BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ông Maduro ở thế 'tứ bề thọ địch' sau khi tái đắc cử tổng thống Venezuela 

Cập nhật ngày: 31/07/2024 - 08:55

Sau khi tái đắc cử tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ ba, ông Nicolas Maduro đối mặt với biểu tình lan rộng trong nước và sự phản đối của nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước Mỹ - Latin.

Biểu tình nổ ra ở nhiều nơi tại Venezuela, nhằm phản đối kết quả bầu cử, ngày 29-7 - Ảnh: AFP

Ngày 29-7, ông Maduro (61 tuổi), được Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) xác nhận tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kéo dài sáu năm cho đến năm 2031.

Ông Maduro bác bỏ các chỉ trích quốc tế và nghi ngờ về kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 28-7. Ông tuyên bố Venezuela đang bị tấn công bởi một "cuộc đảo chính" mang tính chất "phát xít và phản cách mạng".

Biểu tình ở Venezuela

Theo Hãng tin AFP, hàng nghìn người đã tràn ra các con phố của nhiều khu vực ở thủ đô Caracas của Venezuela. Họ xé và đốt các áp phích chiến dịch của ông Maduro.

Lực lượng vệ binh quốc gia bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình, trong đó có một số người đội mũ bảo hiểm và bịt khăn quanh mặt để bảo vệ. Một số người biểu tình đã đáp trả bằng cách ném đá.

Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ngay cả ở những khu vực rất nghèo của Caracas, vốn là thành trì ủng hộ ông Maduro. Các cuộc biểu tình cũng bùng phát ở những nơi khác tại Venezuela.

Lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado nói với báo giới rằng hồ sơ bầu cử cho thấy rõ ràng tổng thống tiếp theo "sẽ là Edmundo Gonzalez Urrutia".

Cụ thể, hồ sơ cho thấy ông Gonzalez Urrutia dẫn đầu với một khoảng cách "không thể đảo ngược", với 6,27 triệu phiếu bầu so với chỉ 2,75 triệu phiếu bầu cho ông Maduro.

Tuy nhiên vào đầu ngày 29-7, CNE cho biết ông Maduro đã giành được 51,2% số phiếu bầu so với 44,2% của Gonzalez Urrutia.

Ông Maduro có bài phát biểu ngày 29-7, sau khi tái đắc cử tổng thống Venezuela lần thứ ba - Ảnh: AFP

Quốc tế chia rẽ về kết quả bầu cử 

Kết quả bầu cử ở Venezuela gây quan ngại, khiến Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia ở Mỹ - Latin kêu gọi minh bạch quá trình bầu cử. 

Các đồng minh bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba đã chúc mừng ông Maduro.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Machado đảm bảo với người dân Venezuela rằng "các nhà lãnh đạo thế giới" đang xác nhận kết quả, và kêu gọi các gia đình xuống đường để tham gia "các hội nghị quần chúng" toàn quốc để ủng hộ một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

9 quốc gia Mỹ - Latin đã ra tuyên bố chung ngày 29-7, kêu gọi "xem xét kết quả với sự có mặt của các quan sát viên bầu cử độc lập".

Trung tâm Carter có trụ sở tại Mỹ, một trong số ít tổ chức được phép đưa quan sát viên vào Venezuela, kêu gọi CNE ngay lập tức công bố chi tiết kết quả bỏ phiếu.

Brazil và Colombia cũng kêu gọi xem xét lại số liệu, trong khi tổng thống Chile cho biết kết quả này thật "khó tin".

Peru đã triệu hồi đại sứ và Panama cho biết họ đang đình chỉ quan hệ với Venezuela.

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), có trụ sở tại Washington, đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp vào 31-7 theo yêu cầu của Argentina và các quốc gia khác không công nhận kết quả bầu cử chính thức.

Venezuela cho biết họ sẽ rút nhân viên ngoại giao khỏi Argentina, Chile, Costa Rica, Panama, Peru, Cộng hòa Dominica và Uruguay vì "các hành động và tuyên bố can thiệp".

Đã có những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Venezuela - Ảnh: AFP

Kinh tế khó khăn

Cuộc bầu cử ngày 28-7 là kết quả của một thỏa thuận đạt được năm ngoái giữa chính phủ và phe đối lập.

Thỏa thuận đó dẫn đến việc Mỹ tạm thời nới lỏng các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi ông Maduro tái đắc cử vào năm 2018. Khi đó nhiều quốc gia ở Mỹ - Latin và các quốc gia khác cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận.

Các lệnh trừng phạt đã được khôi phục sau khi ông Maduro từ chối các điều kiện đã thỏa thuận.

Venezuela sở hữu trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, nhưng khả năng sản xuất giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Hầu hết người dân Venezuela sống chỉ với vài đô la mỗi tháng và phải chịu cảnh thiếu hụt điện và nhiên liệu trầm trọng.

Kinh tế khó khăn ở quốc gia Nam Mỹ này tạo thành làn sóng di cư gây áp lực lên biên giới phía nam của Mỹ.

Nguồn TTO