BAOTAYNINH.VN trên Google News

Pakistan đáp trả cáo buộc của Tổng thống Barack Obama

Cập nhật ngày: 07/10/2011 - 12:50

Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại thượng viện Pakistan Salim Saifullah

Đáp trả lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hôm 7.10, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại thượng viện Pakistan, ông Salim Saifullah (ảnh) cho rằng, việc Washington tình nghi Islamabad có quan hệ với các nhóm phiến quân sẽ làm tổn thương những nỗ lực bình ổn tình hình Afghanistan và châm ngòi cho phong trào chống Mỹ tại Pakistan.

Tuyên bố của ông Salim Saifullah được đưa ra ngay sau bài phát biểu của ông Barack Obama hôm 6.10. Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Obama nhấn mạnh, Pakistan đang áp dụng chính sách nước đôi đối với tương lai của Afghanistan, đồng thời chắc chắn rằng “có một số quan hệ" giữa các cơ quan tình báo Pakistan với lực lượng phiến quân đang hoạt động tại Afghanistan.

Pakistan trở thành đồng minh không thể thiếu của Mỹ sau sự kiện 11.9.2001. Thế nhưng mối quan hệ giữa hai nước luôn trong tình trạng “nước sôi lấp xấp” vì Washington luôn chỉ trích thái độ không kiên quyết chống các nhóm phiến quân Hồi giáo của chính quyền Islamabad. Căng thẳng càng trở nên gia tăng sau vụ biệt kích hải quân Mỹ xâm nhập lãnh thổ Pakistan bất hợp pháp để tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden hôm 2.5.2011. Nhưng đỉnh điểm là việc các quan chức chính phủ Mỹ tố cáo Cơ quan tình báo liên ngành Pakistan (ISI) hỗ trợ nhóm phiến quân Haqqani, đồng minh với Taliban, thực hiện vụ tấn công nhằm vào sứ quán Mỹ tại Kabul hôm 13.9.

Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại thượng viện Pakistan Salim Saifullah cho rằng, tuyên bố của ông Obama không giúp gì được cho Mỹ, Afghanistan hay Pakistan, thay vào đó là áp lực của dư luận trong nước, buộc Islamabad từ bỏ vai trò đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố. “Cuộc chiến tại Afghanistan đang bước vào một giai đoạn đầy khó khăn. Vào thời điểm này, ‘khuấy bùn làm đục nước’ hoàn toàn không thích hợp. Hay nói cho đúng hơn đó là điều mà phiến quân Hồi giáo đang muốn. Chúng muốn chúng ta phải chơi theo kiểu của chúng” – ông Salim Saifullah nhấn mạnh. 

Theo các nhà phân tích, Pakistan luôn tìm cách từ chối yêu cầu của Mỹ trong việc tiêu diệt mạng lưới Haqqani có căn cứ tại vùng bộ tộc biên giới Bắc Waziristan vì muốn nhóm này duy trì hoạt động tại Afghanistan như một đối trọng đối với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Ấn Độ, đặc biệt là sau khi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ký kết thoả thuận đối tác chiến lược với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Thủ tướng Manmohan Singh còn tuyên bố, bạo lực ở Afghanistan đã phá hoại an ninh ở Nam Á và Ấn Độ sẽ "đứng cạnh Afghanistan” khi Mỹ - NATO rút khỏi nước này vào năm 2014. Đó là điều mà Pakistan không thể nào chấp nhận được khi họ luôn coi Afghanistan là “sân sau” của mình.

Tổng thống Barack Obama thẳng thừng tuyên bố mối quan hệ Mỹ- Pakistan hoàn toàn phụ thuộc vào việc liệu Islamabad có đáp ứng yêu cầu của Washington, cắt đứt việc “đi đêm” với phiến quân Hồi giáo. Tuy nhiên, đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm khi mà làn sóng chống Mỹ đang tăng cao, chính phủ lại không nhận được sự ủng hộ của người dân. “Yêu cầu của Mỹ chỉ tạo thêm căng thẳng, điều mà Mỹ muốn không giống như những gì đã và đang diễn ra” – nhà phân tích chính trị analyst Hasan Askari Rizvi.

Trong khi đó, ông Salim Saifullah bình luận, thay vì công khai chỉ trích, ông Obama nên gần gũi với Pakistan hơn để mang lại hoà bình cho Afghanistan: “Lẽ ra họ (Mỹ) không nên đưa ra những cáo buộc này nọ khi họ đang rút quân (khỏi Afghanistan). Họ nên cẩn trọng hơn để kết thúc trò chơi mà họ đã khởi đầu”.

Theo thống kê, trong 10 năm Mỹ - NATO tham chiến tại Afghanistan, đã có hàng ngàn người dân thiệt mạng, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ USD. Dù Mỹ đổ nhiều tiền của và nhân mạng binh lính nhưng Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, bằng chứng là Bộ Nội vụ Afghanistan vừa phá được kế hoạch mưu sát Tổng thống Hamid Karzai.

Đ.H.T

(tổng hợp)