Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ông giáo già, bầy chim và con mèo tam thể
Chủ nhật: 20:28 ngày 21/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con gái, con trai đã yên bề gia thất cả rồi. Nhà chỉ còn hai ông bà già lọ mọ sống với nhau trong căn nhà cấp bốn. Tuổi căn nhà cũng xêm xêm với tuổi ông bà. Vài năm trước, mấy đứa dâu rể gái trai bàn nhau làm lại nhà cho bố mẹ, ông gạt đi:

- Chúng tao đã trong ngoài tám chục rồi. Sống chết mấy hồi nữa đâu. Hoàn cảnh mấy con chẳng dư dả gì, có chút ít tiền để dành nuôi các cháu ăn học.

Chuyện dừng ở đó. Cho nên bây giờ căn nhà chỉ còn cái mái tôn là nguyên vẹn, tuy sét gỉ nhưng chưa dột nát. Còn thì cửa nẻo cái long bản lề, cái hở trên, thủng dưới. Lũ chuột được thể chui ra chui vào nườm nượp như chỗ không người. Ngày ngày bà bấn loạn vì chúng nó. Gói mì tôm, củ khoai mì quên cất vào trong tủ, quay đi quay lại chỉ còn bao giấy với đống vỏ. Thậm chí đến ổ trứng đang ấp, rình lúc mái gà cục cục nhảy xuống kiếm ăn chốc nháng cũng bị lũ chuột mò đến khoắng đi vài quả nhanh như chớp. Mọi câu chuyện của bà già nói với ai cũng chỉ xoay quanh mong ước làm sao kiếm được con mèo. Cùng bức xúc với bà vợ, hỏi xin tứ phía bạn bè, rồi ông cũng có được con tam thể ôm về. Bà mừng như vớ được vàng. Chăm bẵm con miu như chăm thằng cháu ngoại, ai vô ý quẹt nhẹ chân vào nó, chịu mắng như tát nước.

Ông nghỉ nghề gõ đầu trẻ đã gần hai chục năm. Ngày còn sáng sáng bỏ vài viên phấn vào túi, thong thả đến lớp, ông thường vừa đùa vừa thật nói với các đồng nghiệp:

- Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng nói dạy lớp bét như mình là nửa ngày phải sống với tụi ăng phăng tanh (enfentine - trẻ con). Đứa nào cũng tanh lờm mũi dãi.

Nói cho phải nhẽ, học trò nhỏ bây giờ sạch sẽ hơn nhiều lứa học trò thời cụ giáo Hoan. Nhưng cái tinh ranh nhất quỷ nhì ma thì trò thời ấy phải gọi trò thời nay bằng cụ. Vậy mà tới tuổi nghỉ hưu, phải xa lũ quỷ con ấy, ông bần thần thương nhớ không nguôi. Mãi đến khi tình cờ ông phát hiện ra mình còn tiềm ẩn một khả năng thiên phú là viết văn, làm thơ, ông lao vào sáng tác chẳng kể ngày đêm nên mới tạm nguôi ngoai đôi phần nỗi nhớ cái lũ ăng phăng tanh đáng yêu của mình.

  Từ ngày được đăng mấy bài trên trang cuối tuần của tờ báo tỉnh, đọc kỹ thơ, văn bạn, ông nhận ra thơ mình còn nông cạn, còn kém xa họ về sâu xa ý tứ. Biết vậy rồi, nhưng viết được như người ta, ông thấy khó quá. Có được một ý thơ ám ảnh, tìm được tứ thơ độc đáo, ngôn ngữ mới mẻ, ông phải trằn trọc nhiều giờ trong đêm, thở dài, thở ngắn. Còn ban ngày ông thường thơ thẩn trong vườn tay chắp sau lưng, nghểnh chòm râu bạc nhìn mây bay, nhìn cây lá cả buổi, mong săn tìm cảm hứng cho bài viết mới. Nhiều lần quan sát như vậy, ông lại phát hiện ra một cái thú tuyệt trần là được nghe chim hót. Trong khu vườn nhà ông sao mà có nhiều loài chim trú ngụ vậy. Hình như mỗi một cây là một ngôi nhà riêng của một cặp vợ chồng suốt ngày líu líu lo lo, cứ như chỉ bọn chúng mới biết yêu nhau hơn hết thảy mọi loài. Cây mận cao nhất vườn là giang sơn của một bầy chào mào độc chiếm. Giống chào mào thích ăn trái chín, mùa này trên cành đang treo trìu trĩu những chùm mận mọng đỏ, hầu như suốt sáng đến chiều không lúc nào vắng bóng những anh chàng đỏm dáng đội trên đầu chiếc mũ nhung đen mượt ríu rít cùng những cô nàng trang điểm rực rỡ hai túm lông đỏ thắm hai bên má nhảy nhót liên hồi. Thấp hơn một chút, một hàng mấy cây mãng cầu chen lá chen cành, mấy cây hồng xiêm tàn xanh đậm bóng như quét mỡ, thế giới riêng của của những chú chim khuyên vàng óng suốt ngày lắt nhắt nhảy nhót từ cành nọ sang cành kia. Chuyên cần hơn cả là những cặp chim sẻ luôn nghiêng ngó hai con mắt nhỏ tí đen láy săm soi tìm bắt những chú sâu non ngọ ngoạy cái bụng trong suốt màu ngọc bích trong kẽ lá. Thi thoảng một chú chìa vôi ức trắng, chổng ngược lông đuôi đen kịt vỗ cánh sà xuống đậu vào chót vót ngọn măng tầm vông đu đưa theo gió. Chưa yên vị, chú ta đã há mỏ run run cất lên từng hồi dài tờ ruýt… chuýt chuýt trong vắt gọi bạn tình. Như là chấp hành một hiệu lệnh, khắp mọi lùm cây đang im lìm bỗng đồng loạt vang lên khúc thanh âm du dương của mọi loài chim cùng trổ tài hoà tấu. Được thở hít no nê hương thơm vườn tược, được bồng bềnh mơ màng bay theo từng làn sóng nhạc chim êm ái từng ngày, ông thầm nghĩ mình thực sự là vua, thực sự hạnh phúc trong vương quốc hạnh phúc của mình. Những lúc như vậy, sợ kinh động thần dân, ông không dám thở mạnh, rón rén lui về góc khuất vườn, ngồi lên tấm ngai là một đoạn cây tròn cưa phẳng hai đầu. Rồi cứ vậy, hàng giờ ông im lặng vểnh tai nghe, mắt chăm chú nhìn vợ chồng chim sẻ bận rộn tha mồi về nuôi đàn con trong chiếc tổ cách đầu ông một với tay. May mà mấy thằng cháu đang tuổi thích chim thích bướm không ở chung với ông bà, không thì… nghĩ vậy, ông lạnh toát sống lưng. Chim sẽ là cái loài quá vô tư, thiếu cảnh giác. Ông không hiểu nổi làm sao chúng lại hớ hênh dại dột thế. Chúng có biết ngoài ông, khu vườn này còn lẩn quất một con mèo ranh khôn ông mới mang về không?

Từ cái buổi ông nhìn thấy cái lưng con mèo óng ánh ba màu lông trườn êm như rắn với túm đuôi ngó ngoáy đầy chủ ý trong bụi cỏ cuối vườn, lòng ông luôn cảm thấy bất an như ngồi trên chiếc ghế gãy một chân. Ông biết lũ chim của ông ngây thơ khờ dại quá mà con mèo thì đang sức lớn nhanh như thổi. Nó ranh mãnh, nhanh nhẹn như vậy, đến lũ chuột tinh khôn thế nào còn làm mồi cho nó hằng ngày nữa là. Tiếng hót êm ái dịu dàng thì làm sao chống lại được với móng sắc và hàm răng nhọn hoắt. Cứu được vườn chim lúc này chỉ có mình ông. Ông biết vậy, nhưng đập chết con mèo thì ông có khác chi cầm thú. Từ bản chất, ông không nỡ ra tay tàn ác thế. Vả lại ông biết nó không có tội. Giết chóc là lý do sinh tồn của nó. Đem cho nó đi thì tự đáy lòng ông không thể chịu nổi nỗi thất vọng cùng những tiếng kêu tiếc của đến đứt ruột của bà. Vậy nên ông đành cam chịu, âm thầm dành nhiều thời gian có mặt trong vườn. Mỗi khi trong nhà không nghe thấy tiếng meo meo hay vắng cái bóng dáng mỹ miều của con mèo tam thể là ông lại lập cập chạy vội ra vườn, có bận chân chẳng kịp xỏ vào đôi dép. Cảnh giác cao độ vậy mà một sáng tinh mơ ông phải thẫn thờ bắt gặp những chiếc lông nâu nâu của đôi con chim sẻ bố mẹ đang nuôi con phơi trên mặt cỏ. Còn con mèo thì điềm nhiên ngồi gần đấy liếm mép một cách đầy thoả mãn. Bây giờ thì nỗi lo lắng thường trực của ông không còn là dự cảm, không còn là bóng ma nữa. Nó đã là một tai hoạ thực sự hằng ngày đổ lên đầu vương quốc thanh bình hạnh phúc của các thần dân chim dịu dàng xinh đẹp mất rồi. Tuổi ông đã già, hai mươi bốn tiếng đồng hồ hằng ngày ông không đủ sức dành trọn cho công việc tuần tra bảo vệ thiêng liêng cao cả ấy. Đau đớn vì bất lực mà không thể chia sẻ gánh vác với ai, ông chỉ biết đợi mỗi đêm khuya biết chắc con tam thể hung thủ mỹ miều xinh đẹp đã ngủ yên bên cạnh bà vợ già, ông mới dám lần đến chiếc bàn luôn cọt kẹt tiếng mọt, dốc hết tâm tư gửi vào trang viết. Nhiều bài đăng báo rồi ông lại thêm thắc thỏm liệu có được đông đảo bạn đọc thực sự cùng cảm xúc?

Nửa đêm qua nhận được tin người bạn đồng nghiệp đang hấp hối, mới sớm tinh mơ ông phải tất tả ra đi. Không yên lòng, tới cổng ông ngoái cổ dặn dò:

- Bà nhốt con mèo tới khi tôi về hãy thả.

Thì nhận được lời bà bốp chát:

- Ôi dà! Nhiễu sự. Ăn chuột chán cũng phải cho nó đổi món một tí chứ.

Ông thẫn thờ bước đi. Đường làng còn thưa thớt bóng người. Sương sớm nay mờ mịt quá. Quẩn bước chân ông không phải là sương nữa mà là sữa loãng. Có cảm tưởng nó làm cho ông khó thở. Có thể do khí lạnh. Mà cũng có thể do lúc ấy văng vẳng bên tai ông một tràng tiếng con chim gì xa xa yếu ớt cất lên giọng hót trong veo tan vèo theo gió.

Đích đến của ông trong buổi sáng nay là cuộc chia ly vĩnh viễn với người bạn đã cùng ông mười mấy năm cùng dạy học ở một trường tiểu học. Nghĩ đến điểm cuối cùng của đường về, có thể ông phải đối diện với khu vườn hôm qua còn véo von chim hót, mà chiều nay đã tan tác trong cuộc càn quét của con mèo, bất giác ông rùng mình lo sợ. Tự nhiên, từ sống lưng rêu rã, ông cảm thấy toát ra một cơn lạnh từ trong lục phủ ngũ tạng tràn ra tận tứ chi. Tiết trời hôm nay chưa hẳn đã sang thu. Tuổi ngoại tám mươi rồi. Có lẽ ông thực sự già lão mất rồi.

V.T.K

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục