Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ổn định thị trường lúa gạo, không khan hàng, sốt giá
Thứ ba: 23:09 ngày 29/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo

Nông dân thu hoạch lúa.

Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Lạc quan thị trường lúa gạo

Ông Đỗ Văn Mẫn- Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã DVNN An Điền, ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết, giá lúa vụ Hè Thu năm 2023 tăng cao, tăng gần 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2022-2023. Cụ thể, giá lúa OM 5451 khoảng 7.600 đồng/kg, OM 1352 (trung vụ), các loại lúa thơm như Đài Thơm 8 khoảng 8.000 đồng/kg.

Giá lúa tăng cao mang lại lợi nhuận, tăng thêm thu nhập cho HTX và các thành viên, tuy nhiên, phần nào cũng ảnh hưởng đến việc thu mua. Vì giá lúa bên ngoài tăng cao nên HTX phải cạnh tranh về giá với thương lái, do đó, việc thu mua theo giá đã ký hợp đồng từ trước cũng bị ảnh hưởng. “Hiện có các doanh nghiệp khác liên hệ với HTX để thu mua với số lượng lớn, đa phần là các thương lái từ miền Tây, thu mua vận chuyển bằng đường tàu”- ông Mẫn nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam trong năm 2023 tương đối ổn định, cụ thể tại Tây Ninh, diện tích sản xuất vụ lúa Hè Thu khoảng 46.700 ha, đạt 103,7% so kế hoạch vụ và giảm nhẹ (1%) so cùng kỳ, năng suất trung bình ước đạt 55,2 tạ/ha và tổng sản lượng lúa cả vụ ước đạt gần 258.000 tấn. Sản lượng này đủ cung cấp lương thực cho dân số toàn tỉnh trong 6 tháng và còn dư khoảng 50% để tiêu thụ ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, do nhu cầu gạo trên thế giới tăng nên giá lúa gạo tại nước ta cũng tăng theo. Giá lúa tại ruộng trung bình khoảng 6.600 đồng/kg, tăng trên 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022, với năng suất bình quân một vụ 5,5 tấn/ha, người dân thu được từ 5,5 triệu đồng - 7 triệu đồng/ha, đó là một tin vui đối với nông dân. Tuy nhiên, nếu so với các cây trồng khác vẫn là thấp, với giá tốt như hiện nay, người dân lãi chưa đến 20 triệu đồng/vụ, trước đây có thể lãi chỉ hơn 10 triệu đồng/vụ.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng EL Nino gây ra khô hạn, một số nước tăng cường tích trữ lúa gạo, trong khi lượng xuất khẩu gạo của một số nước sản xuất lớn như Ấn Độ và Thái Lan giảm, làm giá có tăng so với năm 2022.

Đây là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu gạo, do đó các doanh nghiệp trong nước tranh thủ thu mua, tuy nhiên phần lớn diện tích đã thu hoạch, diện tích lúa còn trên đồng không nhiều, giá lúa khả năng còn tăng nhưng sẽ không quá cao.

“Hiện nay, Việt Nam sản xuất gấp 4 lần số tiêu thụ trong nước, chắc chắn không lo thiếu lúa gạo nên bà con yên tâm, kể cả Tây Ninh là tỉnh có diện tích lúa không lớn so với miền Tây nhưng vẫn đang sản xuất gấp 1,5 lần tiêu thụ trong tỉnh. Việc tăng giá gạo trên thế giới được dự báo là không dài hạn, vẫn cao hơn năm ngoái nhưng chênh lệch không nhiều”- ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Chưa phát hiện đầu cơ, găm giá bất hợp lý

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp phối hợp ngành Công Thương, chính quyền địa phương thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, nắm bắt thị trường... để có những thông tin chính xác nhằm thông tin đến người dân, không để hoang mang dư luận, chẳng hạn như tình hình sản xuất vụ lúa vừa qua; sản lượng, năng suất so với nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu...

Theo ghi nhận của ngành, đến nay, ngoài việc giá lúa có tăng, còn lại cơ bản thị trường ổn định và đến thời điểm hiện tại, ngành chưa phát hiện trường hợp nào găm hàng, đầu cơ, tích trữ hoặc đẩy giá; nếu có phát hiện, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp các cơ quan khác để có giải pháp xử lý.

Theo siêu thị Co.opMart Tây Ninh, gạo là một trong 9 nhóm hàng hệ thống Co.opmart nói chung và Co.opmart Tây Ninh nói riêng thực hiện bình ổn theo chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Hệ thống Co.opmart đăng ký bình ổn 2 mặt hàng gạo: gạo trắng thường và gạo trắng thơm; tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng tết năm 2024.

Hiện tại, nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị của hệ thống Co.opmart vẫn ổn định. Trong thời gian tới, dù thị trường có biến động, hệ thống Co.opmart và các nhà cung cấp vẫn phối hợp giữ và giảm giá để thiết thực chia sẻ cùng người tiêu dùng. Việc ổn định giá này hoàn toàn khả thi vì hệ thống Co.opmart có kinh nghiệm nhiều năm bình ổn giá cả, có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.

Hệ thống Co.opmart đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Giá được thu mua từ nguồn kết hợp, thêm khai thác hiệu quả mạng lưới phân phối hơn 800 điểm bán trên toàn quốc nên giá gạo của hệ thống Co.opmart được giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Các Co.opmart, Co.opXtra thường xuyên tổ chức chương trình bán hàng lưu động, đây cũng là hình thức phản ứng nhanh nếu thị trường có biến động sốt giá cục bộ.

Không ảnh hưởng đến an ninh lương thực

Sở NN&PTNT đã có kế hoạch sản xuất cây trồng năm 2023, đến nay sản xuất bảo đảm tiến độ, đối với cây lúa bảo đảm diện tích gieo trồng 135.000 ha/năm (giảm so với năm 2022 khoảng 0,8%). Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, diện tích đất lúa được Trung ương quản lý và địa phương phải duy trì số lượng đất lúa theo đúng quy định.

Việc chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác phải xin phép và rất hạn chế. Tuy nhiên, vì cây lúa không đem lại thu nhập cao nên có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, kể cả vật nuôi. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thống kê là đất trồng lúa. Bên cạnh đó, không được làm hư hỏng hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề...

Được biết, các huyện đã đăng ký kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh năm 2023 là 2.211 ha, tuy nhiên, chuyển đổi chủ yếu trên đất lúa 1 vụ và không gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa khác và thực hiện thủ tục đăng ký chuyển đổi tại cấp xã; địa phương phải xem xét tình hình quy hoạch cây trồng và đất chuyên trồng lúa phải nghiêm ngặt bảo vệ theo quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm an ninh lương thực.

Hiện nay, thị trường thế giới cũng như trong nước càng ngày càng ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao, do đó, người sản xuất phải hướng tới những giống lúa có năng suất và chất lượng tốt, như ST24, ST25... thay vì những giống năng suất cao nhưng chất lượng không cao.

Ngoài ra, cần phải chú ý chế độ chăm sóc đặc biệt hài hoà giữa các loại dinh dưỡng, có chất hữu cơ, chất vô cơ và không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng liều, đúng lượng và có khoảng cách an toàn cho tới ngày thu hoạch để không có dư lượng chất độc hại; áp dụng giải pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), điều tiết nước theo phương pháp ướt khô xen kẽ; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc...

Có một thực trạng là khi giá nông sản tăng cao hoặc giảm mạnh, hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp có nguy cơ bị phá vỡ. Do đó, để duy trì chuỗi liên kết bền vững là một thử thách không nhỏ. Khi ký hợp đồng liên kết, giữa hai bên sẽ có một mức giá kỳ vọng.

Mức giá này vào thời điểm năm trước có thể là giá tốt nhưng năm nay giá thị trường lại tăng, người dân không muốn bán với giá đã ký và tìm cách đẩy nông sản ra ngoài, phá vỡ hợp đồng hoặc bán nhỏ giọt, cầm chừng cho đơn vị ký hợp đồng. Ngược lại, chẳng may khi giá của loại nông sản đó rớt xuống, công ty thu mua lại tìm cách hạn chế mua, đánh rớt loại, trù trừ, chậm chạp trong vấn đề mua, bỏ rơi nông dân...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết: “Phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký và có chế tài về pháp luật, phải đền bù nếu không thực hiện đúng hợp đồng. Nhưng mặt khác hợp đồng phải linh hoạt, khi giá xuống nên có một mức độ điều chỉnh nhất định để công ty đỡ lỗ; ngược lại khi giá lên, công ty cũng phải điều chỉnh ở một mức độ nào đó, không phải chạy theo thị trường, để nông dân cảm thấy hài lòng và tiếp tục hợp tác lâu dài. Do đó, cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi ký hợp đồng và phải chặt chẽ”.

Nhi Trần  - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục