Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Viết ngắn
Ống thụt của ba
Thứ hai: 06:15 ngày 06/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể có chiếc ống thụt tốt, ba lựa tầm vông già, có lỗ rỗng trong ruột, rồi cắt mắt hai đầu để lóng tầm vông trống đầu, trống đít (phần lớn phía gốc). Sau đó ba lấy một đoạn tầm vông ngắn làm cán, rồi lấy chiếc đũa ăn cơm, vót nhỏ lại cho vừa lọt lỗ của ống tầm vông và tra vào cán làm chìa ống thụt.

Ðầu tháng chín âm lịch, nước dòng rạch quê tôi đang dâng cao. Màu ngầu đục vì nặng trĩu phù sa. Cây cỏ hoang dại hai bên bờ rạch thi nhau vượt nước vươn lên. Xanh mướt, nhô lên cao, bao trùm cây bụi và các loại dây leo khác là những ngọn mây nước. 

Ở đầu ngọn mây tua tủa những chùm hoa trắng muốt, báo hiệu sắp đến kỳ cho trái. Cũng là họ nhà mây, nhưng so với mây rừng, mây nước gần như vô dụng. Dây mây rừng rất chắc làm lạt cột đồ, làm nguyên liệu đan lát bền đẹp. Trái mây rừng ăn được. Còn dây mây nước giòn, dễ đứt, không làm được việc gì. Trái mây nước không ăn được. Tuy là thứ vô dụng đối với người lớn, nhưng trái mây nước đối với bọn trẻ quê tôi xưa kia là thứ đồ chơi vô cùng thích thú.

Trở về với dòng rạch tuổi thơ, nhìn những chùm hoa mây nước đang nở trắng muốt, rung rinh trong gió cuối thu, làm tôi chạnh nhớ tuổi thơ đầy gian nan, nhưng cũng không kém phần thú vị của mình. Anh em tôi là những đứa trẻ bất hạnh, bởi sớm chịu cảnh mồ côi mẹ từ khi còn thò lò mũi xanh. Bù lại nỗi khổ mất mẹ, anh em tôi có một người cha tuyệt vời. Sống cảnh gà trống nuôi các con nhỏ, nhà không có tấc đất cắm dùi, ba tôi phải chạy sấp, chạy ngửa, làm đêm, làm ngày để lo cái ăn cái mặc và chuyện học hành cho anh em tôi. Vậy mà ba vẫn không quên lo cả món ăn “tinh thần” cho chúng tôi.

Ba tranh thủ từng chút thời gian rảnh hiếm hoi để tạo đồ chơi cho các con. Mùa nào ba có trò chơi nấy. Mùa xuân, sau tết Nguyên đán, gió xuân phơi phới thổi, ba dán diều giấy bằng nguyên tờ nhật trình cho anh em tôi đi thả. Chiều chiều, anh em tôi cùng bọn trẻ trong xóm rủ nhau ra đồng thả diều lên bầu trời trong xanh.

Cánh diều của anh em tôi luôn bay cao hơn cánh diều của những đứa trẻ hàng xóm. Mùa hè, ba tiện cục đạn (hòn bi, cu li) bằng sừng trâu, hoặc cây gõ, cây sao cho anh em tôi thả lỗ trên sân nhà. Khi gió hướng Tây - Nam vù vù thổi, ba lại cắt lá dứa, hoặc lá dừa làm chong chóng cho anh em tôi ngồi trước hiên nhà mà chơi với gió. Những ngày mưa, ba làm ống xịt nước.

Ba xin cây nứa về cắt ra từng lóng, để một đầu trống, còn một đầu chừa cái mắt và đục nhiều lỗ nhỏ. Ở đầu trống, ba làm cần thụt quấn vải vụn vừa khít với phần rỗng của ống nứa. Theo lực hút và đẩy, anh em tôi cầm ống nứa đút vào mấy lu hứng nước mưa trước thềm nhà mà hút nước vào, rồi đưa ống lên thụt nước “tẹt tẹt” ra sân. Cũng có khi ba ra bờ rạch móc đất sét về nắn bò, nắn trâu, vịt và cả ông địa cho anh em tôi chơi…

Những món đồ chơi do ba làm cho anh em tôi thuở bé rất phong phú, đa dạng. Món nào chúng tôi cũng yêu thích, nhưng thích nhất vẫn là cái ống thụt bắn bằng “đạn” trái mây nước. Hằng năm, cứ vào mùa mây nước có trái, ba đi xin tầm vông về làm ống thụt cho anh em tôi chơi. Lúc đầu, ba làm ống thụt một (bắn từng phát một) như súng trường.

Ðể có chiếc ống thụt tốt, ba lựa tầm vông già, có lỗ rỗng trong ruột, rồi cắt mắt hai đầu để lóng tầm vông trống đầu, trống đít (phần lớn phía gốc). Sau đó ba lấy một đoạn tầm vông ngắn làm cán, rồi lấy chiếc đũa ăn cơm, vót nhỏ lại cho vừa lọt lỗ của ống tầm vông và tra vào cán làm chìa ống thụt.

Chìa ống thụt, ba làm ngắn hơn thân ống thụt một tí, để khi bắn “cục đạn” trước còn nằm lại ở đầu ống thụt và làm nút cho cục đạn sau tống đi. Làm ống thụt xong, ba ra rạch hái trái mây nước về làm đạn. Ðể đạn không bị lép, cũng không bị kẹt trong nòng thân ống thụt, ba lựa những chùm trái mây nước vừa cứng hột (nếu trái non nhỏ lọt lỗ ống thụt bắn không kêu (tức đạn lép), còn trái già quá, hột bự, cứng và quá chật so với lỗ ống thụt, thụt không đi nổi (gọi là kẹt đạn), có khi còn bị gãy chìa).

Hái trái mây nước về ba lặt bỏ hết cuốn. Những trái mây nước tròn, xanh mướt như những trái tiêu non. Rồi ba chỉ cho anh em tôi cách bắn ống thụt. Trước khi bắn lấy một trái mây nước nhét vào lỗ trống ở đầu ống thụt làm nút (và nó cũng là viên đạn được bắn đi), rồi lấy trái thứ hai nhét vào phần đít ống thụt và đưa chìa vào thụt. Trái mây nước bị chìa thụt đẩy đi ép hơi văng đi kêu một cái “bụp” nghe đã lỗ tai và sướng cái tay. Cứ thế, viên đạn trước làm nút cho viên đạn sau đẩy đi từng phát một.

Từ ống thụt bắn từng phát, ba lại chế chiếc ống thụt máy. Nào có máy móc gì đâu, mà là ba lắp thêm “băng đạn”, ống thụt máy bắn liên thanh như súng tiểu liên. Băng đạn là một lóng trúc nhỏ được cắt trống phần gốc và chừa mắt phần ngọn. Ruột rỗng của lóng trúc cũng phải lựa cho vừa lọt trái mây một cách dễ dàng.

Làm băng đạn xong, ba khoét trên thân ống thụt một lỗ tròn gần phía chìa thụt. Lỗ này bằng với miệng băng đạn để cho trái mây nước rớt vào lỗ ống thụt. Xong ba lắp băng đạn vào ống thụt, bằng cách lấy bẹ thun (loại thun làm giàn thun (ná thun), hoặc thun cắt ra từ ruột xe đạp cột vào phía miệng băng đạn (ống trúc) và tra úp miệng băng đạn vào phía trên lỗ ở thân ống thụt.

Khi muốn bắn thì kéo băng đạn ra cho trái mây nước vào đầy băng đạn. Khi bắn ống thụt, đều đặn hết trái này đến trái khác rơi từ băng đạn xuống “nòng súng”. Vậy là anh em tôi tha hồ mà “bụp… bụp… bụp”… lia lịa, hết băng này đến băng khác. Thấy ba làm ống thụt máy cho anh em tôi chơi, những đứa trẻ khác trong xóm cũng về đòi ba mẹ, anh chị làm cho ống thụt máy. Những đêm trăng sáng, anh em tôi cùng bọn trẻ trong xóm rủ nhau ra bờ đê thi nhau bắn ông thụt. Kết quả là không có ống thụt nào nổ đều đặn, giòn giã như ống thụt của anh em tôi.

Giờ ba tôi đã vào độ tuổi U100 rồi. Mắt lờ mờ, chân đi đứng không vững, tay run run chống gậy, còn sức đâu mà ba làm đồ chơi cho lũ cháu, chắt nữa... Anh em tôi cũng như bọn trẻ xóm ngày ấy, giờ cũng lên chức cha mẹ, ông bà hết rồi. Nhưng hầu như không có đứa nào làm ống thụt cho con cháu chơi nữa. Trẻ em bây giờ từ thành thị cho đến thôn quê, ngay cả vùng sông rạch như quê tôi cũng đều có điện thoại thông minh, iPad…

Ngoài giờ học, chúng chỉ mê dán mắt vào màn hình điện thoại, ít có đứa nào thèm chơi những trò chơi dân dã, thôn quê nữa. Chợt thương những lùm mây nước ven rạch ngày nào vẫn còn đó, đến mùa vẫn ra hoa kết trái, chín rồi lại tàn...

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục