Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

OCOP - Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

Cập nhật ngày: 20/02/2022 - 23:21

BTN - Những năm gần đây, với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, đưa ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã được hình thành và đưa vào hoạt động góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Điểm báo in Tây Ninh ngày 21.02.2022

Chị Văn Thị Cẩm Lệ và chồng xây dựng thương hiệu dưa lưới Hoàng Xuân vừa đạt 4 sao OCOP.

Điển hình là mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất dưa lưới chất lượng cao, sạch bệnh và an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH MTV nông sản Hoàng Xuân (khu phố Tịnh Phong, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), bước đầu đạt năng suất, chất lượng vượt trội.

Chị Văn Thị Cẩm Lệ- Giám đốc Công ty TNHH MTV nông sản Hoàng Xuân, chủ thương hiệu dưa lưới Hoàng Xuân (đạt 4 sao OCOP - chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cho biết, cách đây hơn 10 năm, vợ chồng chị có dịp tham quan khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ buổi trải nghiệm đó, anh chị bắt đầu tìm hiểu về dưa lưới, từ kỹ thuật trồng, công nghệ tưới nhỏ giọt, đến lựa chọn kiểu xây dựng nhà màng thế nào cho phù hợp với dưa lưới trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của vùng đất Tây Ninh.

Đến tháng 5.2012, vợ chồng chị quyết định đầu tư xây dựng gần 5.000m2 nhà màng trồng dưa lưới bán thuỷ canh tại khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh. Đây là trang trại đầu tiên của tỉnh Tây Ninh vào thời điểm đó áp dụng kỹ thuật công nghệ với hệ thống tưới nhỏ giọt Israel, tiết kiệm nước và tự động hoàn toàn.

Theo chị Lệ, việc xây dựng hệ thống nhà kính trồng dưa lưới có ưu điểm vượt trội so với trồng ngoài tự nhiên, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, người trồng có thể chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân bón hữu cơ sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học nên sản phẩm an toàn cho người sử dụng, giảm chi phí sản xuất.

Dưa lưới được trồng theo quy trình chuẩn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.

Bên cạnh đó, với hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động công nghệ thuỷ canh của Isreal, phân bón được hoà vào nước rồi cung cấp dinh dưỡng đến tận gốc cho cây phát triển theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nước tưới. Trồng dưa lưới trong nhà màng có thể sản xuất liên tục mà không phụ thuộc điều kiện thời tiết.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV nông sản Hoàng Xuân phát triển diện tích nhà màng lên đến 5 ha, thành lập hệ thống trang trại mang tên Hoàng Xuân farm, trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Sản phẩm dưa lưới của trang trại Hoàng Xuân được kiểm soát nghiêm ngặt ngay khâu đầu vào như: nước tưới, giá thể, hạt giống, phân bón. Công nhân làm việc tại đây được đào tạo bài bản và có chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm; mỗi trái dưa lưới trước khi thu hoạch, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, độ ngọt, sau đó dán tem truy xuất nguồn gốc mã QR.

Mỗi năm, công ty thu hoạch ít nhất 3 đợt, bình quân khoảng 400-450 tấn, phân phối đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị Aeon, Co.op, BigC, Lotte, Emart và các cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lựa chọn cung cấp trong suất ăn phục vụ cho du khách trên các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Với mong muốn cùng địa phương xây dựng thương hiệu gắn với vùng đất quê hương, chị Lệ tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm- OCOP của tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018. Tháng 6.2021, sản phẩm dưa lưới Hoàng Xuân farm được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Hiện trang trại Hoàng Xuân của gia đình chị Lệ tạo việc làm ổn định cho trên 50 lao động, góp phần cho sự phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, theo chị Lệ, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao khó áp dụng rộng rãi vì vốn đầu tư rất cao, thời gian thu hồi vốn chậm, để có được sản phẩm đạt yêu cầu tốn rất nhiều công chăm sóc, đòi hỏi người sản xuất phải biết kỹ thuật, có biện pháp quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nghiêm ngặt.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc. Do đó, cần có sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định và bền vững.

Trong những ngày cuối năm 2021, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng 18 sản phẩm OCOP năm 2021.

Trong đó, 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao, gồm: nước ép mãng cầu của Công ty TNHH đông dược Vĩnh Xuân (số T4/24, ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành); rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan (số 338, khu phố Long Thành, phường Long Thành Trung) và quả mãng cầu của Công ty cổ phần Natani (số 69C, đường Trương Quyền, khu phố 1, phường 2, thành phố Tây Ninh).

15 sản phẩm đạt hạng 3 sao, gồm: mắm điều chay, nước mắm trái điều của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan; bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phomai, bánh tráng satế tỏi, bánh tráng satế tôm hành của Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh 1 (số 20, hẻm 24, đường Nguyễn Lương Bằng, ấp Trường Phú, xã Trường Đông); chao môn, muối tiêu của Cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo (tổ 13, ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu); mật ong rừng, mật ong đặc biệt hoa sao, dầu của Công ty TNHH MTV ong mật Bảo An Tây Ninh (số 47, hẻm 48, đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh), xoài Úc R2E2 của Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong Tây Ninh (số 207 đường 30.4, phường 2, thành phố Tây Ninh), dế sấy sả ớt ăn liền, dế mèn đông lạnh, bột dế Oanh Vĩnh của Trại dế Oanh Vĩnh (số 125, tổ 1, ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu), trái na hoàng hậu của hộ kinh doanh vận tải Phú Đô My (tổ 9, ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu).

Các sản phẩm được công nhận đạt hạng 3, 4 sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy công nhận; sử dụng biểu trưng của chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm; được khen thưởng theo quy định. Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày ký quyết định. 

Hy Uyên

MINH DƯƠNG