Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ông đồ thời @
Thứ hai: 06:04 ngày 18/02/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ba năm qua, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, ông đều bày mực tàu giấy đỏ ra chiếu, cũng áo dài khăn đống y hệt “cụ đồ thứ thiệt” hồi xửa hồi xưa, say sưa thảo từng nét chữ để tặng cho quan khách và các bạn bè văn nghệ đến tham dự Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở tình nhà.

(BTN)- Ba năm qua, cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu, ông đều bày mực tàu giấy đỏ ra chiếu, cũng áo dài khăn đống y hệt  “cụ đồ thứ thiệt” hồi xửa hồi xưa, say sưa thảo từng nét chữ để tặng cho quan khách và các bạn bè văn nghệ đến tham dự Ngày thơ Việt Nam do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức ngay trong khuôn viên trụ sở Hội. Không dám nhận mình là người văn hay chữ tốt như một ông đồ đúng nghĩa, nhưng vì đam mê nghệ thuật thư pháp, ông đã cố công luyện tập để trình làng những bức thư pháp cho thoả chí đam mê của mình. Bạn bè giới văn nghệ sĩ trong tỉnh đã vui miệng đặt cho ông biệt danh là “ông đồ thời @”. Ông tên là Hứa Minh Lợi, nhà ở ấp Long Khương, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành.

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Nên (áo trắng) cùng viết thư pháp với “ông đồ Lợi”

Cách nay khoảng chục năm, trong một lần tình cờ xuống thăm con gái ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Lợi ghé Nhà Văn hoá thanh niên thành phố, nơi có CLB Thư pháp quận Bình Thạnh đang sinh hoạt. Thấy mọi người say mê luyện tập, trao đổi từng nét bút, câu chữ hay, ông Lợi cũng xin viết thử vài chữ, không ngờ được nhiều người khen là đẹp. Thế là từ đó, trong nỗi lo bộn bề cuộc sống, ông Lợi dành ra khoảng thời gian nhất định để rèn chữ thư pháp, như là một cách rèn tâm tính cho mình. Những tờ giấy báo cũ, những trang giấy học trò… chỗ nào có thể phóng bút được là ông “chơi” luôn. Viết rồi xé, xé rồi lại viết. Thỉnh thoảng, ông lại đi thành phố để gặp gỡ các thành viên trong CLB Thư pháp quận Bình Thạnh, học hỏi thêm kinh nghiệm viết chữ, và cách bố cục của bức thư pháp. Không những thế, ông lên mạng internet, tìm tài liệu về nghệ thuật thư pháp để trau dồi thêm tay nghề. Để có vốn từ, vốn chữ nghĩa phong phú, ông bỏ công sưu tầm qua sách báo, qua những tờ lịch có ghi những câu ca dao, tục ngữ hay, bỏ công học thuộc để dành… xài từ từ.

Những ngày đầu đến với thú chơi đòi hỏi lắm công phu ấy, ông Lợi tập tành viết chữ bằng bút lông, bút gỗ trên đủ loại giấy: giấy dó, giấy hoa văn… Khi tay nghề đã vững hơn, ông rèn thêm cách viết bằng màu sơn lên tấm gỗ, lên hòn đá, sáo trúc… Ngoài việc dùng mực tàu đen, ông còn dùng thêm loại mực nhũ vàng, nhũ bạc. Những tác phẩm đầu tay, ông thường viết những chữ đơn giản như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, tâm, nhẫn… hay các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ngăn ngắn, đem tặng cho bạn bè, người quen. Ông cũng chú ý để trình bày sao cho bố cục của các bức thư pháp ngày càng cân đối, hài hoà hơn. Theo “ông đồ” Lợi, nguyên tắc viết thư pháp là: “Tâm bút hợp nhất. Chữ viết phải uyển chuyển, đẹp nhưng cũng phải dễ đọc…”.

“Ông đồ Lợi” viết thư pháp trong Ngày thơ Việt Nam năm Nhâm Thìn tại trụ sở Hội VH-NT Tây Ninh

Dần dần, nhiều người biết đến tay nghề thư pháp của “ông đồ thời @” đã tìm đến đặt hàng, nhờ ông viết cho những bức hoành phi nhân dịp lễ khai trương hoặc chúc thọ. Để bức thư pháp ngày càng đẹp, ngoài luyện chữ, ông Lợi tạo thêm một vài tiểu cảnh nhỏ như con sông, cánh đồng, chiếc ghe, bụi tre… để tạo điểm nhấn, sự nổi bật cho các câu chữ.

Bây giờ thì “ông đồ” Lợi đã có thể tự tin khi trình bày một bức thư pháp trước bàn dân thiên hạ. Mỗi năm khi xuân về, tết đến, ông đều chuẩn bị sẵn những bức thư pháp để làm quà tặng cho những người thân quen. “Nghề” viết thư pháp không chỉ giúp ông thoả chí đam mê mà còn đem lại cho ông chút ít thu nhập, mặc dù ông không có ý định dùng nó như “cần câu cơm” khi có người đến đặt hàng nhờ ông thực hiện các bức thư pháp theo ý muốn. Ông vui vẻ bảo: “Khi viết thư pháp thì tâm phải tịnh, phải yên để chữ viết đẹp, uyển chuyển hơn. Một bức thư pháp không chỉ để trang trí trong nhà, mà qua đó còn chuyển tải một thông điệp nào đó về đạo lý ở đời- một cách giáo dục đạo lý trực quan, sinh động, dễ thấm vào lòng người”. 

Ở Tây Ninh hiện nay, số người đam mê nghệ thuật viết thư pháp như “ông đồ” Lợi còn rất ít. Nhưng người yêu thích môn này thì nhiều.

K.N

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục