Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phải bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ tốt nhất cho người dân
Thứ hai: 05:30 ngày 26/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hệ thống y tế công lập vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân bên cạnh việc kêu gọi xã hội hoá.

Toàn cảnh phiên giải trình.

Chiều 22.12 vừa qua, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức phiên giải trình việc thực hiện các chính sách để đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ toàn dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thành Tâm- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Tham dự có bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy, Nguyễn Thanh Phong cùng lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND các địa phương.

Đơn vị giải trình có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh.

Thiếu thuốc và chậm cấp phát thẻ

Ông Nguyễn Việt Cường- Phó trưởng Ban VH-XH cho biết, qua khảo sát của HĐND tỉnh, việc thực hiện chính sách để đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, UBND các xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, HĐND tỉnh đánh giá, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh những năm gần đây chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Cơ sở khám, chữa bệnh chưa bảo đảm thuốc, vật tư y tế cho người tham gia BHYT, tình trạng thiếu thuốc đã kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Một điểm đáng lưu ý, qua 2 đợt khảo sát mới đây của HĐND tỉnh cho thấy từ tháng 8.2022, hệ thống bưu điện được uỷ thác thu BHYT, việc phối hợp giữa UBND các xã và bưu điện chưa được nhịp nhàng, cấp thẻ cho người dân mất nhiều thời gian hơn, làm cho người dân chưa hài lòng.

Ngoài ra, còn một số hạn chế khác như việc lập danh sách cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo ở một số địa phương chậm, gây thiệt thòi quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân; vẫn còn tình trạng cấp chậm, sai thông tin trên thẻ gây khó khăn cho người có thẻ và lãng phí ngân sách…

Nguyên nhân và giải pháp

Giải trình về những hạn chế trên, ông Phạm Văn Tâm- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, ngành BHXH đã rất nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh tỷ lệ tham gia BHYT trong toàn dân bằng nhiều hình thức, cách làm như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp-phích, tờ rơi; phối hợp các địa phương tuyên truyền từng khu, cụm dân cư…

Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thừa nhận, thiếu thuốc là do đấu thầu muộn, bên cạnh đó là nguồn lực, năng lực cán bộ còn hạn chế, không bảo đảm tốt trong công tác đấu thầu. “Hiện tại, các gói thầu đang được đẩy nhanh tiến độ theo quy định, sắp hoàn thành trước thời hạn chung, cố gắng cuối tháng 1.2023 sẽ thực hiện xong công tác đấu thầu”- ông Sơn thông tin thêm.

Với ý kiến về việc người dân có thẻ BHYT phải mua thuốc bên ngoài có được thanh toán lại không, ông Sơn cho biết, Bộ Y tế khẳng định không có cơ chế để giải quyết vì sai quy định pháp luật. Việc bất cập này cũng được Trung ương nhìn nhận và sẽ có điều chỉnh trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đề ra trong phiên giải trình này để có giải pháp quyết liệt hơn trong năm 2023. Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá, trong năm 2022, tỷ lệ người dân tham gia BHYT có khả năng cao đạt theo chỉ tiêu của HĐND tỉnh đề ra, không đạt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Theo ông Trong, dù rất nỗ lực nhưng UBND tỉnh đánh giá sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế có phục hồi nhưng cuộc sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là tình trạng thiếu thuốc, các đại lý BHYT chậm cấp phát thẻ cũng ảnh hưởng đến tâm lý người dân khi tham gia BHYT.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội, Bưu điện tỉnh phối hợp, tập trung chỉ đạo cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân. "Nếu việc nhập dữ liệu để cấp thẻ BHYT chậm do ùn ứ, thiếu nhân lực, có thể huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ ngắn hạn”- ông Trong gợi ý giải pháp.

Với những hạn chế được chỉ ra, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết sẽ đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các tình trạng trên, tạo sự tin tưởng, an tâm khi tham gia BHYT trong nhân dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng thông tin vài điểm sáng nỗ lực trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân thời gian qua như phối hợp Bệnh viện 115 (TP. Hồ Chí Minh) khám, chữa bệnh tại Tây Ninh; đưa đội ngũ y tế tập huấn nâng cao tay nghề tại Bệnh viện 115; tỉnh quyết liệt trong chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, mua vật tư y tế để bảo đảm hoạt động trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khám, chữa bệnh.

“Bức tranh của ngành y tế tỉnh nhà trong năm 2023 chắc chắn sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét”- ông Trong khẳng định.

Phải bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ cho người dân

Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong thời gian vừa qua để nâng tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn; trong điều kiện khó khăn chung, ngành Y tế cố gắng cung cấp những dịch vụ cơ bản chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hệ thống y tế công lập vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân bên cạnh việc kêu gọi xã hội hoá.

Ông Nguyễn Thành Tâm chỉ rõ, bất cập lớn nhất hiện nay là chất lượng khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT không cao. Thời gian gần đây còn bị giảm sút do không có thuốc, vật tư y tế bảo đảm dịch vụ đúng theo nguyện vọng của người dân. Kế đó là tỷ lệ vận động người dân tham gia BHYT chưa đạt theo yêu cầu và chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong quá trình triển khai thực hiện còn có hạn chế từ tổ chức hệ thống vận động bán thẻ BHYT, dù có đổi mới, có cải cách nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Từ các ý kiến giải trình và của lãnh đạo UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản thống nhất và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Tỉnh uỷ về việc củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống BHYT công lập, trước mắt phải tập trung giải quyết vấn đề bức xúc nhất là thiếu thuốc và vật tư y tế; thiết kế hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh công trong điều kiện thiếu nhân lực bảo đảm quyền lợi của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với BHXH có phương án bố trí nhân lực, địa điểm để làm tốt dịch vụ cung cấp BHYT cho người dân.

BHXH tiếp tục nghiên cứu mở rộng bên cạnh hệ thống công, bệnh viện tư nhân, để người dân được tiếp cận dịch vụ BHYT ở các cơ sở y tế ngoài công lập. Phải giải quyết được những hạn chế của việc mua bán BHYT thông qua các đại lý hiệu quả, mở rộng doanh nghiệp có khả năng thực hiện việc này; làm rõ trách nhiệm giữa BHXH với các doanh nghiệp, tránh tình trạng chậm nộp kinh phí.

“BHXH phải phối hợp với doanh nghiệp, địa phương rà soát nếu có trường hợp người dân nộp tiền mà chưa nhận thẻ BHYT do lỗi hệ thống thì có biện pháp xử lý bảo đảm quyền lợi của người dân”- ông Tâm nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, BHXH, BHYT trong quản lý người mua. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh để xác định rõ các đối tượng triển khai ngay các chính sách.

Với những vấn đề thuộc cơ chế, BHXH cần rà soát các quy định của pháp luật để có kiến nghị cụ thể gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trước mắt là với dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); kiến nghị BHXH Việt Nam có hướng sửa, có cơ chế mở rộng hơn để tăng hiệu quả thu BHYT.

Năm 2022, tính đến tháng 8, có hơn 1 triệu người tham gia BHYT, giảm gần 19.166 người so với năm 2021. Trong đó, nhóm giảm nhiều gồm: Cận nghèo giảm 17.745 người, hộ nông lâm ngư nghiệp giảm 4.437 người và hộ gia đình giảm 9.513 người. Tính đến tháng 8.2022, tỷ lệ bao phủ BHYT là 86,63%.

Đức An

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục