 3 người; băng của Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng "Cần Thơ") nổi tiếng giật đồng hồ trong chớp nhoáng; hay các vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, con bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắn chết vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga ngay trước cửa nhà...

Trong vô số những vụ bắt cướp, ông Liêm bảo vụ đối mặt với băng cướp Võ Tùng Hội là cam go nhất. Trưa hôm đó, băng Võ Tùng Hội lên kế hoạch “ăn” túi xách đựng tiền của một khách hàng vừa rút tiền từ ngân hàng trên đường Bến Chương Dương (Q.1) ra. Lúc này, SBC xuất hiện, quật ngã tên giật túi tiền. Băng của Hội rút súng bắn xối xả về phía SBC để đồng bọn tháo chạy khỏi TP, về hướng Bình Dương. “Cuộc truy đuổi kinh hoàng trên đường phố diễn ra như phim hành động, một số tên bị hạ gục trên đường tẩu thoát. Các đàn em làm “lá chắn” đưa Hội thoát chạy ra đến khu vực Lái Thiêu (Bình Dương). Bọn chúng tưởng đã thoát thân nhưng đây là gọng kìm do SBC cố tình dàn cảnh. Sợ đối đầu chúng trong nội thành ảnh hưởng đến người dân nên SBC chủ động dụ băng này ra ngoại ô, rồi dùng chiến thuật du kích hạ gục từng tên”, đại tá Liêm kể.

Giữa năm 1984, tại giao lộ Hàm Tử - Nguyễn Thới Trung (Q.5), hai tên cướp cầm súng xông vào tiệm bán bình ắc quy khống chế cướp xe gắn máy, nhẫn, dây chuyền giữa ban ngày. Vài ngày sau, hai tên này tiếp tục cướp xe gắn máy của người đi đường ở Q.5. Qua điều tra, Đội SBC của Công an Q.5 do Lý Đại Bàng chỉ huy xác định được danh tính hai tên cướp. Trong một lần truy đuổi bọn chúng, Lý Đại Bàng điều khiển chiếc Honda 67 chạy với vận tốc 100 km/giờ, khi đuổi kịp anh buông tay lái bay sang quật ngã tên cướp ngồi sau định rút súng bắn lực lượng truy đuổi... “Đến nay, hằng năm, các “cựu” SBC năm nào cũng đều tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất hiến kế ý tưởng phòng chống đấu tranh tội phạm...”, đại tá Liêm nói.


Lực lượng SBC trên đường truy đuổi cướp ẢNH: TƯ LIỆU

Nguồn TNO