BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông chủ trẻ và những chiếc xe “không đụng hàng”

Cập nhật ngày: 13/04/2015 - 06:57

Anh Hiển với chiếc ô tô vượt địa hình tự làm.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hiển đi học nghề lái xe ô tô. Gia đình có 25 ha cao su ở Suối Ông Đình (xã Trà Vong, huyện Tân Biên), hằng ngày lên thăm vườn cao su, thấy việc đi lại trong vườn cây khá vất vả, khó khăn, Hiển nghĩ: tại sao mình không… chế ra một chiếc xe ô tô để làm phương tiện đi lại trong vườn cho đỡ mệt?

Nghĩ là làm, anh thanh niên thích sáng tạo đem những hiểu biết từ nghề lái ô tô đưa vào kế hoạch thực hiện ý tưởng của mình. Anh mua giấy croquis về trải ra nền gạch, bắt đầu thiết kễ mẫu mã chiếc xe. Vẽ xong khung sườn, anh mua 9 cây sắt ống, mỗi cây dài 6m, đường kính 27mm, đem thuê cắt, hàn theo mẫu.

Rồi dùng bánh xe ô tô loại 4 chỗ ráp vào, dùng 6 ống phuộc của xe gắn máy chế bộ giảm xóc (có cải tiến lại), lắp theo dạng cánh dơi tạo sự vững chắc để xe không bị lật khi di chuyển qua những đoạn đường gồ ghề. Hệ thống phanh đĩa thuỷ lực với dây dẫn dầu được cố định vào khung xe gọn gàng. Xe sử dụng động cơ xe gắn máy nhãn hiệu FX.

Việc khó khăn nhất là chế tạo hộp số lùi cho xe. Hiển bỏ công lùng sục các tiệm bán đồ phụ tùng xe gắn máy, tìm mua nhiều bộ số cũ. Về nhà, mày mò ròng rã hai đêm rồi anh cũng chế được hộp số, gồm 4 số tiến, 1 số lùi.

Sau gần ba tháng tốn công tốn sức, cuối cùng “công trình kỹ thuật” của Hiển đã hoàn thành. Chiếc ô tô vượt địa hình của anh có trọng lượng khoảng 300kg, tổng chi phí hơn 40 triệu đồng. Xe có tốc độ di chuyển tối đa gần 50km/giờ.

Chiếc xe tự chế được Hiển sử dụng trong những lúc cần di chuyển trong vườn cao su của gia đình. Gần một năm nay, từ khi mở quán cà phê Boy, anh Hiển đem chiếc xe “cục cưng” của mình về trưng bày tại quán.

Ngoài việc chế tạo xe ô tô vượt địa hình để tự phục vụ sản xuất, anh Hiển còn cho “ra lò” 4 chiếc xe khác cũng thuộc loại… không đụng hàng, không đâu có ở Việt Nam. Trong số đó, “tác phẩm” được nhiều người thích nhất là chiếc xe đạp điện bánh to.

Để làm được chiếc xe “độc” này, Hiển phải sang tận Campuchia tìm mua cho được hai bánh xe đạp thể thao chuyên dùng chạy trên tuyết, bãi biển. Sau đó, anh mua ống sắt thiết kế một mẫu sườn xe độc, lạ, phù hợp với kích cỡ của hai bánh xe nói trên.

Lại còn phải chế tạo thêm một hệ thống vận hành bằng điện. Để tiết kiệm chi phí và giảm trọng lượng xe, Hiển không dùng loại bình xe đạp điện thông thường, mà anh mua pin sạc đem về chế tạo bộ phận tích điện.

Sau mỗi lần sạc pin, chiếc xe đạp điện của anh có thể di chuyển được hơn 40km, vận tốc cao nhất là hơn 20km/giờ. Xe có đồng hồ báo pin, để người sử dụng biết khi nào cần sạc điện.

Nếu như đang lưu thông trên đường mà hết điện, không có chỗ sạc bình thì người điều khiển vẫn có thể tự đạp xe đi tiếp như với xe đạp thông thường. Tôi đã chạy thử chiếc xe đạp điện của anh Hiển một đoạn, thấy xe chạy êm và nhẹ đến không ngờ.

Anh Hiển cho biết: “Hiện có một ông chủ khu resort ở bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) đặt hàng tôi làm 5 chiếc xe đạp điện có kiểu dáng tương tự để cho du khách nước ngoài thuê chạy chơi, nhưng vì tôi chưa có thời gian sang Campuchia tìm mua phụ tùng nên vẫn chưa làm được”.

Chiếc xe đạp điện bánh to được nhiều người ưa thích.

Hiển vẫn còn có 3 chiếc xe “độc chiêu” khác, đó là hai chiếc xe đạp điện với kiểu dáng lạ mắt và một chiếc xe gắn máy sử dụng động cơ máy cắt cỏ. Hiện tại hai chiếc xe đạp điện đang được trưng bày trong quán cà phê của anh, còn chiếc xe gắn máy đã bán cho một ông chủ khu resort ở bãi biển Quy Nhơn.

Hiển chia sẻ: “Tôi còn đang ấp ủ các ý tưởng chế tạo xe, chỉ vì bận bịu công việc buôn bán nên chưa thực hiện được”.

Anh chỉ cho tôi xem phía sau quán của anh còn một phần đất trống khá rộng, anh nói nếu các mẫu xe của anh được thị trường chấp nhận và có người đặt hàng với số lượng nhiều, anh sẽ xây dựng tại đây một xưởng sản xuất “xe độc” để cung cấp cho thị trường, vừa có thu nhập vừa được thoả mãn niềm đam mê sáng tạo của mình. 

Đại Dương