BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông Kofi Annan được bổ nhiệm làm đặc sứ của LHQ tại Syria

Cập nhật ngày: 24/02/2012 - 01:01

Hôm 24.2, Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập (AL) đã thống nhất việc bổ nhiệm ông Kofi Annan – cựu Tổng thư ký LHQ đảm nhận vai trò đồng đặc sứ ở Syria. Quyết định này được công bố trong một cuộc họp báo chung giữa Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Chủ tịch AL Nabil El-Araby ngay vào thời điểm đại diện hơn 50 quốc gia đang nhóm họp tại Tunisia để tìm biện pháp hỗ trợ phe đối lập tại Syria, gây sức ép buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức.

Phát biểu ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Kofi Annan – người từng đoạt giải Nobel Hoà bình năm 2011 hy vọng sẽ có được sự hợp tác đầy đủ của tất cả các bên liên quan, “cùng chung tay góp sức với LHQ và AL nỗ lực chấm dứt bạo lực, tình trạng vi phạm nhân quyền và tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria”. Không chỉ là cựu Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan còn được cộng đồng quốc tế đánh giá khá cao trong vai trò trung gian đàm phán, đặc biệt là trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chia sẻ quyền lực tại Kenya hồi năm 2008.

Các tay súng phiến quân thuộc “Quân đội Tự do Syria” tại Idlib, Tây Bắc Syria

Ngay sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết chống Syria tại Hội đồng Bảo an, Liên đoàn Ả-rập cùng các nước phương Tây tiếp tục vận động Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bản dự thảo nghị quyết việc chính phủ Syria trấn áp phe đối lập và kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Nga và Trung Quốc cho rằng, nghị quyết của Đại hội đồng LHQ, dù chỉ mang tính chính trị, nhưng phản ánh sự thiên vị và không công bằng đối với tình hình thực tế tại Syria.

Hôm 23.2, một uỷ ban của LHQ cũng đã gởi bản danh sách các quan chức chính phủ và quân đội Syria tình nghi phạm tội ác chống nhân loại cho bà Navi Pillay – uỷ viên đặc trách nhân quyền của LHQ. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Ả-rập Al Jazeera, bà Navi Pillay cho biết, bản danh sách trên, đứng đầu là Tổng thống Syria Assad có thể sẽ được đệ trình lên Toà án xét xử tội phạm chiến tranh quốc tế ICC để tiến hành điều tra. Đây là những động thái đã từng được áp dụng đối với cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi.

Trong khi đó tại Tunisia, đại diện hơn 50 quốc gia tham dự Hội nghị “Những người bạn của Syria” vẫn chưa thống nhất được đề xuất của các nước AL và phương Tây về việc hỗ trợ trang bị vũ khí cho phe đối lập – một động thái có thể đẩy Syria rơi vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, rất có khả năng Hội nghị sẽ đưa ra lời kêu gọi quân đội chính quyền Damascus ngừng bắn để cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở những khu vực đang xảy ra chiến sự. Các nhà ngoại giao cũng khẳng định, chính quyền Damascus sẽ đối mặt với việc gia tăng các biện pháp cấm vận nếu từ chối thực hiện những yêu cầu trên.

Cũng tại hội nghị, hai phe đối lập là Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) và Uỷ ban hợp tác dân tộc Syria (NCC) đã thể hiện rõ sự bất đồng và chia rẽ. NCC là nhóm đối lập trong nước kêu gọi đàm phán hoà bình với chính quyền Damascus nhưng đã vấp phải sự chỉ trích của “các thế lực” muốn lật đổ Tổng thống Assad. Trong khi SNC - do các “chính khách” lưu vong thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ - từ chối đàm phán lại được Mỹ và các nước phương Tây công khai ủng hộ. Cũng chính nhóm này đã tổ chức họp báo tại Paris (Pháp) kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự vào Syria, điều mà NCC cực lực phản đối.

Phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera, Zeina Khodr có mặt tại Tunisia cho biết, phe đối lập yêu cầu thiết lập một “tuyến đường an toàn” cho phép hàng hoá viện trợ nhân đạo đến được các thành phố đang bị quân đội chính phủ bao vây như Homs. Tuy nhiên, không rõ đề nghị có được đưa vào nghị quyết cuối cùng của hội nghị hay không vì vấn đề này cần phải có sự phê chuẩn của chính phủ Syria, và hơn nữa cũng cần có sự thông qua của Nga mới đủ điều kiện để LHQ phê chuẩn.  

Đ.H.T

Theo Al Jazeera