Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại phiên toà, bị cáo T.A cho rằng bản thân nóng nảy nhất thời đã có hành vi vi phạm pháp luật, giờ cảm thấy rất ăn năn hối hận về việc làm của mình.
Vợ bị cáo V.P bồng con nhỏ đứng ngoài hàng lang phòng xét xử dõi mắt theo dõi phiên toà bên trong.
Trong phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” tại TAND tỉnh mới đây, khi 3 bị cáo đứng trước vành móng ngựa trình bày với Hội đồng xét xử lý do họ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cũng như khai lại tình tiết vụ án trong phần xét hỏi, ở ngoài hàng lang phòng xét xử có hai thiếu phụ ôm con dõi mắt theo diễn biến phiên toà có vẻ rất lo âu, không biết việc kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo có được HÐXX chấp nhận hay không. Hai thiếu phụ bồng con chính là vợ của 2 trong số 3 bị cáo.
Theo hồ sơ vụ án, cả 3 bị cáo đều là công nhân, trong một buổi đi nhậu do nảy sinh mâu thuẫn với một nhóm thanh niên nên đã dùng hung khí để giải quyết. Vào khoảng 15 giờ ngày 19.10.2016, trước cổng một công ty tại Khu công nghiệp Phước Ðông - Bời Lời, 3 bị cáo cùng nhau đánh người, gây thương tích cho 2 nạn nhân, một người bị thương tích 12% và một người bị thương tích 8%.
Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Gò Dầu đã tuyên phạt bị cáo T.A 3 năm tù, bị cáo L.P 3 năm tù và bị cáo V.P 2 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Sau đó, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà, bị cáo T.A cho rằng bản thân nóng nảy nhất thời đã có hành vi vi phạm pháp luật, giờ cảm thấy rất ăn năn hối hận về việc làm của mình.
Ðiều đau lòng nhất là vợ bị cáo T.A mới sinh, đứa con còn rất nhỏ nhưng đã mắc bệnh nan y- ung thư máu. Do đó, bị cáo rất lo lắng khi đi chấp hành hình phạt tù, vợ bị cáo ở nhà lo cho con không xuể.
Bị cáo T.A mong muốn Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo có thể ở nhà cùng vợ lo điều trị bệnh tật cho con thơ. Nói đến đây, bị cáo T.A nước mắt ràn rụa, bên ngoài phòng xử, thiếu phụ đang ôm con cũng khóc nấc khi nghe chồng trình bày với toà.
Khi Hội đồng xét xử hỏi: nếu thương vợ thương con đến thế sao bị cáo lại hung hăng gây ra thương tích cho người khác để phải đi tù? Bị cáo T.A chỉ biết khóc, không thể trả lời được gì ngoài việc chỉ nói là bị cáo đã ân hận khi gây khổ cho vợ con.
Tương tự như bị cáo T.A, bị cáo V.P cũng có vợ mới sinh con được 5 tháng, cũng mong được giảm án và xin được hưởng án treo để ở nhà phụ vợ nuôi con nhỏ. Nếu bị cáo đi tù, vợ bị cáo sẽ rất khó khăn khi một mình vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ.
Trong giờ Toà nghị án, người vợ của một bị cáo cho biết, vợ chồng còn trẻ, kinh tế rất khó khăn, vợ chồng cùng đi làm công nhân. Do vậy, nếu chồng phải đi tù, những ngày còn lại chị không biết sẽ nuôi con như thế nào.
Phải chi ngày đó, bị cáo nghe lời khuyên của chị, đi làm rồi về nhà phụ vợ chăm con, đừng tụ tập bạn bè nhậu nhẹt thì sự việc đâu đến nông nỗi này. Hội đồng xét xử tuyên án chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo T.A và bị cáo L.P, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo V.P.
Cụ thể, Toà tuyên phạt bị cáo T.A 2 năm tù, bị cáo L.P 2 năm tù và bị cáo V.P 2 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”; không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo. So với bản án sơ thẩm, bị cáo T.A được giảm 1 năm tù, bị cáo L.P được giảm 6 tháng tù.
Phiên toà kết thúc, do các bị cáo đang được tại ngoại chờ ngày thi hành án, nên được ra lấy xe chở vợ con về. Trên đường từ phòng xét xử ra đến sân toà án, 2 thiếu phụ ôm con cứ rơi nước mắt vì niềm hy vọng chồng được hưởng án treo đã không thành hiện thực.
Họ lặng lẽ cùng chồng chở về mang theo nỗi lo lắng khi nghĩ đến tương lai nặng nề vì người chồng ham một phút “anh hùng rơm” để trả giá bằng án phạt tù. Phải chi hồi đó họ biết yêu thương, biết nghĩ đến vợ con như… bây giờ!
THIÊN TÂM