Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tân Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sinh năm 1955 tại tỉnh An Huy, miền Trung Trung Quốc.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) Trung Quốc khoá 12 diễn ra ở Bắc Kinh hôm qua 15.3, 2.940 đại biểu đã nhất trí bầu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường làm tân Thủ tướng Trung Quốc, thay thế ông Ôn Gia Bảo.
Trước đó, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã đề cử ông Lý Khắc Cường làm ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Lý Khắc Cường sẽ kéo dài 5 năm.
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chúc mừng tân Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ảnh: THX |
Ông là người khá kín tiếng, trong thời gian giữ chức lãnh đạo tỉnh tại Hà Nam và Liêu Ninh, ông Lý gần như không có chuyến thăm nước ngoài nào, và cũng rất ít khi dự các cuộc chiêu đãi tiệc tùng. Việc này khiến giới bên ngoài khó đoán biết phong cách cá nhân của ông.
Là thủ tướng đầu tiên có bằng tiến sĩ kinh tế, tân thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được nhận định là sẽ phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng chuyển hướng từ nền kinh tế hướng về xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Các số liệu thống kê gần đây đều cho thấy những tín hiệu trái chiều về sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu có lúc tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2010 và đầu tư tài sản cố định cũng tăng tốc. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp có khởi đầu năm mới tồi tệ nhất kể từ năm 2009 và tăng trưởng tín dụng cũng như doanh số bán lẻ đều chậm lại.
Lấy đô thị hoá làm động lực tăng trưởng chính là chủ đề xuyên suốt trong chính sách phát triển kinh tế của ông Lý. Ông từng nhận định đô thị hoá không chỉ đơn giản là mở rộng diện tích các thành phố hay khiến số dân sinh sống ở thành thị gia tăng. Đô thị hoá là sự thay đổi sâu sắc ở nhiều phạm trù: cơ sở hạ tầng công nghiệp, thị trường lao động, môi trường sống và hệ thống an sinh xã hội.
Theo Kerry Brown, phụ trách chương trình châu Á của tổ chức Chatham House ở London, nhận định, ông Lý là nhà lãnh đạo có phong thái thân thiện với quần chúng. Ông được hy vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn trong việc giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Như vậy, việc ông Lý Khắc Cường nhận chức thủ tướng đã hoàn tất cuộc chuyển giao lãnh đạo cấp cao nhất ở Trung Quốc trong một thập niên.
Trước đó, ngày 14.3, ông Tập Cận Bình cũng đã được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Tháng 11 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ở cương vị mới, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường sẽ phải giải quyết rất nhiều vấn đề thách thức như kinh tế, môi trường, tham nhũng.
Ông Lý Khắc Cường và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã điều hành quốc gia này từ 4 tháng trước, nhưng tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào tháng 3 này, họ mới chính thức được bầu chọn.
Cũng trong phiên họp sáng 15.3, NPC đã bầu hai ông Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban quân sự Trung ương của Trung Quốc (CMC). Theo Hiến pháp Trung Quốc, hai ông Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đều do ông Tập Cận Bình - Chủ tịch CMC đề cử.
NPC cũng bỏ phiếu bầu lại ông Tào Kiến Minh làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc. Ông được bầu giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lần đầu tiên vào năm 2008.
Cũng trong phiên họp trên, ông Chu Cường, nguyên Bí thư tỉnh Hồ Nam, được bầu làm Chánh án Toà án Tối cao Trung Quốc. Chính phủ mới của Trung Quốc sẽ có cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 17.3.
THUÝ TRINH
Tổng hợp