Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Olympic 2024: Kỳ Thế vận hội xóa nhòa những giới hạn
Thứ ba: 06:59 ngày 13/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thế vận hội Olympic Paris 2024 không chỉ là một giải đấu nơi các VĐV tranh tài để mang về những tấm huy chương cho nước nhà, mà còn là nơi họ xóa nhòa những ranh giới và truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

VĐV bóng bàn Ni Xialian thi đấu tại vòng loại Olympic Paris 2024 ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Từ các VĐV kỳ cựu thi đấu ở cấp độ cao nhất cho đến những thần đồng trẻ tuổi lần đầu tham dự Thế vận hội, Olympic Paris 2024 đã chứng minh rằng tinh thần Olympic không có giới hạn về tuổi tác, giới tính hay xã hội.

Một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất tại Olympic năm nay là câu chuyện của bà Ni Xia Lian - một VĐV bóng bàn 61 tuổi, đại diện cho Luxembourg. Với việc tham gia tranh tài tại kỳ Olympic thứ 6 trong sự nghiệp, bà Ni Xia Lian đã trở thành VĐV lớn tuổi nhất trong lịch sử Olympic thi đấu môn bóng bàn.

Trong trận ra quân tại Olympic Paris 2024, bà Ni Xia Lian đã đánh bại một đối thủ người Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi hơn nhiều là Sibel Altinkaya. Bà cười vui, chia sẻ sau chiến thắng: "Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi rất vui khi được đối đầu với Sun Yingsha ở vòng tiếp theo. Đây là cơ hội hiếm có để học hỏi từ cô ấy".

Mặc dù để thua tay vợt số 1 thế giới trong trận đấu này, nhưng màn trình diễn của bà Ni Xia Lian thực sự truyền cảm hứng. Tay vợt Sun Yingsha xúc động cho biết: "Tinh thần thể thao của cô Ni Xia Lian là điều tôi vô cùng ngưỡng mộ. Dù thua điểm, cô ấy vẫn không giảm nhuệ khí chiến đấu, luôn nghĩ cách để cải thiện tình hình".

Tương tự, biểu tượng trượt ván Andy MacDonald, 51 tuổi, đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều người, dù ông không thể giành vé vào vòng chung kết của Olympic năm nay. VĐV này chia sẻ: "Bạn không dừng trượt ván vì bạn già đi. Mà bạn sẽ già đi vì bạn dừng trượt ván".

Sự góp mặt của ông MacDonald tại Thế vận hội được coi như một giấc mơ hoàn hảo sau 30 năm sự nghiệp chuyên nghiệp. Khi tranh tài với các VĐV chỉ bằng 1/2 tuổi đời của mình, ông nhấn mạnh rằng Olympic không chỉ là cuộc thi mà còn là niềm vui của thể thao và tình đồng chí. Ông nói: "Trượt ván có nghĩa là thúc đẩy nhau làm hết sức mình. Đó là niềm vui, đam mê và tình bạn".

Một VĐV kỳ cựu khác cũng rất đáng chú ý là Timo Boll. Huyền thoại bóng bàn người Đức 43 tuổi này đã chiếm được trái tim người hâm mộ trong lần thứ 7 tham gia và đồng thời cũng là lần cuối cùng của ông tại đấu trường Olympic.

Lời chia tay nghẹn ngào hơn khi đội của Boll trở thành bại tướng của đối thủ người Thụy Điển trong trận tứ kết căng thẳng. Boll - như mọi khi - vẫn giữ được bình tĩnh và chiến đấu cho đến phút cuối cùng. Nhưng cuối cùng, anh đã không kìm được nước mắt khi được đám đông Paris đứng dậy vỗ tay tán thưởng cho những nỗ lực của mình.

Đối thủ lâu năm và cũng là bạn của anh, Ma Long - huyền thoại bóng bàn Trung Quốc - cũng đã khẳng định tầm ảnh hưởng của Boll đối với môn thể thao này. Ma Long đánh giá: "Boll là người mà tất cả các VĐV bóng bàn đều tôn trọng. Kỹ năng, tính cách của anh ấy - mọi thứ về anh ấy đều đáng ngưỡng mộ".

Olympic Paris 2024 còn là nơi chào đón các VĐV lần đầu tiên đến với đấu trường đỉnh cao nhất của thế giới. 

Ở tuổi 11, VĐV trượt ván Zheng Haohao đã trở thành thành viên trẻ nhất của đội tuyển Olympic Trung Quốc. Zheng Haohao không chỉ chứng tỏ tài năng to lớn của mình mà còn thể hiện sự điềm tĩnh và trưởng thành vượt xa tuổi của mình trong quá trình thi đấu.

Trong phần thi vòng loại, lần trượt đầu tiên của Zheng Haohao đã mang về cho cô một số điểm khá tốt, nhưng những nỗ lực thực hiện các pha khó hơn trong các trượt tiếp theo đã không diễn ra như mong đợi. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của cô bé vẫn không hề giảm sút. Zheng Haohao tự hào nói: "Trên thang điểm 10, em tự chấm mình chỉ khoảng 3-4 điểm, vì em đã trượt hỏng hai lần cuối. Nhưng khi em trở lại trường học và nếu được các bạn cùng lớp hỏi về những điều đã làm trong mùa Hè này, em có thể tự hào kể rằng mình đã tham gia thi tại Thế vận hội".

Tại Tahiti, Yang Siqi (15 tuổi) đã tạo nên tiếng vang khi trở thành VĐV lướt ván Olympic đầu tiên của Trung Quốc. Đối mặt với điều kiện đầy thách thức và những đối thủ dày dạn kinh nghiệm, Yang đã ghi tên mình vào Top 16 một cách ấn tượng, bất chấp sự không chắc chắn và lo lắng khi đối đầu với đối thủ người Mỹ Caroline Marks. Yang và huấn luyện viên của cô coi trải nghiệm này là bước đệm cho những thử thách trong tương lai, với tầm nhìn hướng đến các cuộc thi quốc gia và quốc tế.

VĐV Zheng Qinwen (giữa) của Trung Quốc giành HCV môn quần vợt đơn nữ tại Olympic 2024 ngày 3/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trên sân quần vợt Roland Garros, một khoảnh khắc mang tính đột phá đã đến khi Zheng Qinwen của Trung Quốc giành HCV ở nội dung đơn nữ, trở thành nữ VĐV châu Á đầu tiên làm được điều này.

Hành trình của cô được đánh dấu bằng sự cạnh tranh khốc liệt và những chiến thắng quan trọng trước các đối thủ hàng đầu, bao gồm cả trận đấu kịch tính với tay vợt số 1 thế giới Iga Swiatek. Chiến thắng của Zheng được ăn mừng với niềm tự hào dân tộc to lớn, khi cô nằm trên sân đất nện với lá cờ Trung Quốc được dựng một cách đầy tự hào bên cạnh, đánh dấu một thành tích lịch sử cho đại diện châu Á trong làng quần vợt thế giới.

"Kình ngư" Pan Zhanle cũng đã làm dậy sóng đường đua xanh khi lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung bơi tự do 100m nam, giành HCV và củng cố vị thế là VĐV đột phá của Trung Quốc, phá vỡ các kỷ lục lâu đời của phương Tây và đánh dấu bước tiến vượt bậc của Trung Quốc trong môn bơi tại đấu trường Olympic.

Câu chuyện chiến thắng mở rộng đến đội tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam của Trung Quốc, khi Xu Jiayu, Qin Haiyang, Sun Jiajun và Pan đã giành HCV đầu tiên cho Trung Quốc ở nội dung này và thiết lập một chuẩn mực mới ở nội dung mà Mỹ thống trị lâu nay.

Tinh thần Olympic cũng được thể hiện qua xạ thủ người Anh Amber Rutter - người vẫn còn đang là "mẹ bỉm sữa". Tấm HCB của cô là minh chứng cho sự quyết tâm và khả năng cân bằng giữa thiên chức làm mẹ và thành tích xuất sắc trong thi đấu thể thao.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục