Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phải biết kiểm soát phát ngôn
Thứ ba: 10:23 ngày 28/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Có những người kiến thức pháp luật không thiếu nhưng vẫn cho rằng phát ngôn trên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận. Đây là nhận thức hết sức sai lầm và tai hại

Từng là thạc sĩ, tiến sĩ, luật sư nhưng con đường dẫn họ đến tình cảnh bị khởi tố, bắt tạm giam chính vì đã tùy tiện trong ứng xử trên mạng xã hội.

Ranh giới mong manh

Câu chuyện nhà báo Hàn Ni (thạc sĩ luật) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam do đã có hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ Luật Hình sự là một bài học đắt giá cho bất kỳ ai.

Cũng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và luật sư Trần Văn Sỹ. Trong đó, tiến sĩ Quân là người có mặt rất nhiều lần trong các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam). Ông Quân được xác định là "cố vấn pháp lý" cho bà Phương Hằng trong các buổi livestream. Nhà báo Hàn Ni, luật sư Trần Văn Sỹ là bên đối lập với bà Phương Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam một phần xuất phát từ đơn tố cáo của bà Hàn Ni. Vì vậy, trong vụ án của bà Phương Hằng, bà Hàn Ni được xác định là bị hại.

Theo điều 62 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại "là cá nhân trực tiếp bị xâm hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra". Hành vi phạm tội của bà Hằng, nếu có, sẽ được các cơ quan tố tụng phán quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật và bà Hàn Ni sẽ được pháp luật bảo vệ với tư cách người bị hại.

Trong "drama" của bà Phương Hằng, có rất nhiều nhân vật bị xúc phạm trong các buổi livestream, một số người chọn giải pháp là thu thập chứng cứ và tố cáo đến cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý hình sự. Trường hợp bà Hàn Ni thì vừa tố cáo vừa lên mạng đối đáp lại.

Không kém gì bà Hằng, các buổi livestream của bà Hàn Ni cũng thu hút lượng người theo dõi rất lớn. Câu chuyện thị phi mắng qua chửi lại không chỉ trên mạng mà từng xảy ra việc kéo người gây gổ, chửi bới ngoài đời thực. Đỉnh điểm là bà Phương Hằng cùng nhóm của mình đến nơi làm việc, nhà riêng của bà Hàn Ni để "nói chuyện". Cả hai đều được "hai phe cư dân mạng" tung hô là "người hùng", tùy theo nhận thức của mỗi phía.

Trong khi được xác định là bị hại thì bà Hàn Ni lại bị phía bà Phương Hằng làm đơn tố cáo với nội dung bị bà Hàn Ni chửi bới, xúc phạm. Sau gần một năm kể từ khi bà Phương Hằng bị bắt thì Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố bà Hàn Ni với tội danh tương tự và bị hại trong vụ này là bà Phương Hằng.

Từ trái sang: Ba bị can Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ Ảnh: HẠNH NGUYÊN

Không phải muốn nói gì thì nói

Câu chuyện trên trở thành tình huống bi hài trong lịch sử tố tụng hình sự của Việt Nam khi vị trí bị hại - bị can/bị cáo cách nhau ranh giới mong manh. Hôm nay là bị hại, nhưng nếu ứng xử không khéo thì ngày mai trở thành bị can, bị cáo.

Từ khi các nền tảng mạng xã hội bùng phát, nhiều người có quan niệm mạng xã hội là mạng ảo nên muốn nói gì thì nói. Có những người học vấn cao, kiến thức pháp luật không thiếu nhưng vẫn cho rằng phát ngôn trên mạng xã hội là quyền tự do ngôn luận nên đăng tải, phát tán các nội dung theo kiểu "thích thì đăng", "tường nhà ta, ta đăng gì kệ ta". Đây là một nhận thức hết sức sai lầm và tai hại.

Có người còn so sánh ở một số nước, người dân muốn phát ngôn gì thì phát ngôn, không bị cấm. Có thể họ không bị xử lý hình sự nhưng trường hợp bị kiện về hành vi phỉ báng, xúc phạm người khác rồi bồi thường dân sự không phải ít. Đơn cử, vừa rồi, một tòa án ở Mỹ đã phán quyết cho danh thủ C.Ronaldo thắng kiện người tố cáo anh hiếp dâm do không có căn cứ phải bồi thường hơn 300.000 USD.

Hơn nữa, mỗi nước có hệ thống pháp luật khác nhau, ở Việt Nam không thể so sánh với pháp luật nước khác. Và dù hệ thống pháp luật các nước có khác nhau thì một nguyên tắc cơ bản của pháp luật là công dân khi thực hiện quyền của mình không được xâm phạm đến quyền của người khác. Hay nói cách khác, mọi người phải hành xử đúng luật.

Tự do ngôn luận là quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp, pháp luật bảo hộ. Cùng với đó, bí mật đời tư, bí mật gia đình, hình ảnh đối với cá nhân, danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức… cũng là quyền được Hiến pháp, pháp luật bảo hộ. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không có chuyện anh thực hiện quyền của anh mà xâm phạm quyền của người khác.

Rất tiếc, thời gian qua rất nhiều người có kiến thức pháp luật nhưng lại lên mạng xã hội phát ngôn bất chấp pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác đến mức bị khởi tố, vướng vòng lao lý. Ngoài 3 người trên, còn rất nhiều người có kiến thức pháp luật cũng lên mạng chửi bới, xúc phạm người khác.

Việc khởi tố, bắt tạm giam những người lên mạng chửi bới, xúc phạm người khác là điều rất cần thiết, mang tính cảnh báo cao. Từ đó, trả lại không gian mạng trong sạch, không bị vấy bẩn bởi những hành xử trái pháp luật.

Khởi tố bà Hàn Ni chỉ mới là bước đầu của quá trình tố tụng, việc có tội hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của tòa án. Tuy nhiên, đang là bị hại, bà Hàn Ni tự làm khó, làm khổ mình khi đi vào vết xe của bà Phương Hằng...

Nguồn NLDO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục