Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan Rehman Malik tuyên bố, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở vùng biên giới đông bắc, quân đội chính phủ đã tiêu diệt hơn 1.000 tay súng Taliban.

![]() |
Chiến sự leo thang, hàng trăm ngàn người dân đổ về các trại tỵ nạn. Ảnh: Reuters |
Trong chuyến thăm một trại tỵ nạn hôm 17.5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pakistan Rehman Malik tuyên bố, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở vùng biên giới đông bắc, quân đội chính phủ đã tiêu diệt hơn 1.000 tay súng Taliban. Tuy nhiên, ông Malik từ chối xác định chiến dịch quân sự này sẽ kéo dài trong bao lâu, ngoại trừ việc khẳng định sẽ tiếp diễn cho đến khi nào quét sách phiến quân Taliban.
Cho đến bây giờ vẫn không có nguồn tin độc lập nào xác nhận con số thiệt mạng giữa hai bên khi chiến sự quá ác liệt, đặc biệt là ở khu vực thung lũng Swat, hầu như không có phóng viên chiến trường nào dám thâm nhập. Dù đưa ra con số 1.000 tay súng Taliban bị tiêu diệt, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik lại từ chối cung cấp số dân thường thiệt mạng khi bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, đặc biệt là khi quân đội chính phủ thường xuyên thực hiện các vụ không kích dữ dội vào các mục tiêu Taliban.
Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Pakistan, thiếu tướng Athar Abbas cho biết, trong các cuộc giao tranh hôm 16.5, quân đội đã tiêu diệt 47 tay súng Taliban và đã “dọn sạch” một khu vực gần thị trấn Khwazakhela, ở thung lũng Swat để người tản cư có thể trở về nhà.
Hiện quân đội Pakistan đang xiết chặt vòng vây quanh thị trấn Mingora, nơi có khoảng 4.000 tay súng Taliban tử thủ.
Cuộc chiến giữa quân đội Pakistan và Taliban chỉ thật sự bùng phát hồi đầu tháng 5.2009 khi Taliban lợi dụng thoả thuận hoà bình mở rộng vùng hoạt động, sát nách thủ đô Islamabad khoảng 100km. Dưới áp lực của chính phủ Mỹ, chính phủ Pakistan quyết định mở một chiến dịch quân sự với quy mô lớn, tấn công vào mục tiêu tập trung quân Taliban ở các huyện Lower Dir, Buner và Swat.
Những cuộc không kích ngày đêm của quân đội chính phủ buộc hơn 1,1 triệu người phải tản cư, sống chen chúc trong các trại tỵ nạn. Liên Hợp Quốc lo ngại, nếu chiến sự vẫn tiếp diễn, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hoàn toàn có thể xảy ra.
K. Duy
(Theo AP)