BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông Hai Hùng làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 24/10/2010 - 10:33

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) tôi đến thăm gia đình anh Đặng Văn Hùng (còn gọi Hai Hùng) ngụ ấp Thanh Xuân.

Ông Hai Hùng (ảnh) sinh năm 1945 ở Trảng Bàng. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Sau năm 1986, anh giải ngũ trở về quê nhà ở xã Lộc Hưng với nhiều vết thương trên mình. Được công nhận là thương binh nhưng ông Hai Hùng luôn tâm niệm: còn sống trở về với gia đình đã là may mắn, phải làm việc gì đó có ích để “báo ân” cuộc đời.

Khi ra ở riêng, vợ chồng ông Hai Hùng chỉ có mỗi căn nhà tranh xiêu vẹo, không đất, không vườn để sản xuất. Cuộc sống sau luỹ tre làng “con trâu đi trước, cái cày theo sau” khiến ông luôn trăn trở, phải làm cách nào để thoát được cảnh nghèo khó. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định cùng vợ bồng bế đứa con nhỏ lên lập nghiệp tại ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên vào đầu năm 1990.

Để có đất sản xuất, ông Hai Hùng bàn với vợ bán đôi bông cưới mua 1,8 ha đất rẫy, trồng mì, mía. Kinh nghiệm sản xuất chưa có, lại có thêm con nhỏ, quãng thời gian từ cuối năm 1990 đến năm 2000, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn, ông Hai Hùng phải làm thêm nhiều nghề để kiếm sống như: làm cỏ, bốc vác mướn để kiếm gạo nuôi con. Vậy mà cái nghèo, cái khó vẫn chưa chịu buông tha.

Thấy vùng đất Mỏ Công phù hợp với các loại cây trồng như mía, mì, cao su... ông Hai Hùng liền nhờ bạn bè, đồng đội xưa giới thiệu thuê đất của Xí nghiệp 22.12 (thuộc Tỉnh đội Tây Ninh) để trồng mì, mía, đồng thời ký hợp đồng trồng mía với Nhà máy đường Bourbon. Công việc làm ăn khá trôi chảy, gia đình ông khấm khá lên dần. Qua nhiều năm tích luỹ, ông mua thêm đất, rồi mượn vốn của người thân, bạn bè đầu tư chuyên canh cây mía. Nhờ lao động cần cù, cuộc sống gia đình ông Hai Hùng giờ đã thật sự lột xác, đổi đời. Ông đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, mua được 4 chiếc máy cày loại lớn để phục vụ cày, xới cho hơn 40 ha đất mía, mì, cao su (trong đó có khoảng 30 ha cao su đang khai thác mủ). Ông cũng đã sắm được xe du lịch 7 chỗ ngồi, con cái đều được học hành đến nơi đến chốn.

Khi cuộc sống đã đủ đầy, dư dả, vợ chồng ông Hai Hùng đều có chung suy nghĩ là nên chia sẻ bớt khó khăn với địa phương, với những bà con nông dân nghèo cùng xóm, ấp mình. Suy nghĩ đó thôi thúc ông bỏ tiền ra tu bổ, nâng cấp lại đường đi trong ấp. (Từ năm 2003 đến 2008, ông đã tự nguyện nâng cấp, mở rộng được 7km đường giao thông nông thôn). Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hơn 70 lao động tại địa phương (gồm công khai thác mủ cao su, chăm sóc mì, mía). Với tấm lòng “tương thân, tương ái”, gia đình ông Hai Hùng cũng đã ủng hộ cho quỹ “Vì người nghèo” của xã xây tặng 2 căn nhà đại đoàn kết trị giá 40 triệu đồng; mỗi năm tặng quà và học bổng cho học sinh nghèo trong xã khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, ông Hai Hùng còn hỗ trợ phí hoạt động và các trang thiết bị cho văn phòng ban quản lý ấp, đội tuần tra nhân dân ấp Thanh Xuân.

Thu nhập của gia đình ông Hai Hùng so với nhiều hộ giàu có khác ở Tân Biên chưa phải là cao nhất nhưng đối với những nông dân vốn xuất thân từ nghèo khó như ông thì đó chính là một sự đổi thay “kỳ diệu”, đáng để nhiều người mơ ước.

Ông Hai Hùng đã được bầu tham dự hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến qua 3 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2010.

PHẠM VĂN MÓC

(Hội Nông dân Việt Nam huyện Tân Biên)