Theo dõi Báo Tây Ninh trên
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: Đến nay kinh nghiệm chống dịch của ta nâng lên so với giai đoạn đầu nên người dân không nên hoang mang lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan vì hiện đang là thời điểm cuối năm nên người dân đi lại nhiều, giao lưu lớn, trong khi đó COVID-19 có những trường hợp không có triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Do đó, người dân cần hết sức đề phòng, tuân thủ thực hiện biện pháp 5K trong chống dịch.
Sáng 28.1, Bộ Y tế xác nhận 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng sau 57 ngày không ghi nhận ca mắc. Đó là nam nhân viên cảng hàng không Vân Đồn và một nữ công nhân ở Hải Dương.
Trước diễn biến của dịch bệnh, tại cuộc họp khẩn tối 27.1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu: Do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây. Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản, nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần thực hiện truy vết tới tận F3, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và thường xuyên báo cáo tình hình, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh người dân không nên hoang mang, cần tuân thủ thực hiện biện pháp 5K trong chống dịch.
Liên quan đến tình hinh dịch bệnh, trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống sáng ngày 28.1, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho hay, tình hình dịch trên thế giới phức tạp, Việt Nam và một số nước chống dịch tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc... đến thời điểm này cũng đã ghi nhận ca bệnh tại cộng đồng.
Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trong bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng như hiện nay, khi chưa xác định chắc chắn được nguồn lây (F0) thì việc giám sát trong cộng đồng, tăng cường xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm nhằm phát hiện những trường hợp dương tính là việc cấp bách.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chủng mới có tính chất lây lan mạnh, tuy nhiên để xác định được có nhiễm chủng mới hay không thì cần phải giải trình tự gen.
“Với ca đi Nhật đã xác định được chính xác (do phía Nhật đã giải trình tự) nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, còn với ca ở Quảng Ninh thì chưa”- PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.
Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng phân tích, Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch, thời gian qua, các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, BV Bạch Mai, Đà Nẵng, Bình Thuận đều đã được khống chế thành công.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: Đến nay kinh nghiệm chống dịch của ta nâng lên so với giai đoạn đầu nên người dân không nên hoang mang lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan vì hiện đang là thời điểm cuối năm nên người dân đi lại nhiều, giao lưu lớn, trong khi đó COVID-19 có những trường hợp không có triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lây lan.
Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần hết sức đề phòng, tuân thủ thực hiện biện pháp 5K trong chống dịch.
Nguồn SKĐS