Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển du lịch Homestay ở Tây Ninh:
Phải cho du khách một cái cớ để ở lại
Thứ sáu: 06:05 ngày 14/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Muốn kéo khách đến Tây Ninh, phải trả lời được câu hỏi: Tại sao họ phải ở lại đây? Tôi nghĩ, điều này cần phải có sự tham gia của chính quyền, phối hợp với người dân để cùng làm. Khi đã phát triển các địa điểm du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp, tôi cho rằng Tây Ninh sẽ là điểm đến tiềm năng.

Khách nước ngoài dạy tiếng Anh cho con gái Hoàng Anh Phương. Ảnh: FB HAP

“Nhà nằm trong khu vườn quanh năm hoa nở, rộn tiếng chim ca”; “ngoài phòng ngủ, khách được tuỳ nghi sử dụng bếp, máy giặt”; “xe đạp được cung cấp miễn phí” - đó là những thông tin tôi đọc được khi tìm kiếm dịch vụ homestay (lưu trú tại nhà dân địa phương) ở Tây Ninh.

Có lẽ, khái niệm cho người lạ cùng ở, cùng sinh hoạt tại nhà của mình còn khá mới mẻ đối với người dân tỉnh mình nên tính đến thời điểm này, hầu như tôi không tìm được một địa điểm nào khác ngoài địa chỉ “Home stay in Tây Ninh” nằm ở xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành.

Đó là một căn nhà vườn thoáng đãng với rất nhiều cây xanh nằm trong một khu vực rất yên tĩnh. Không quá khó để tôi có thể liên lạc được với chủ nhân của hình thức kinh doanh này. Tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, đã đi du lịch 15 quốc gia khác nhau, hiện đang phụ trách quan hệ báo chí tại một công ty đa quốc gia, Hoàng Anh Phương bắt tay vào việc kinh doanh homestay như để thoả mãn niềm đam mê xê dịch của mình.

-Tại sao bạn nói rằng, làm homestay là để thoả mãn ước mơ xê dịch, có thể nói rõ hơn không?

-Từng đi du lịch nhiều nơi, trải nghiệm các nền văn hoá, tìm hiểu về tôn giáo và truyền thống của các quốc gia khác nhau là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Tôi thích được lê la, trò chuyện, cùng ăn, cùng ở với người dân ở mỗi vùng tôi đến, do vậy, tôi thường chọn lưu trú ở nhà dân. Ở khách sạn buồn lắm, quanh quẩn chỉ có bốn bức tường.

Ở với dân địa phương thì khác nhé, bạn không chỉ có cơ hội giao tiếp với người dân địa phương để hiểu thêm về ngôn ngữ bản địa mà còn được tiếp cận văn hoá ẩm thực, rồi còn được tìm hiểu về tập tục truyền thống thông qua cách thức sinh hoạt của người dân nơi bạn đến.

Không phải lúc nào tôi cũng có thể thu xếp đi du lịch được nên tôi quyết định mở homestay. Nhờ nó, tôi có thể gặp gỡ được nhiều người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi chia sẻ trải nghiệm cho nhau. Tôi học hỏi được nhiều từ khách của mình. Mỗi người là một câu chuyện. Câu chuyện nào cũng có thú vị riêng của nó, xuất phát từ những con người phóng khoáng, làm giàu bản thân mình bằng kinh nghiệm sống qua những chuyến đi.

-Bạn kinh doanh dịch vụ homestay đã lâu chưa? Theo bạn, điều gì khiến du khách lựa chọn ở nhà bạn thay vì ở khách sạn?

-Lý do thì có lẽ cũng giống như tôi đã nói ở trên thôi. Nhưng có thể có thêm lý do là nhà tôi xây dựng theo kiến trúc đơn giản, mộc mạc- nơi con người có thể tương tác với thiên nhiên nhiều nhất. Tôi trồng rất nhiều hoa, nhiều cây ăn trái và cả rau sạch. Khách có thể hái rau trong vườn để nấu nướng. Tôi trồng cả bạc hà và tắc, khách có thể mua rượu về để pha mojito (cười).

-Theo bạn, làm homestay ở Tây Ninh có khó không?

Về chủ quan mình thấy có hai cái khó. Thứ nhất là về văn hoá và về quan điểm. Đại đa số gia đình ở Tây Ninh là gia đình nhiều thế hệ, có quan điểm khác nhau và phần lớn không quen làm du lịch nên việc chừa một gian phòng chỉn chu dành cho một người “xa lạ” vào ở và sinh hoạt cùng gia đình mình, hẳn là điều mới mẻ. Rào cản thứ hai theo mình là về ngôn ngữ giao tiếp (nếu khách là người nước ngoài). 

Còn về mặt khách quan, Tây Ninh cách thành phố Hồ Chí Minh có 100km, chỉ mất khoảng 2 giờ di chuyển nên đa phần khách đi về trong ngày vì không có lý do gì để “neo” họ ở lại. Đến Toà thánh Cao Đài để xem lễ cúng thời Ngọ, leo núi Bà rồi… về, không có hoạt động gì khác nên dù có muốn, họ cũng không có lý do gì để ở lại.

Vì vậy, muốn kéo khách đến Tây Ninh, phải trả lời được câu hỏi: Tại sao họ phải ở lại đây? Tôi nghĩ, điều này cần phải có sự tham gia của chính quyền, phối hợp với người dân để cùng làm. Khi đã phát triển các địa điểm du lịch một cách bài bản và chuyên nghiệp, tôi cho rằng Tây Ninh sẽ là điểm đến tiềm năng.

-Theo bạn, cần phải phối hợp như thế nào? Bạn có những mong muốn và đề xuất gì?

-Tôi nói chuyện với nhiều khách du lịch đến Tây Ninh. Họ khen tỉnh mình đẹp và thanh bình quá. Nhưng nếu đi chơi, họ không biết đi đâu. Ví dụ như hồ Dầu Tiếng rất đẹp, cách thành phố Tây Ninh khoảng 25-30km. Nhưng khi đến đó lại không có hoạt động gì chơi ngoài ngắm cảnh. Tôi nghĩ, chúng ta có thể cân nhắc tổ chức các hoạt động liên quan tới nước, có thể là câu cá, chèo thuyền kayak… với quy mô chuyên nghiệp.

Sông Vàm Cỏ Đông hay Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cũng vậy. Tôi thấy việc khai thác du lịch ở các địa điểm này còn rất manh mún và… hơi bị yếu. Trong khi Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là địa điểm rất lý tưởng cho hoạt động trekking, khám phá.

Cuộc sống đô thị mệt mỏi, nhiều người muốn tìm về với thiên nhiên. Hiện giờ, thông tin về các hoạt động vui chơi tại hồ Dầu Tiếng hay Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát hầu như không có. Nếu có thì cũng rất ít và hầu như chỉ bằng tiếng Việt, không mấy người biết đến. Công tác truyền thông cũng còn hạn chế.

Tôi nghĩ phải khai thác các hoạt động và truyền thông tốt về các điểm đến này cùng với nhiều cung đường mới lạ, có thể là trạm dừng chân trước khi khách đi qua Campuchia chẳng hạn. Hiện giờ, khách nước ngoài vẫn quen đi theo đường từ cửa khẩu quốc tế Xà Xía ở Hà Tiên (An Giang) sau khi dừng chân ở Phú Quốc. Phải bày ra cho khách du lịch nhiều lựa chọn thú vị, nhiều lý do khám phá để thuyết phục họ dừng chân lâu hơn. Có như vậy, du lịch homestay mới phát triển được.

-Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện.

Hy Uyên

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục