Nếu Huế trầm mặc và e ấp như nàng thiếu nữ yêu kiều, đài các thì cách đó 15km về phía Bắc, đầm Phá Tam Giang hoang sơ lại mang một vẻ đẹp của chàng lãng tử trong ráng hoàng hôn tím thẫm.
Các chuyên gia nghiên cứu tiềm năng du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng việc đầu tư khai thác du lịch đầm phá hứa hẹn sẽ cho một sản phẩm du lịch đặc sắc và khác biệt.
Chạy xe chừng nửa tiếng xuôi theo bên bờ sông Ô Lâu, qua khu phố cổ Bao Vinh tới bến đò Vĩnh Tu rồi theo “con đường” nước của những người dân chài làng Thái Dương Hạ mà khám phá vẻ đẹp của vùng đầm phá mênh mông.
Với 22.000 ha mặt nước, Phá Tam Giang trở thành khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, nơi mà trước khi đổ ra cửa biển Thuận An, ba sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ rủ nhau “hẹn hò” ở đó.
Đầm phá đẹp và lãng mạn nhất trong khoảnh khắc khoác lên mình màu áo của ánh chiều tà. Cả bầu trời mây tím thẫm sà xuống phủ lên mặt đầm rạng rỡ bóng nắng cuối ngày.
Thấp thoáng đây đó đôi ba chiếc thuyền giăng câu muộn. Xa xa, rừng phi lao chạy ngang như đường chân trời phân định ranh giới giữa trời và nước. Còn mặt đầm rộng lớn thì sóng sánh tít tắp trong ráng chiều.
Quả thực, thiên nhiên đã ưu ái tặng người dân xứ Huế một bức tranh sơn thủy hữu tình không đâu có thể có. Và, đặc biệt hơn bởi khó có thể tìm thấy nơi nào trên đất nước hình chữ “S” một nơi có thể cùng đón bình minh và hoàng hôn như Phá Tam Giang.
Những người dân ở đầm phá sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Sáng sáng, đàn ông dong thuyền ra khơi còn đàn bà vào phá cào nghêu chỉ với dụng cụ là cây cào, chiếc nón lá đội đầu. Các chị em phải ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới nước khiến cho những đôi bàn chân gầy sạm lúc nào cũng nhợt nhạt và bấy bớt.
Những vạt nắng cuối cùng của một ngày chợt bừng lên, cắt xéo qua không gian tĩnh lặng mênh mang, chấn vào những con sóng vỗ ì oạp và yếu ớt đuổi theo những chiếc thuyền đang lặng lẽ khuất dần trên những “con đường” nước như mê cung rẽ về khắp ngả đầm phá.
Đò lại cập bến Vĩnh Tu. Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa phía bên kia cầu buộc ghe, đò, nơi nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, rồi chúng nhào lộn tắm sông ở khu nước trong trước khi hò nhau về đánh chén bữa tối.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quốc Thành cho rằng, du lịch là khám phá cái mới, cái khác lạ của văn hóa. Do đó việc đầu tư khai thác du lịch đầm Phá Tam Giang hứa hẹn một sản phẩm du lịch đặc sắc khó nơi nào có được.
Quả thực, sắc màu lạ của Phá Tam Giang đã tô điểm thêm cho ngành du lịch Huế một gam màu khác biệt.
Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với nguồn lợi thủy sản phong phú cả động thực vật trên cạn lẫn dưới nước. Một số lượng lớn cá đánh bắt được trên Phá Tam Giang sẽ được bán về các chợ trong vùng hoặc bán cho thương lái các nơi, hay dùng để làm nguyên liệu cho các làng làm mắm địa phương.
Thêm vào đó, Phá Tam Giang còn là một thủy vực điều hòa khí hậu khổng lồ, góp phần chắn bão lũ cho thành phố Huế. Thế nên những người làm du lịch ở Huế mới ví tiềm năng du lịch của Tam Giang - Cầu Hai là “kho vàng” chưa mở.
Trên hành trình khám phá Phá Tam Giang, không gì thú bằng được ghé lại quán ăn ngay đầu đò ngang, thưởng thức những đặc sản cá, mực, tôm, cua, ghẹ… tươi rói, nhảy tanh tách, ăn đến đây thơm ngọt đến đấy. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng ba ngón tay nhưng ngọt và chắc. Còn sò điệp vài chục ngàn một mớ giòn tươi…
Vừa thưởng thức hải sản vừa hưởng thụ bầu không khí trong trẻo trên những chiếc chòi lá dựng sát mép nước. Chiều đầm phá lộng gió vẫn ngày ngày thổi qua cuộc sống thanh bình của những ngư dân quanh năm chỉ biết đến thả lưới giăng câu…
K.D (st)