BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông “Chín khùng”

Cập nhật ngày: 31/08/2009 - 06:24

Vợ chồng ông Chín Lực.

Ông là Chín Lực nhưng được gán biệt danh “Chín khùng” sau lần giúp hai mẹ con có hoàn cảnh “hết mức nghèo khổ” bằng 4mx10m đất với giá tượng trưng 10 triệu đồng.

“Giá đất ở đây bây giờ khoảng 7- 8 triệu đồng/m (ngang). Tui không giàu có gì, gia đình cũng trong chuẩn hộ nghèo địa phương cả chục năm, con cái cũng nhiều. Nhưng tui nghĩ lá rách ít đùm lá rách nhiều, vợ tui cũng đồng ý như vậy nên khi biết Hội Chữ thập đỏ xã cần mua đất cất nhà cho bà ấy thì tui ủng hộ liền. Mà cô biết đó, người nghèo mình kiếm từng đồng từng cắc, mà tự dưng tui bỏ rớt mấy chục triệu, hỏi sao người ta không nói… khùng? Mà 10 triệu đồng đó, tui có xài trọn vẹn đâu, chi phí sang tên làm giấy đỏ giùm bà ấy, rồi bây giờ điện, nước hằng tháng của gia đình bà ấy cũng xài chung với bên tui. Bởi vậy người ta gọi tui là khùng, tui đâu có cãi …”.

Người đàn ông da ngăm đen, dáng thâm thấp vừa phân chia các loại thuốc nam vào từng túi xốp vừa trò chuyện với tôi. Ông là Trần Văn Lực (1953) nhà ở ấp Trường Đức, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành. Ông là “mạnh thường quân” của bà Hai Chậm (một bà già nghèo với cảnh mẹ yếu, con mù loà, sống bằng nghề đan mê bồ, thu nhập không hơn 10.000 đồng/ngày, Báo TN đã từng đề cập) qua việc nhượng lại miếng đất 40m2 theo kiểu vừa bán vừa cho (trong khi trị giá thực tế của miếng đất gần ba mươi triệu đồng).

Sau khi các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm giúp bà Hai Chậm có được căn nhà coi như bà đã “yên bề gia thất”. Nhưng với ông Chín Lực, nào phải bán đất là xong xuôi mọi chuyện. Bây giờ bà Hai Chậm sống trong “cuộc đất” nhà ông, chỗ ở coi như tạm yên nhưng cảnh mẹ yếu, con đau, thu nhập không ổn định… mọi sự gia đình ông Chín đều phải “dòm ngó chút đỉnh”. Là ông nói “chút đỉnh” nhưng nhìn việc thì không ít chút nào. Những bó nan của con bà Hai gửi bên nhà ông, căn nhà của bà ở phía sau nhà ông, trên giấy tờ là vậy nhưng làm sao ra vô nếu không có đường đi? Vậy là khoảng đất 2m x 20m làm con đường đi ấy, ông Chín phải dọn dẹp gọn sạch để mẹ con bà không phải vướng víu tay chân khi ra vào. Khoảng đất làm con đường đi đã làm mất một khoản thu nhập kha khá của gia đình ông Chín. Nếu không phải làm đường, ông có thể trồng tre bát độ, cho măng quanh năm, lá tre bán cho một cơ sở thu mua khá là có giá.

“Nhưng tui không quan trọng chuyện đó đâu cô, trời thương mình, cho mình sức khoẻ là mình làm được nhiều việc lắm. Bao nhiêu đó có đáng gì. Đời còn biết bao nhiêu người tốt hơn mình nữa mà”.

Nhưng khi tôi hỏi ông có buồn giận khi người ta gọi là “khùng” không”? Ông bảo “Không hề gì, phải chi có nhiều người khùng như mình nữa thì sẽ tốt cho xã hội lắm”.

Trước khi chào ông ra về, tôi còn biết ông là một lương y khá mát tay của tổ đông y (Trạm y tế xã Trường Đông). Và gia đình ông vừa “xoá chuẩn nghèo” trong năm 2009 nhờ mấy người con “gồng mình” bỏ vách đất, xây tường, những mảng tường còn mới tinh, ướt nhoẹt.

THUỲ TRANG