Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ông Trump có sẵn sàng "tất tay" để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine?
Thứ bảy: 08:27 ngày 12/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong những tháng gần đây, ông Trump không ít lần công kích ông Putin rồi lại đổi giọng chỉ trong vài ngày. Câu hỏi đặt ra hiện giờ là: Nếu ông Trump cuối cùng phải thừa nhận rằng Mỹ không thể thuyết phục Nga ngừng bắn với Ukraine, thì liệu ông có sẵn sàng gây sức ép để buộc Putin phải ngồi vào bàn đàm phán?

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ có thể gia tăng sức ép với Nga bằng cách tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev, từ đạn dược cho đến các hệ thống phòng không tiên tiến, đồng thời buộc châu Âu không chỉ duy trì mà còn mở rộng dòng chảy viện trợ nhằm buộc Nga nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.

Hôm 10/7, Tổng thống Donald Trump bất ngờ thông báo đã đạt được thỏa thuận với NATO để Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine thông qua liên minh này, giữa lúc Nga đang tăng cường các cuộc không kích nhắm vào Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong cùng ngày cũng cho biết Mỹ đang "tích cực" thảo luận với các nước châu Âu về việc chia sẻ các khẩu đội Patriot cho Ukraine. 

Ông Putin (trái) và ông Trump (phải). Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng có thể lựa chọn con đường cứng rắn hơn thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế không chỉ nhắm vào Nga, mà còn vào các đối tác kinh tế then chốt như Trung Quốc và Ấn Độ – hai khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga. Nếu được thông qua, đây có thể là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga giữa lúc chiến sự với Ukraine bước vào giai đoạn căng thẳng.

“Tôi nghĩ ông Trump đã hiểu ra điều này: Nếu muốn đạt được một thỏa thuận với Ukraine, ông ấy phải gây thêm áp lực lên Nga”, ông Charles Kupchan, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, chia sẻ với CNN.

Quan hệ Mỹ-Nga đang rạn vỡ?

Trong những ngày gần đây, Tổng thống Donald Trump đã công khai bày tỏ sự cảm thông với những mất mát của người dân Ukraine và ca ngợi lòng quả cảm của các lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, câu hỏi cốt lõi vẫn còn bỏ ngỏ: liệu sự đồng cảm ấy có bắt nguồn từ một chuyển biến chiến lược thực sự trong tư duy đối ngoại của ông?

Một số nhà quan sát chính trị cho rằng nếu hy vọng về một thỏa thuận hòa bình toàn diện cho Ukraine tan vỡ, ông Trump có thể chọn một cách tiếp cận khác. Nhà Trắng có thể từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột để đổi lấy các lợi ích song phương khác với Moscow, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. Một chiến lược như vậy sẽ cho phép Nga tiếp tục cuộc chiến trong khi Mỹ rút dần vai trò của mình khỏi cuộc xung đột.

Có lẽ ông Trump từng cân nhắc lựa chọn này khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 gần đây và tỏ ý không hài lòng về việc Nga không được mời. Tuy nhiên, việc khôi phục một phần quan hệ với Moscow không chỉ đòi hỏi một tính toán chiến lược, mà còn đòi hỏi ông Trump vượt qua cảm xúc cá nhân – điều mà ông dường như cảm thấy từ chính ông Putin. Và cho dù một kịch bản "tan băng" như vậy có thể giúp Nga từng bước phá vỡ vòng cô lập và tái lập chỗ đứng trong hệ thống quốc tế, vẫn chưa có gì đảm bảo rằng nó sẽ thuyết phục được ông Putin, người đang sống trong một trạng thái tâm lý bị bao vây và nghi kỵ sâu sắc với phương Tây.

Bản thân các động thái từ phía Nga cũng có thể ảnh hưởng đến định hướng chính trị của ông Trump. Một tín hiệu mơ hồ xuất hiện trong cuộc gặp gần đây giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề hội nghị ở Malaysia. Ông Rubio nói rằng ông đã truyền đạt “sự thất vọng và chán nản” của Tổng thống Mỹ với phía Nga, nhưng cũng hé lộ rằng Moscow đã đưa ra một “cách tiếp cận mới và khác biệt". Vấn đề là liệu Tổng thống Trump sẽ biến nỗi thất vọng thành giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine như thế nào?

Từ lâu, ông Trump vẫn tự hào rằng “mối quan hệ cá nhân tốt” với các lãnh đạo như Tổng thống Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đem lại cho nước Mỹ những điều không một Tổng thống nào trước đó làm được. Nhưng lịch sử gần đây cho thấy, "sức hút cá nhân" ấy vẫn chưa phát huy được nhiều hiệu quả, một phần là do bối cảnh địa chính trị hiện giờ đã khác.

Các cuộc không kích gần đây của Mỹ nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran, dù không đạt đến mức “phá hủy hoàn toàn” như ông Trump tuyên bố, vẫn là một màn phô diễn sức mạnh quân sự mang tính biểu tượng. Nó giúp củng cố hình ảnh một tổng tư lệnh dứt khoát, không ngần ngại sử dụng vũ lực để gửi thông điệp tới các đối tác khu vực và trên thế giới. 

Tương lai quan hệ Mỹ-Nga sẽ đi về đâu?

Dù ngôn từ có thể gay gắt và những màn phô trương sức mạnh dường như đẩy hai nhà lãnh đạo vào quỹ đạo đối đầu, nhưng thực tế cho thấy không có dấu hiệu rõ ràng nào chứng tỏ Tổng thống Trump thực sự muốn đẩy quan hệ với Nga tới bờ vực sụp đổ. Ngay cả khi liên tục tỏ ra thất vọng với người đồng cấp Nga Putin, ông Trump vẫn chưa cho thấy ông sẵn sàng theo đuổi một chiến lược đối đầu toàn diện với Moscow.

Từ trước đến nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn ưa chuộng các cuộc giao dịch hơn là một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới. Ông Trump tìm kiếm sự công nhận trên trường quốc tế bằng cách định hình lại các mối quan hệ song phương, không phải phá vỡ chúng. Trong bối cảnh đó, một cuộc đối đầu thực sự với Nga sẽ không chỉ trái với thiên hướng cá nhân, mà còn đi ngược lại chiến lược xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo giải quyết xung đột bằng đàm phán, không phải bằng vũ lực của ông Trump,

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng không muốn đưa quan hệ với ông Trump, hay với nước Mỹ nói chung, đến điểm gãy. Kể từ khi ông Trump tiến hành tranh cử lần thứ ba, Điện Kremlin vẫn luôn hy vọng rằng quan hệ với ông Trump có thể giúp Nga phá vỡ vòng cô lập mà những người tiền nhiệm từng thiết lập. Bởi vậy, dù Điện Kremlin không ngần ngại sử dụng những ngôn từ cứng rắn, vẫn có những ranh giới mà ông Putin chưa vượt qua – ít nhất là trong quan hệ cá nhân với người đồng cấp Mỹ.

Một vài tín hiệu đáng chú ý đã xuất hiện từ cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Malaysia vào ngày 10/7, cho thấy Washington vẫn chưa từ bỏ hy vọng duy trì một kênh đối thoại chiến lược với Moscow liên quan đến cuộc chiến hiện tại. 

Tuy nhiên, sự mập mờ chiến lược ấy không đồng nghĩa với ổn định. Trong suốt cuộc chiến Ukraine, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy bị dồn vào chân tường, đặc biệt là trong trường hợp Mỹ và phương Tây tiếp tục mở rộng viện trợ quân sự cho Kiev. Những lời đe dọa ấy không hẳn là dấu hiệu cho một cuộc chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra, mà đúng hơn là một phần trong chiến lược "răn đe hỗn hợp" vừa nhằm trấn áp các đối thủ, vừa duy trì thế chủ động trên bàn cờ chính trị. 

Điều đó đặt ra một nghịch lý: dù cả hai dường như không chủ ý đẩy quan hệ Mỹ - Nga tới điểm đứt gãy, thì chính chiến lược tránh đối đầu trực diện, nhưng vẫn không ngừng leo thang ngầm, mới là thứ làm cho quan hệ song phương này trở nên dễ vỡ nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trong bối cảnh đó, vấn đề Ukraine đã trở thành phép thử cho các giới hạn trong quan hệ Mỹ - Nga dưới thời ông Trump. Nếu thực sự muốn đóng vai trò trung gian hoà giải hoặc định hình một trật tự quốc tế mới, ông Trump không thể liên tục dao động. Nhà lãnh đạo Mỹ cuối cùng sẽ buộc phải đưa ra một lựa chọn dứt khoát: đứng về phía Ukraine hay ngả theo Nga.

Nguồn VOV.VN (tổng hợp)
Theo CNN, NBC News

Xem link gốc
Tin cùng chuyên mục