Từ ngày 1.12, những phương tiện chưa có giấy chứng nhận đăng ký, biển số hoặc không có giấy xác nhận đang hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu, cải tạo đăng ký rơ-moóc, lái xe không có giấy phép… sẽ bị xử lý nghiêm.
Còn khoảng 1/3 số rơ-moóc chưa đăng ký cải tạo
Ông Lê Văn Đúng-Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, đến nay đã có 857 hồ sơ đăng ký cải tạo thiết kế rơ-moóc máy kéo đã được Sở phê duyệt. Trong đó, có 425 rơ-moóc đã được nghiệm thu, 212 rơ-moóc được cấp giấy chứng nhận cải tạo, 126 rơ-moóc được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành… Song song với việc tổ chức cải tạo thiết kế rơ-moóc, cơ quan chức năng cũng phối hợp với các nhà máy đường, các trung tâm đào tạo lái xe tổ chức các lớp dạy nghề cho tài xế lái máy kéo kéo rơ-móoc chở nông sản (mía, mì). Hiện đã có 1.485 học viên được cấp chứng chỉ đào tạo lái máy kéo, 258 học viên được cấp phép lái xe hạng C và 282 học viên được cấp giấy phép lái xe hạng B2.
Theo số liệu thống kê trước đây, toàn tỉnh có trên 1.200 rơ-moóc máy kéo cần phải được cải tạo thiết kế theo quy chuẩn chung để đảm bảo an toàn khi lưu hành theo Quyết định số 1627/QĐ-UBND ngày 25.7.2008 của UBND tỉnh về “Ban hành quy định tạm thời tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật rơ-moóc máy kéo chở hàng hoá tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Theo Quyết định số 1627/QĐ-UBND, thời điểm cuối cùng để chủ các phương tiện hoàn tất việc thiết kế cải tạo rơ-moóc máy kéo là 31.12.2008. Tuy nhiên, đến đầu năm 2009, trước thực trạng hơn 1.000 rơ-moóc máy kéo chưa được cải tạo thiết kế vẫn “vô tư” lưu thông vận chuyển hàng hoá trên các tuyến đường nên Sở GT-VT đã phải xin chủ trương của Bộ GT-VT cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc cải tạo thiết kế rơ-moóc đến cuối năm 2009.
Máy kéo chở mía về nhà máy chế biến. |
Nhà máy đường “kêu cứu”
Như vậy, đến nay số rơ-moóc đã được chủ phương tiện đăng ký cải tạo mới chỉ hơn 2/3 số rơ-moóc hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong khi chỉ còn một tháng rưỡi nữa để hoàn thành kế hoạch cải tạo thiết kế rơ-moóc theo hạn định. Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Lê Văn Đúng cho biết: “Theo số liệu Sở GT-VT nắm được, hiện nhà máy đường Bourbon Tây Ninh cần khoảng 500 máy kéo chở mía từ các vùng nguyên liệu về nhà máy, nhà máy đường Biên Hoà cần khoảng 250 chiếc và nhà máy đường Nước Trong cần khoảng 100 chiếc. Tổng số rơ-moóc máy kéo phục vụ cho các nhà máy đường tương đương với số rơ-moóc đã đăng ký cải tạo thiết kế ở thời điểm hiện tại. Mục đích yêu cầu đề ra của việc cải tạo thiết kế rơ-moóc máy kéo là nhằm giải quyết tạm thời tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển nông sản (chủ yếu là mía) phục vụ các nhà máy chế biến. Cho nên, có thể nói rằng số lượng rơ-moóc máy kéo đăng ký thiết kế cải tạo hiện thời và số phát sinh thêm từ nay đến cuối năm cũng đã tạm đáp ứng nhu cầu”.
Trong thời gian qua, mặc dù ngành chức năng đã tích cực liên hệ với chính quyền các địa phương và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định và thời hạn cải tạo thiết kế rơ-moóc nhưng vẫn còn một số lượng không nhỏ (khoảng 500 rơ-moóc máy kéo các cỡ) chưa đăng ký cải tạo. Một số hồ sơ đăng ký đã được duyệt nhưng chủ phương tiện “quên” đưa rơ-moóc máy kéo đi thiết kế lại, gây khó khăn cho các đơn vị thi công, làm chậm tiến độ nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển số. Một số chủ phương tiện thì “không quan tâm” đến quy định của Nhà nước trong việc cải tạo thiết kế rơ-moóc theo quy chuẩn chung. Do đó, trong vụ thu hoạch mía năm nay, nếu các ngành chức năng “làm căng” ắt sẽ xảy ra tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh cho biết: Dù đã bước vào vụ thu hoạch-chế biến mía đường 2009-2010 nhưng các phương tiện vận chuyển chủ yếu là máy kéo kéo rơ-moóc chưa được nông dân tự giác thực hiện tốt quy định về cải tạo, đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Để đảm bảo có đủ phương tiện phục vụ vận chuyển mía về nhà máy chế biến, Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh đề nghị UBND tỉnh cho phép các ngành chức năng xem xét, hỗ trợ những máy kéo kéo rơ-moóc chưa cải tạo, đăng kiểm, đăng ký được phép hoạt động đến cuối tháng 11.2009. Phía Công ty sẽ có trách nhiệm rà soát, nhắc nhở những chủ phương tiện chưa thực hiện các thủ tục quy định nhanh chóng liên hệ với Sở GT-VT để được cải tạo thiết kế rơ-moóc, đăng ký, đăng kiểm…
Gia hạn đồng thời kiểm soát, nhắc nhở đăng ký
Mới đây, Sở GT-VT đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng, UBND các huyện và đại diện các nhà máy đường về tiến độ thực hiện cải tạo rơ-moóc máy kéo và tìm giải pháp hỗ trợ các nhà máy trong vụ chế biến mía đường 2009-2010. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thanh Danh-Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu đề nghị các ngành chức năng cần quản lý, kiểm tra việc vận chuyển mía bằng máy kéo, đảm bảo phương tiện phải chở đúng tải trọng cho phép và có các loại giấy tờ theo quy định. Về lâu dài, các ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù của tỉnh trong việc vận chuyển mía vì đây là sản phẩm trọng yếu của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng có thể nghiên cứu quy định vận chuyển mía bằng rơ-moóc máy kéo theo giờ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ông Bình cũng đề nghị các nhà máy đường nên xây dựng phương án đầu tư phương tiện vận chuyển mía cho phù hợp để đảm bảo hoạt động sản xuất của đơn vị, không nhất thiết phải phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển bằng máy kéo kéo rơ-moóc như hiện nay.
Bà Cao Thị Nhạn-Giám đốc Sở GT-VT cho biết Sở sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các nhà máy chế biến trong việc thu hoạch và vận chuyển mía niên vụ 2009-2010 như niên vụ trước. Tuy nhiên, việc thực hiện cải tạo thiết kế rơ-moóc vẫn phải được triển khai thực hiện rốt ráo để đảm bảo đúng tiến độ. Từ nay đến ngày 30.11.2009, ngành chức năng sẽ kiểm tra, nhắc nhở những phương tiện chưa thực hiện các thủ tục theo quy định. Từ ngày 1.12, những phương tiện chưa có giấy chứng nhận đăng ký, biển số hoặc không có giấy xác nhận đang hoàn chỉnh thủ tục nghiệm thu, cải tạo đăng ký rơ-moóc, lái xe không có giấy phép… sẽ bị xử lý nghiêm.
HOÀNG THI