Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chị Nguyễn Thị Thuý- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) đưa chúng tôi đến ấp Xóm Mới 2 thăm gia đình hội viên Lưu Thị Ðiểu (sinh năm 1980). Mới 15 giờ, trời đổ mưa, trong căn nhà chị Ðiểu đèn bật sáng choang, tiếng máy may vẫn vang đều.
Chị Điểu với công việc hằng ngày.
Chị Ðiểu cho biết, trước kia chị làm công nhân cho một công ty giày da trên địa bàn xã Thanh Phước. Cách đây hơn 10 năm, sau khi sinh đứa con thứ 2, chị nghỉ làm công nhân.
Thấy hoàn cảnh chị khó khăn, lại biết nghề may công nghiệp, Hội Phụ nữ xã xem xét hỗ trợ chị vay vốn giải quyết việc làm được 5 triệu đồng để mua một chiếc máy may.
Có máy may, chị Ðiểu nhận may gia công cho một cơ sở làm túi xách ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy thu nhập không cao hơn đi làm công nhân, nhưng chị Ðiểu có thể chủ động thời gian.
Theo chị Ðiểu, so với việc đi làm thuê như lặt đậu, hái ớt, bẻ bắp... ngồi may gia công tại nhà khoẻ hơn, không phải dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng. Nhận đồ ngồi may tại nhà, chị vừa chăm sóc con nhỏ, đưa đón con lớn đi học, lo cơm nước cho gia đình.
Nhờ siêng năng chăm chỉ, chị Ðiểu vừa quán xuyến được công việc nhà, để chồng đi làm, vừa tranh thủ thời gian ngồi may. Nhờ vậy, chị có thêm thu nhập mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Chồng làm thợ hồ, vợ làm thợ may, cuộc sống gia đình chị Ðiểu ngày càng ổn định và có khoản tiền tích luỹ. Thấy nghề may gia công tại nhà cũng không vất vả, không lệ thuộc thời gian và tuổi lao động, đồ nhận may không hết, sẵn có khoản tiền tích luỹ, chị Ðiểu mua thêm 4 chiếc máy may nữa. Có thêm nhiều máy may, chị nhận nhiều đồ và hướng dẫn chị em thân thuộc cùng may gia công.
Thấy chị Ðiểu nhận may bảo đảm chất lượng, đúng theo yêu cầu về thời gian, cơ sở làm túi xách trang bị thêm cho chị Ðiểu hai chiếc máy nữa.
Vậy là tổ may gia công của chị Ðiểu có được 7 chiếc máy may. Hiện nay, chị Ðiểu nhận may lắp ráp cho cơ sở làm túi xách mỗi đợt là 1.000 cái, trong khoảng thời gian 10 đến 12 ngày.
Giá may lắp ráp một túi xách bình quân 5.000 đồng/cái (vải và các vật liệu, chỉ may được cơ sở làm sẵn giao cho, người nhận may gia công chỉ ngồi may ráp lại). May lắp ráp cho một túi xách qua rất nhiều công đoạn, nhận hàng xong, chị Ðiểu giao chị các chị em khác may những công đoạn khác nhau.
Nhận may gia công hưởng công theo sản phẩm. Nếu chị em nào gia đình rảnh rỗi, may giỏi và ngồi may suốt thì mỗi ngày thu nhập cũng được 200.000 đồng. Chị nào vừa may, vừa lo việc nhà cũng có thu nhập từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.
Ngoài ra, cũng có vài chị đi làm công nhân, tranh thủ nhận may gia công vào ban đêm để có thêm thu nhập.
Nhờ nhận đồ may gia công tại nhà mà gia đình chị Lưu Thị Ðiểu và một số hộ chị em khác có cuộc sống ổn định. Chị Nguyễn Thị Thuý cho biết, chị Ðiểu là hội viên Phụ nữ siêng năng lao động, biết tính toán, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Không chỉ ổn định được cuộc sống gia đình, mà từ nghề may gia công, chị Ðiểu còn giúp cho một số chị em khác có thêm thu nhập. Nhờ vậy, chị Ðiểu cùng một số chị em khác có điều kiện đóng góp, tham gia các cuộc vận động do Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương tổ chức, phát động.
N.H