Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời chiến tranh, ông Lê Xuân Phán là bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hoà bình, ông bám trụ ở đất Tây Ninh cho đến ngày nay.

Thời chiến tranh, ông Lê Xuân Phán là bộ đội vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Hoà bình, ông bám trụ ở đất Tây Ninh cho đến ngày nay. Sau khi nghỉ hưu (năm 1990), với quân hàm thiếu tá, ông Phán về làm vườn tại khu phố 2, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên.
![]() |
Cuộc sống an nhiên mỗi ngày của ông Phán với vườn tược, cỏ cây |
Ông Phán năm nay đã ở vào tuổi 80 nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, dẻo dai. Mỗi ngày, ông đều tự tay chăm sóc vườn tược, đây là niềm đam mê từ thời trẻ nhưng cho đến khi về hưu, ông mới có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê này. Ông Phán cho biết: “Hồi trẻ trừ lúc đi đánh giặc, thời gian còn lại, tôi hay tham gia tăng gia sản xuất trồng rau, bầu bí để phục vụ anh em trong đơn vị, khi tôi nghỉ hưu, hễ khi địa phương mở những lớp tập huấn về nông nghiệp là tôi cũng hăng hái tham gia, để tích luỹ những kinh nghiệm về trồng cây ăn quả, rau sạch hiệu quả. Bây giờ ra chợ nhiều bạn hàng cứ đua nhau giới thiệu rau vườn nhà ông Ba Phán để cho dễ bán vì an toàn, chất lượng”.
Mỗi ngày, ông Phán tìm niềm vui trong việc chăm sóc những cây bưởi, chôm chôm, đu đủ, luống rau, đám ớt ngoài vườn. Nhìn khu vườn của mình, ông Phán lại nở nụ cười thoả mãn. Ông chỉ tay về phía khóm rừng ở cuối mảnh vườn mà theo ông đó là “gia tài tôi để lại cho con cháu mình”. Ông tâm sự: “Tôi đã để dành lại khoảng một công đất rừng nguyên sơ này. Đó như là những minh chứng để lại cho con cháu có thể biết về rừng. Đám rừng này sau này có dùng tiền tỉ cũng khó gầy dựng lại được”. Nhìn ông rảo quanh những khóm tre, cây sung cổ thụ hay chòm dây leo như giăng võng với một tinh thần thư thái mới thấy hết tâm huyết của ông với mọi người: “Sống cho mình và cũng biết sống cho người”, đạo lý này luôn được ông Phán thực hiện song đôi.
Ngoài công việc làm vườn, bằng uy tín của một lão làng, ông Phán còn tham gia các hội, đoàn thể ở địa phương. Ông luôn dùng cái tình, cái lý để hoá giải những mâu thuẫn về đất đai, gia đình của người dân xung quanh. Căn nhà của ông là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân trong xóm tìm đến khi gia đình họ xảy ra mâu thuẫn. Với suy nghĩ phải sống vì mọi người nên ông Phán đã không ngần ngại khi tham gia giải quyết những chuyện mà sẽ có không ít người ghét ông. “Đã chấp nhận làm chuyện bao đồng thì đừng bao giờ sợ người ta ghét. Có như vậy mới có thể đấu tranh cho cái tốt được”- ông chia sẻ.
Trong căn nhà khang trang, con cháu đã có gia đình riêng, cuộc sống thường ngày của vợ chồng ông Phán vẫn không hề vắng lặng vì thường xuyên có người đến mua rau, quả, trái cây hoặc có người đến trần tình bức xúc. Theo ông Phán: “Tuổi già của tôi nếu được tham gia công việc xã hội thì sẽ tốt hơn cho sức khoẻ, đảm bảo được tinh thần luôn minh mẫn, như vậy là đã có ý nghĩa rồi”.
NGÔ TUYẾT