Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
OCOP: Nhiều kỳ vọng
Chủ nhật: 22:33 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong những giải pháp để phát triển ngành nghề nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, được nhiều địa phương thực hiện khá thành công là việc phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, gọi tắt là “OCOP”. Ðây là mô hình được học tập từ chương trình “Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản” - (OVOP).

Lan ngọc điểm được trồng ở Tân Châu.

Thực chất của OCOP là huy động các nguồn lực để thực hiện một cách đồng bộ hệ thống giải pháp nhằm phát triển một (hoặc một số) sản phẩm chủ lực của từng địa phương (sản phẩm chủ lực là sản phẩm hội đủ các điều kiện thuận lợi nhất, nếu phát triển sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cả về kinh tế, xã hội và môi trường); góp phần thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn 

Chương trình OCOP là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn và đô thị; xác định được và có chiến lược, kế hoạch phát triển 3 cấp độ sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương (huyện/xã); thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất và quản lý, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

 Có thể nói, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nâng giá trị, chất lượng những sản phẩm thế mạnh sẵn có. Và với những hướng đi đúng như hiện nay, việc thực hiện chương trình OCOP được xem là giải pháp tốt nhất để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều hơn đối với sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tập trung các nguồn lực phát triển sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao của tỉnh; hình thành, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường ở cấp cộng đồng, từ đó tạo nền tảng để nâng cấp, phát triển thành sản phẩm cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Khi triển khai, thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...) được kiện toàn và phát triển để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tại địa bàn các xã, phường, thị trấn; hình thành nên các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; góp phần cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Tây Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; đồng thời tạo môi trường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo ra luồng đầu tư của cộng đồng thông qua phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP.

Tạo ra sự "quyến rũ" của khu vực nông thôn

OCOP làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở khu vực nông thôn.

 Việc phát triển sản xuất các sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, đặc trưng, tiềm năng tại các địa bàn nông thôn góp phần tạo công ăn việc làm, hạn chế việc di dân từ nông thôn ra thành thị, giữ gìn ổn định xã hội, từng bước đưa kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh phát triển theo chiều sâu và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

 Bên cạnh đó, chương trình sẽ giúp người dân nâng cao trình độ nhận thức, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, nắm bắt tốt thông tin thị trường, từ đó quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

OCOP còn tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng đậm nét văn hoá từng địa phương (góp phần phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống đang bị mai một), khơi dậy niềm tự hào của người dân mỗi vùng quê, OCOP cũng tạo ra sự "quyến rũ" của khu vực nông thôn, thu hút lao động và nguồn vốn đầu tư về khu vực này (hạn chế dòng người nông thôn kéo ra đô thị), giúp cho xây dựng nông thôn mới bền vững, thu hẹp khoảng cách đô thị - nông thôn.

Nhiều tác động mạnh mẽ, tích cực

Chương trình OCOP góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nông thôn tỉnh theo chiều sâu, nâng cao vai trò và tính chủ động của người dân, từ làm thuê bị động đến chủ động sản xuất theo nhu cầu thị trường, làm chủ doanh nghiệp..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo.

Trong quá trình triển khai Ðề án, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước giảm dần theo thời gian (sau khi hình thành hệ thống hỗ trợ), trong khi đó doanh thu từ các sản phẩm (OCOP) dự kiến tăng liên tục. Khoa học công nghệ tiên tiến được chuyển giao và áp dụng, góp phần nâng cao trình độ trong sản xuất cũng như chất lượng của nguồn lao động.

Theo ngành Nông nghiệp, OCOP sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của địa phương, tạo ra sản phẩm độc đáo cho thị trường và khách du lịch. Xuất phát từ phát triển kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng về số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng cao, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân sẽ tự tin sáng tạo, phát huy thế mạnh của địa phương để tạo ra sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sản xuất sản phẩm OCOP tức là tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, được sản xuất trên quy mô lớn, theo các tiêu chuẩn chất lượng, gắn với trách nhiệm xã hội trong các khâu, từ đầu vào cho đến tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, OCOP dần thay đổi tập quán sản xuất trong khu vực nông thôn.

Trong quá trình thực hiện OCOP, các địa phương sẽ được xây dựng thêm cơ sở vật chất cho cộng đồng. Hình thành được các tổ chức tập thể như hội/hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để tham gia hoạt động quản lý, phát triển thị trường sản phẩm OCOP.

Các chủ cơ sở sản xuất sau khi được đào tạo tập huấn sẽ nắm vững các kiến thức về quản lý sản xuất, phát triển tổ chức, hiểu rõ hơn về thị trường và có khả năng đưa ra các quyết định sản xuất phù hợp. Ðồng thời, họ còn được hỗ trợ về hạ tầng, giống, vật tư nông nghiệp, về xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao, bì nhãn mác, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm làm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá...

Một hiệu quả khác nữa là chương trình OCOP góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của Tây Ninh nói chung, của người nông dân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện giảm nghèo bền vững.

Ðình Chung

Tin cùng chuyên mục