Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phà Gò Nổi – An Bình tê liệt vì mưa
Thứ sáu: 14:30 ngày 22/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, tuyến phà Gò Nổi – An Bình góp phần rút ngắn quãng đường và thời gian, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân hai xã Ninh Điền và An Bình, huyện Châu Thành.

Tuyến đường nối bến phà bị hư hỏng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mưa liên tục, gây hư hỏng tuyến đường nối từ bến phà đến khu dân cư ấp Thanh Bình, xã An Bình, mặt đường luôn trong tình trạng ứ đọng nước, trơn trợt, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2018, mỗi ngày bến phà Gò Nổi – An Bình phục vụ hàng trăm lượt người dân qua sông Vàm Cỏ Đông. Thế nhưng, hiện nay, bến phà trở nên đìu hiu, vắng lặng do tuyến đường Sẩm Nổi 2, nối bến phà với xã An Bình bị hư hỏng, trơn trợt không thể đi lại được. Tình trạng này tồn tại từ nhiều năm qua, Báo Tây Ninh cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Ông Lê Văn Tám, nhân viên lái phà cho biết, từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày bến phà phục vụ từ 80 đến hơn 100 lượt người/phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mưa liên tục, mặt đường là đất sét, ứ đọng nước lầy lội, trơn trượt cản trở giao thông khiến cho lượng khách đi phà giảm mạnh, mỗi ngày chỉ khoảng hơn 10 lượt người/phương tiện qua lại. Thậm chí, có những ngày gần như không có ai đi, phà rơi vào tình trạng ế ẩm.

Mặt đường bị ứ đọng nước trơn trợt.

Theo ông Tám, hiện nay, bến phà gần như chỉ hoạt động phục vụ một số bà con nông dân qua sông Vàm Cỏ Đông để thăm ruộng, chăm sóc lúa. Tuyến đường chỉ dài gần 2km nhưng khi có mưa thì không ai có thể di chuyển được vì đất sét bám dính, lại trơn trượt nên có nhiều trường hợp bị té ngã xuống hai bên bờ ruộng. Chính vì vậy, nhiều người đành phải đi đường vòng về hướng cầu Gò Chai hoặc cầu Bến Sỏi (xa hơn đi tuyến đường này 10km).

Anh Trần Văn Hiếu, ngụ ấp Thanh Bình, xã An Bình cho biết, gia đình anh canh tác hơn 2 ha lúa tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, nếu đi bằng đường bến phà, anh chỉ tốn chưa đầy 15 phút để di chuyển. Nhưng hiện nay, tuyến đường nối bến phà không thể đi được nữa nên anh phải đi vòng ra đường 786 qua cầu Gò Chai và đường 796, tổng chiều dài phải đi lên đến gần 20km, vừa tiêu tốn nhiên liệu vừa mất thời gian.

Theo ông Võ Thành Công, ngụ ấp An Điền, xã An Bình, trước đây, những ngày trời không có mưa, đường khô thì việc đi lại rất dễ dàng, thế nhưng, trong quá trình sử dụng, bà con nông dân dùng máy cày kéo lúa, phân bón làm con đường dần xuống cấp, mặt đường xuất hiện nhiều lỗ, rãnh nước ứ đọng nước, gây trơn trượt, khiến cho việc đi lại gặp nhiều khó khăn. “Theo tôi nghĩ, cơ quan chức năng chỉ cần thuê máy gạt mặt đường cho bằng phẳng, khi mưa xong nước rút hết, mặt đường nhanh khô thì tuyến đường sẽ hoạt động bình thường trở lại thôi” - anh Công nói thêm.

Hiện bến phà Gò Nổi – An Bình không còn ai đi.

Ông Phạm Văn Quân– Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, tuyến đường ra bến phà An Bình – Gò Nổi hay còn gọi là đường Sẩm Nổi 2 được hình thành từ năm 2015 với mục đích ban đầu là đường vận chuyển nông sản và vật tư nông nghiệp của người dân địa phương ra sông Vàm Cỏ Đông.

Kể từ khi bến phà Gò Nổi – An Bình đi vào hoạt động, tuyến đường này trở thành cầu nối hai xã An Bình và Ninh Điền, nên có nhiều người và phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, do mặt đường bằng đất sét lại hư hỏng nên việc lưu thông trên tuyến đường này hiện rất khó khăn.

Chính vì vậy, xã có chủ trương nâng cấp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân. Vừa qua, UBND xã đã phối hợp với Ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện Châu Thành khảo sát, hiện đang thực hiện các bước lập kế hoạch đầu tư, dự kiến sẽ nâng cấp trong năm 2023.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục