Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ông nông dân ham mê cải tiến
Thứ ba: 05:17 ngày 23/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ là một nông dân thôi, nhưng ông Phạm Văn Hùng (Tư Hùng), ngụ tại ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu lại được nhận rất nhiều bằng khen từ tỉnh đến Trung ương về thành tích sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Chỉ là một nông dân thôi, nhưng ông Phạm Văn Hùng (Tư Hùng), ngụ tại ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu lại được nhận rất nhiều bằng khen từ tỉnh đến Trung ương về thành tích sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Tôi gặp ông Hùng tại nhà riêng trong lúc ông và các công nhân đang tất bật hoàn tất công đoạn cuối cùng cho dàn máy chăm sóc vườn cao su để tham dự hội chợ Techmark diễn ra tại Đồng Nai. “Vì đây là cơ hội tốt để chào hàng ra các tỉnh bạn”, ông Hùng phấn khởi cho biết. Vừa bước vào tuổi 51 nhưng ông Hùng trông có vẻ “khằn” hơn so với tuổi. Ông cười: “Có lẽ do vất vả, thăng trầm nên trông như vậy”. Ít ai biết ông giám đốc Phạm Văn Hùng đã từng trải qua một thời lận đận khó khăn.

Xuất thân trong một gia đình làm nghề buôn bán ở Mỹ Tho (Tiền Giang) và từ nhỏ cậu bé Hùng chỉ biết đứng bán hàng phụ cha mẹ. 18 tuổi Hùng lên Tây Ninh lập nghiệp bằng chân công nhân trong một nông trường mía. Lúc đó, chàng trai miền Tây mới biết tới mía, mì và máy móc. Được tham gia học lái máy cày, ban đầu Hùng thấy vất vả quá vì “có biết gì về nó đâu”. Nhưng vì “không ráng làm việc này thì biết làm việc gì”. Thế là Hùng quyết chí học, lại mày mò tìm hiểu thật kỹ về máy móc. Và “đã học thì phải học cho tốt”, sau một thời gian Hùng đã có thể lái xe máy cày và còn tự sửa chữa máy được. Phát hiện ra mình cũng có “khiếu” về lĩnh vực này và Hùng bắt đầu mơ mở một xưởng cơ khí. Lúc ấy- và cho đến bây giờ, mặt hàng cơ giới hoá nông nghiệp còn đang rất thiếu ở địa phương. Phải làm gì đó để có thể giải quyết bớt những thiếu thốn ấy và đáp ứng được nhu cầu về nông nghiệp ngày càng phát triển ở địa phương. Hùng nghĩ vậy. Để theo đuổi ước mơ của mình, anh đã trải qua hai lần trắng tay, đó là lần bán hết đất, mở tiệm sạc bình và hàn tiện, rồi lần khác là vay vốn mua máy xới tay chăm sóc mía nhưng thất bại, phải vướng nợ.

Ông Hùng (phải) trong xưởng sản xuất máy.

Nhưng trong cái khó có cái may, khi Nhà máy đường Bourbon đi vào hoạt động. Hùng được nhận vào làm ở trại mía giống nhờ có tay nghề. Thế là có cơ hội phát triển. Anh miệt mài đeo đuổi những sáng tạo về máy móc với sự giúp đỡ, hỗ trợ của anh em kỹ thuật nhà máy và những phương tiện sẵn có. Năm 2003, cỗ máy đầu tiên của Hùng xuất xưởng, đó là máy phát gốc mía kết hợp cày đất. Cũng năm 2003, Hùng quyết định dồn hết vốn liếng của mình để thành lập doanh nghiệp. Và doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng do ông Phạm Văn Hùng làm giám đốc ra đời, chuyên tiện hàn gia công và sản xuất các loại máy nông nghiệp, phục vụ cơ giới hoá tận nơi theo yêu cầu, bán sắt thép và các loại máy cơ giới. Sau khi thành lập doanh nghiệp, ông Hùng càng tất bật nhiều hơn nữa, phải tự mình vừa chạy vòng trong vừa chạy vòng ngoài với đủ loại công việc: lo vật liệu, thiết kế máy, báo cáo hằng tháng… Ông tiếp tục cho ra đời thêm các loại máy để phục vụ nông nghiệp như dàn máy cày sâu kết hợp bón phân cho mía, dàn thổi lá cao su, dàn máy bón phân và bón vôi cao su cải tiến lên thành dàn bừa kết hợp bón vôi, bón phân cao su. Sắp tới ông dự định sẽ cho ra mắt dàn máy trồng mì.

Dù chưa qua hết lớp 9 nhưng ông chủ Phạm Văn Hùng lại biết cách tự học hỏi và nắm bắt rất nhanh kỹ thuật cơ khí. Trong việc làm ăn, ông luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Đồng thời coi trọng sự phục vụ ân cần đối với khách hàng. “Bất cứ lúc nào khách hàng cần là mình phải đến tận nơi”. Đây cũng được coi là phương châm hoạt động của doanh nghiệp. Các loại máy của doanh nghiệp Tư Hùng sau khi được đưa ra thị trường đều được sự đánh giá tích cực của người sử dụng. Đó là động lực giúp giám đốc Phạm Văn Hùng tiếp tục phát huy óc sáng tạo, cải tiến thêm nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp, không chỉ trong địa phương mình mà còn cho các huyện khác. Đó chính là hướng làm ăn mà ông chủ doanh nghiệp Tư Hùng đang hướng tới.

Mỗi năm ông Hùng bán ra thị trường vài chục máy mỗi loại. Ông Hùng vẫn không ngừng việc nghiên cứu, cải tiến để sản phẩm của mình ngày càng hoàn thiện hơn. “Điều mình tâm đắc nhất là các loại máy mình làm ra phục vụ được nhu cầu thiết yếu của bà con nông dân, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất cho sản xuất nông nghiệp”- ông vui vẻ cho biết.

NGÔ TUYẾT

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh